Xuân Quỳnh - Vẫn mãi một tình yêu
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay, trên trang chủ xuất Google xuất hiện hình ảnh nữ sĩ Xuân Quỳnh với hình ảnh sóng, thuyền và biển, như trong bài thơ nổi tiếng của bà. Đó là cách Google vinh danh nữ sĩ của tình yêu nhân kỷ niệm sinh nhật thi sĩ 6/10/1942 - 6/10/2019.
Trong các thi nhân Việt Nam hiện đại nếu có thể dùng một chữ YÊU áp vào cho cuộc đời và thơ của họ thì một người không thể thiếu trong đó là Xuân Quỳnh. Một trong số ít. Yêu thực trong đời, yêu có hình hài con người cụ thể và đem cái người thực đời thực yêu ấy vào thơ. Yêu cho đến nỗi tiếng thơ là tiếng thổn thức đau đớn của lòng yêu.
- VIDEO:Ngắm những tác phẩm độc lạ trong triển lãm 'Se sẽ chứ' tưởng nhớ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ
- 30 năm ngày vĩnh biệt Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: Họ đến với cuộc đời như một thiên sứ
- Nữ sĩ Xuân Quỳnh chính thức được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh
- Gia đình nhà thơ Xuân Quỳnh: Những băn khoăn đã được ghi nhận
Xuân Quỳnh yêu từ buổi ban đầu: Đốt lòng em câu hỏi/ Yêu em nhiều không anh, đến tuổi ngả chiều: Chỉ còn em và anh/ Cùng tình yêu ở lại.
Yêu từ ảo tưởng: Chẳng có thời gian, chẳng có không gian/ Chỉ tuổi trẻ, chỉ tình yêu vĩnh viễn, đến xóa ảo tưởng: Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn/ Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi.
Yêu từ nỗi nhủ lòng: Dẫu em biết chắc rằng anh trở lại/ Ngọn gió buồn vẫn thổi phía không anh, đến linh cảm phấp phỏng: Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/ Ai biết lòng anh có đổi thay?
Yêu và tự biết tình yêu của mình “rất dữ dội nhưng không bao giờ yêu được hết”, dẫu đã “em yêu anh, yêu anh như điên” và “nếu tôi yêu được một người / tôi sẽ yêu anh ta hơn anh ta yêu tôi nhiều lắm”. Đó là chân dung Xuân Quỳnh trong đời và trong thơ.
Yêu đối với Xuân Quỳnh đồng nghĩa với thơ. Và trong em không thể còn anh / Nếu ngày mai em không làm thơ nữa. Tương quan cặp đôi Thơ và Yêu, Anh và Em này đã cho nhà thơ dự cảm đúng những bài thơ chị viết khi yêu nhau về sau đọc chúng “có người còn xúc động”. Phải nói là có nhiều người còn xúc động đến nay và về sau nữa, khi đọc thơ tình của Xuân Quỳnh, của Lưu Quang Vũ.
Người yêu, yêu thực người và yêu người thực, do đó là cảm xúc ý nghĩ thực trong tình yêu, luôn quên mình cho đối tượng yêu. Trong thơ Xuân Quỳnh thấy rõ sự hy sinh yêu này. Em có đem gì theo đâu/ em gửi lại cho anh tất cả. Tất cả là từ một chiều phố phường nổi gió, từ một đêm mất ngủ hát ru chồng, từ sân ga chiều em đi, từ một màu hoa cúc xanh hư thực... Từ tất cả những gì liên quan, gợi nhớ, nhắc nhở về người yêu và về tình yêu. Hạnh phúc nhất là được sống bằng yêu.
Chỉ riêng điều được sống cùng nhau/ Niềm sung sướng với em là lớn nhất/ Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực/ Giây phút nào tim đập chẳng vì anh.
