Văn học ẩm thực- Khi cái ăn được nâng thành nghệ thuật (kỳ 1): 1 mảnh đất bỏ hoang và 2 hướng khai phá
(Thethaovanhoa.vn) - Một thời từng có dòng văn học ẩm thực không thua kém bất cứ thể thức văn học kinh điển nào. Nhưng cho đến nay, những cây bút viết về ẩm thực hay và dài hơi có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong số đó có nhà văn Nguyễn Quang Thiều và nữ nhà văn Di Li.
1. Văn học ẩm thực là một thể loại hiếm người viết ngay cả trên thế giới. Trong suốt thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, các tác phẩm văn học ẩm thực xuất hiện không nhiều, điển hình có thể kể đến các tùy bút ẩm thực của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Băng Sơn... Thế nhưng, cái thời vang bóng của những cây bút kinh điển viết về ẩm thực đã là quá khứ rất xa.
Thực tế mà nói, văn học ẩm thực hiện nay giống như một mảnh đất bỏ hoang không có ai khai phá. Phải chăng ẩm thực không đủ sức hấp dẫn để người viết có thể chắp cánh thành những áng văn giàu hương vị, giàu cảm xúc hay những cây bút hiện đại không đủ sức tìm ra được cách khai phá mới mẻ cho những giá trị văn hóa ẩn tồn trong ẩm thực?
Tại tọa đàm Văn học ẩm thực được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace) mới đây, những câu chuyện văn chương về ẩm thực đã được gợi mở từ tùy bút Mùi của ký ức của nhà văn Nguyễn Quang Thiều cùng bộ đôi tùy bút Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa và Nửa vòng trái đất uống một ly trà của nhà văn Di Li. Mỗi nhà văn có một cách tiếp cận riêng với văn hóa ẩm thực. Sự khác biệt về sức cảm và nhãn quan của hai thế hệ khiến mỗi trang viết về chuyện ăn uống có một sức hấp dẫn khác nhau.
2. Cuốn Mùi của ký ức bao gồm 18 tùy bút ẩm thực của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Như tên gọi của cuốn sách, 18 câu chuyện là tập hợp của những hồi ức da diết về làng Chùa (Ứng Hòa, Hà Nội) và những món ăn làng.
Tác giả chia sẻ rằng: “Tôi viết cuốn sách này để tưởng nhớ ông bà, cha mẹ tôi và những người làng Chùa đã khuất. Suốt trong những năm tháng ấu thơ cho đến khi rời làng đi học xa, cùng như những đứa trẻ trong làng, tôi lớn lên trong hai thế giới: Thiên nhiên hoang dã và lề thói phong kiến… Từ lúc lên 5, 6 tuổi, chúng tôi đã phải nấu ăn. Bởi thế tất cả những món ăn của người làng Chùa tôi đều biết cách làm như: mổ lợn, mổ gà vịt, gói giò xào, nấu thịt đông, nấu canh cua canh cá, kho cá…”.
Những hồi ức trong sách của tác giả vì thế đều gắn với những món ăn của người mẹ, người cha, người bà và cả những cư dân làng Chùa nay đã thành người thiên cổ.
Mở đầu bằng Tôi khóc những cánh đồng rau khúc, Nguyễn Quang Thiều dẫn độc giả ngược dòng ký ức trở về với những cánh đồng xứ Bắc khi rau khúc vào mùa. Hết mùa rau khúc, tác giả lại dẫn độc giả đến mùa hoa cải vàng với món canh cua trứ danh… Qua đó độc giả được trải nghiệm những món ăn quen thuộc nhưng cũng đầy lạ lẫm vì lâu rồi không còn được ăn nữa như trứng chưng tương, bánh đúc riêu cua, cá nướng, muối riềng, muối sườn, cơm nóng trộn mỡ lợn, gỏi cua, gỏi cá diếc…
Nhà báo Nguyễn Thành Linh viết rằng: “Dẫu là một người con của Nam Bộ, nhưng khi đọc những trang viết của Nguyễn Quang Thiều về đặc sản ẩm thực chốn làng quê Bắc Bộ, tôi vẫn thấy có một cảm giác gần gũi thân thương đến lạ thường. Và trong những hình ảnh về ký ức tuổi thơ, không thể thiếu được những bữa cơm nhà với đầy đủ dư vị của hương đồng gió nội mà không thể kiếm tìm được ở chốn nao nơi thành phố sau này”.
Mùi của ký ức mở ra một không gian mênh mang, hoang dã và đầm ấm qua lời kể da diết và điềm tĩnh của người đàn ông đã đi quá nửa đời người, trong ấy là nỗi xót xa khi thiên nhiên bị tàn phá, khi con người càng ưa chuộng những xã giao hiện đại mà mất dần đi tính tính kết nối giữa người với người, với thiên nhiên tinh khiết, và không thể không thôi hoài niệm về những ký ức yêu thương với những người phụ nữ đã góp phần kiến tạo nên con người và sự nghiệp của nhà văn. Đấy là những người bà, người mẹ luôn hiện ra trong khói lam chiều mỗi khi nhà văn nhớ về những món ăn nơi thôn dã.
3. Nếu thế giới văn chương ẩm thực của nhà văn Nguyễn Quang Thiều là một miền ký ức thân thuộc, dân dã thì nữ nhà văn Di Li lại mang đến một sự bạo liệt của một người trẻ ưa khám phá.
Bộ đôi tùy bút ẩm thực Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa và Nửa vòng Trái đất uống một ly trà mang phong cách khác hẳn văn phong ẩm thực của các thế hệ đi trước. Xuyên suốt 107 câu chuyện về ẩm thực, tác giả không sử dụng những câu từ hoa mỹ nhưng luôn bộc lộ khả năng tái hiện sinh động về ẩm thực bằng cả 5 giác quan. Có thể coi đây là bộ đôi tùy bút ẩm thực đầu tiên viết về những món ăn vòng quanh thế giới và Việt Nam.
Với phong cách hiện đại và hài hước mà không kém phần yêu thương, da diết cùng những món ăn quê nhà, 53 câu chuyện trong Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa là không gian đêm Noel trên thành phố cảng rực sáng ánh đèn với món bánh đa cua của bà cụ trứ danh, nỗi khổ sở khi đi ăn phở Thành Nam, những món ăn kỳ quặc suốt nẻo miền Tây, những ngày lang thang quà vặt Sài Gòn sau cơn mưa mùa nhiệt đới, ký ức về cô hàng bánh cuốn vùng biên giới đã dẻo tay cuốn bánh suốt vài thập niên, và cả tình người đong đầy trong những món ăn xưa cũ nơi phố Hội...
Trong đó, ẩm thực Hà Nội chiếm một vị trí trân trọng nhất, bởi khi ấy ẩm thực không chỉ là ẩm thực mà còn đong đầy hồi ức tuyệt đẹp về nơi tác giả đã sinh ra và lớn lên. Cũng chính vì thế, mùi thơm quyến rũ của món phở đã được tác giả gọi là “mùi xứ sở”. Các món quen thuộc như bún chả, bánh mì, quẩy nóng, mì vằn thắn, chè bà cốt… hiện lên qua các góc phố, hàng cây quyến rũ của bốn mùa Hà Nội.
Trong khi đó, Nửa vòng Trái đất uống một ly trà là một kỳ công khác của nữ nhà văn khi trên đường thiên lý qua hàng trăm thành phố khắp các lục địa Âu, Á, Phi, nhà văn đã lưu giữ lại qua vị giác những thước phim tư liệu sống động về các vùng văn hóa thông qua ẩm thực. Để kết thúc cuốn sách và hoàn thiện seri trà của 8 vùng văn hóa, Di Li đã cất công lên tận Tây Tạng chỉ để trải nghiệm và viết về món trà bơ. Qua cuốn sách này, dường như Di Li đã rất tâm huyết với thể loại du ký ẩm thực của mình.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã nhận xét: Đọc hai cuốn sách của Di Li tôi nhớ đến câu nói của một nhà văn nước ngoài “Mang tên con người thì dễ. Làm một con người thì khó. Đừng hỏi người đã bước đi nhiều. Hãy hỏi người đã nhìn thấy nhiều”. Lắm người khoe đã đi nhiều nơi, nhiều nước, nhưng rút lại chẳng nhìn thấy gì, Di Li thì khác. Cô đã đi nhiều, đã nhìn thấy nhiều, và đã trải nghiệm cái thấy, và viết cái thấy trải nghiệm ấy thành văn. Và như thế, Di Li ở hai cuốn sách này, là một người nữ viết về ẩm thực (phá định kiến chỉ nam giới mới biết ăn uống và viết về nó), là một người nữ viết về ẩm thực trong văn hóa (phá thông lệ viết về ẩm thực chỉ là chuyện ăn uống), là một người nữ viết về ẩm thực trong văn hóa có văn chương (phá thói quen viết ẩm thực như sách dạy món ăn). Đọc hai sách này của Di Li là đọc “ba trong một”.
Như hai cách khai phá mảnh đất văn học ẩm thực, những trang viết của nhà văn Nguyễn Quang Thiều và Di Li mang đến cho người đọc không chỉ là vị ngon của món ăn mà còn chứa đựng sự thấu cảm vị nghệ thuật qua giá trị văn hóa của ẩm thực. Nói như, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, trong cuốn “Mùi của ký ức”, Nguyễn Quang Thiều đi về làng quê, đi về gia đình, đi về ký ức. Di Li trong 2 cuốn sách của mình là đi ra, đi ra với thế giới, đi đến những nền văn hóa khác nhau. Tâm trạng của Nguyễn Quang Thiều là ngậm ngùi trở lại ký ức còn của Di Li là háo hức, cái gì cũng muốn thử, cái gì cũng muốn nếm, cái gì cũng muốn “ngó tận mắt, sờ tận tay”. Ở đây hai thế hệ, có hai cách viết khác nhau.
* Kỳ 2 & hết: Từ “mã code văn hóa” đến những ám ảnh sợ hãi
Công Bắc