Trong thơ Xuân Quỳnh hình ảnh “trái tim” là bình thường, vì ai cũng có nó trong lồng ngực, nhưng lại khác thường vì nó là trái tim không bình yên, “biết yêu anh cả khi chết đi rồi”. Bốn câu thơ trên đây ai cũng vận được cho mình, nhưng đúng nhất là cho người viết ra chúng. Bởi câu thơ “chỉ riêng điều được sống cùng nhau” là một khát khao lớn, khát khao ngay cả khi đã thành hiện thực.
Khi yêu, thời gian là một mối đe dọa. Càng đe dọa khi yêu luôn thắc thỏm lo âu về tình yêu thay đổi theo dòng thời gian. Vừa thoáng tiếng còi tàu/ Lòng đã Nam đã Bắc. Đó là cảm thức thời gian trong chia ly của những cuộc ra đi. Đó cũng là cảm thức thời gian của những ngăn cách, trắc trở đời người. Xuân Quỳnh sống hết mình trong tình yêu và trong nỗi yêu trên cái chảy trôi ấy của năm tháng cuộc đời mình. Cho nên trong thơ chị, hiện hữu hạnh phúc được tính đếm bằng những khoảnh khắc anh ở bên em lúc này, tại đây. Khi đó và chỉ khi đó “niềm vui sướng trong ta là có thật”.
Từ trái tim yêu một người, nhà thơ biết dạy con “yêu mẹ bằng con dế” gần gũi, thân thuộc. Đây cao hơn chuyện yêu, còn là chuyện tư duy cuộc đời. Một tư duy thơ Xuân Quỳnh.
Từ trái tim yêu người, nhà thơ biết hòa mình vào cuộc đời rộng lớn của nhân dân: Ngọn gió Lào cát trắng của đời tôi/ Tôi của cát của gió Lào khắc nghiệt, biết trân trọng những cái nhỏ mọn, khuất lấp như ngọn cỏ dại trên lối ta đi “không nghĩ đến nhưng mà vẫn có”, như loài hoa dại trên dãy Hoàng Liên Sơn “đôi khi giẫm lên hoa mà chẳng nhớ”.
Trái tim yêu ấy của Xuân Quỳnh đã ngừng đập vĩnh viễn bên chồng, nhà thơ Lưu Quang Vũ và đứa con chung của hai người, cháu Lưu Quỳnh Thơ, trong cái buổi chiều 29/8/1988 sau vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên đường 5, bên cầu Phú Lương (Hải Dương). Khi đó Xuân Quỳnh 46 tuổi, Lưu Quang Vũ 40 và cháu Mí 13.
Xuân Quỳnh – Còn mãi một tình yêu từng là chủ đề của buổi tọa đàm nhân dịp 70 năm ngày sinh nữ sĩ Xuân Quỳnh (1942 – 1988) do Hội Nhà văn Hà Nội và gia đình cố nữ sĩ tổ chức năm 2012. Tấm ảnh trên phông nền buổi tọa đàm là của một Xuân Quỳnh trẻ trung khi mới bước vào thơ. Vì “sẽ có mãi cô bé mười sáu tuổi/ dẫu tóc em năm tháng đổi thay màu”. Vì người yêu là người trẻ, mà Xuân Quỳnh mãi là người yêu. Vì Xuân Quỳnh vẫn đang rất gần chúng ta, nếu nhà thơ còn sống, tuổi 70 chưa thể gọi bằng bà, chúng ta vẫn có chị để sẻ chia những nỗi niềm.
Xuân Quỳnh – Còn mãi một tình yêu là để nói đến nốt nhạc ngân mạnh nhất, da diết nhất, vang xa nhất trong cuộc đời và trong thơ chị. Đồng thời, tên gọi đó cũng để biểu thị niềm đồng cảm và nỗi nhớ tiếc khôn nguôi của các đồng nghiệp và bạn đọc đối với chị - một nhà thơ sống bằng một TÌNH YÊU khát khao và khắc khoải.
Yêu đối với Xuân Quỳnh không bao giờ là cuối khi đã có thể nói cùng người mình yêu: Sau bao điều cay cực nhất/ Anh là hạnh phúc đời em.
Yêu đối với Xuân Quỳnh là luôn lại bắt đầu: Vì mỗi sáng khi mặt trời hiển hiện/ Là một ngày tôi lại bắt đầu yêu. Lời thơ viết gần hai năm trước khi nhà thơ qua đời bây giờ có thể đọc như một di chúc của Xuân Quỳnh. Về cuộc đời. Về tình yêu. Về thơ. Như Lưu Quang Vũ đã tiên cảm “bài hát ấy vẫn còn là dang dở”, nhưng cả hai anh chị đã như cùng nhắn nhủ “tôi chẳng muốn kỷ niệm về tôi là một điệu hát buồn”. Bởi vậy, Xuân Quỳnh – Còn mãi một tình yêu.
Xuân Quỳnh (tên khai sinh Nguyễn Thị Xuân Quỳnh) sinh 6/10/1942, tại làng La Khê, xã Văn Khê (nay thuộc quận Hà Đông, Hà Nội). Mất 29/8/1988. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1967). Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2000.
Thơ:
- Tơ tằm- Chồi biếc (in chung, 1963)
- Hoa dọc chiến hào (1968)
- Gió Lào cát trắng (1974)
- Lời ru trên mặt đất (1978)
- Sân ga chiều em đi (1984)
- Hoa cỏ may (1989, giải thưởng Hội Nhà văn VN 1990)
- Thơ Xuân Quỳnh (1992, 1994)
- Thơ tình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ (1994)
Sáng tác cho thiếu nhi:
- Cây trong phố - Chờ trăng (thơ, in chung)
- Mùa xuân trên cánh đồng (truyện, 1981)
- Bầu trời trong quả trứng (thơ, 1982-1983)
- Bến tàu trong thành phố (truyện, 1984)
- Truyện Lưu Nguyễn (truyện thơ, 1985)
- Vẫn có ông trăng khác (truyện, 1986)
Xuân Quỳnh từng kết hôn hai lần. Bà kết hôn lần đầu với nhạc công chơi đàn violon Lưu Quang Tuấn. Xuân Quỳnh và Lưu Quang Tuấn có một con trai tên là Lưu Tuấn Anh. Sau khi li hôn chồng, bà vẫn ở chung một tòa nhà với chồng con ở phố Huế, Hà Nội.
Lần thứ hai bà kết hôn với Lưu Quang Vũ (1948–1988) vào năm 1973. Lưu Quang Vũ kém Xuân Quỳnh 6 tuổi, đã li dị vợ là NSƯT Tố Uyên (1948) vào năm 1972 và có một con trai riêng với Tố Uyên tên là Lưu Minh Vũ. Tháng 2 năm 1975, Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh có với nhau một con trai đặt tên là Lưu Quỳnh Thơ (tên ở nhà là Mí). Lưu Quỳnh Thơ sau đó mất lúc 13 tuổi cùng với cha mẹ trong vụ tai nạn năm 1988.
Bạn bè nhớ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: Họ đến với cuộc đời như một thiên sứ
Ngày 29/8/1988, một tin chấn động đến với giới nghệ sĩ sân khấu và văn học nước nhà: gia đình nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh cùng con trai út Lưu Quỳnh Thơ đã ra đi trong một tai nạn giao thông trên đường từ Hải Phòng về Hà Nội.
Khi ấy, nhà thơ Lưu Quang Vũ 40 tuổi, nhà thơ Xuân Quỳnh 46 tuổi, con trai út Lưu Quỳnh Thơ 13 tuổi. 30 năm qua đi, hình ảnh yêu thương của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh cùng cháu Lưu Quỳnh Thơ vẫn sống mãi trong trái tim người thân, bè bạn.
NSƯT Lê Chức chia sẻ nhiều điều cảm động giữa ông với gia đình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. “Tất cả những gì liên quan tới ba người Vũ, Quỳnh, Thơ mà chúng ta yêu quý và trân trọng hiện giờ vẫn đầy ắp trong cá nhân tôi và trong nhiều người anh chị em, bạn bè của họ” - ông nói - “Tôi không thể quên ký ức xưa bởi chúng tôi từng chia cho nhau cái nghèo chứ không phải sự giàu sang, chúng tôi từng bên nhau trong hoàn cảnh rất khó khăn”.
NSƯT Lê Chức bảo, đã 30 năm trôi qua nhưng cái đêm định mệnh ấy dường như vẫn còn nguyên trong ký ức của ông. “Nhận được tin Vũ qua đời, tôi bỏ dở bữa cơm, cùng Ngọc Thụ chạy vội sang 51 Trần Hưng Đạo. Tôi là một trong những người đón và khiêng 3 chiếc quan tài gỗ thông từ xe của bệnh viện Hải Dương chở Vũ, Quỳnh và cháu Quỳnh Thơ, đặt vào trong Nhà tang lễ Bệnh viện Việt Đức" - ông nói.
"Lúc ấy, đạo diễn Đình Quang đến và yêu cầu chuyển sang Bệnh viện Việt Xô. Chúng tôi lại ôm người bạn vào nhà lạnh của Bệnh viện Việt Xô, đặt Vũ với Quỳnh nằm ở phần trên của khay lạnh. Còn ở tầng dưới, chúng tôi xếp cháu Thơ nằm cùng với người đã nằm sẵn ở đó, mặc áo vàng của nhà chùa"- NSƯT Lê Chức chia sẻ thêm - "Bây giờ tôi vẫn nghĩ về mặt tâm linh, họ đến với cuộc đời như một thiên sứ, và họ rời bỏ chúng ta, lặng lẽ về thiên đường sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình”.
Hồi tưởng về nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà văn Ngô Thảo cũng chia sẻ về đêm 29/8/1988 định mệnh, nhận tin buồn xót xa khiến ông và các bạn bè không thể nào quên.
Nhà văn Ngô Thảo cũng cho hay: “Tôi nhớ tới một Lưu Quang Vũ tài năng nhưng không thể ép mình trong những khuôn phép. Lưu Quang Vũ đầy ý chí, nghị lực và tâm huyết khi đã tự nghiên cứu và trở thành nhà biên kịch với hơn 50 tác phẩm”.
"Mọi người quan tâm tới tính dự báo, tính thời sự của kịch Lưu Quang Vũ nhưng tôi nghĩ, những tác phẩm đó trọn vẹn, vượt qua tính thời sự là chất ngọc" - ông nói - "30 năm rồi chúng ta vẫn nhớ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh, vì họ để lại cho chúng ta những viên ngọc có ánh sáng thật lung linh”.
"Bên cạnh sự ghi nhận từ những giải thưởng, còn một phần thưởng khác cũng danh giá và đáng trân quý không kém, đó chính là niềm thương nhớ, sự ngưỡng mộ của bạn bè, công chúng dành cho tài năng của hai cố tác giả suốt 30 năm qua" - nhà báo Lưu Quang Định, em trai cố nhà thơ Lưu Quang Vũ cho biết.
Thuyền và biển
Em sẽ kể anh nghe
Chuyện con thuyền và biển:
“Từ ngày nào chẳng biết
Thuyền nghe lời biển khơi
Cánh hải âu, sóng biếc
Đưa thuyền đi muôn nơi
Lòng thuyền nhiều khát vọng
Và tình biển bao la
Thuyền đi hoài không mỏi
Biển vẫn xa... còn xa
Những đêm trăng hiền từ
Biển như cô gái nhỏ
Thầm thì gửi tâm tư
Quanh mạn thuyền sóng vỗ
Cũng có khi vô cớ
Biển ào ạt xô thuyền
(Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên?)
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau - rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió”
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố
4-1963
Bài thơ này đã được các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Hữu Xuân phổ nhạc thành các bài hát cùng tên.
Nguồn: Xuân Quỳnh, Chồi biếc, NXB Văn học, 1963
Sóng
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương
Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
Biển Diêm Điền, 29-12-1967
Bài thơ này được sử dụng trong các chương trình SGK Văn học 12 giai đoạn 1990-2006, SGK Ngữ văn 12 từ 2007.
X.N