Xem “Bàn tay của trời” ngẫm về thời cuộc
(TT&VH) - Có thể xếp kịch bản Những đứa con oan nghiệt của NSND Doãn Hoàng Giang vào nhóm kịch “tân cổ điển” vì cách đặt vấn đề và triết lý của nó. Từ khi ra đời đến nay, kịch bản này được dựng 4-5 lần, bởi 3-4 đạo diễn khác nhau và lần nào cũng khá thành công. Đạo diễn Ái Như từng dựng vở này tại Kịch 5B (TP.HCM) với tên gọi Bàn tay của trời vào năm 2007, cũng rất thành công, nay vở này được tái diễn với nhiều thay đổi tại Kịch Hoàng Thái Thanh (TP.HCM), sau 2-3 suất công rạp đã tỏ rõ sự hấp dẫn.
Lấy cái tứ từ tích “trộm long tráo phụng”, nhưng vở kịch đã đẩy bối cảnh về dân gian. Tại một tổng nọ, khi một tướng cướp muốn con mình được học hành tử tế mà tráo con vào nhà thầy đồ. 18 năm sau, khi con trai thầy đồ (mà thực chất là con tướng cướp) đậu trạng nguyên, thì con trai tướng cướp (vốn là con thầy đồ) đón đường đầu độc, vì tư thù và ghen tuông, dẫn đến cái chết của tân khoa trước sự bất lực của hai người cha. Trong tột cùng đau khổ, người cha tướng cướp tự vẫn, còn người cha thầy đồ thì nhìn giọt máu của mình đã thành kẻ giết người và đang bị gông cùm.
Bi kịch đúng nghĩa
Nhìn vào kịch mục đang sáng đèn tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt các sân khấu phía Nam, có thể nói Bàn tay của trời (ĐD: Ái Như) là một trong số ít những vở bi kịch đúng nghĩa. Không chỉ bi kịch ở tình huống (vì có 4-5 cái chết xảy ra), mà còn bi kịch về nội tâm, khi người cha thầy đồ hồn nhiên dạy con của kẻ giết vợ mình thành trạng nguyên, trong khi con ruột của mình thì đang dần thành kẻ đồi bại. Hơn nữa, bi kịch càng rõ nét khi chính người cha tướng cướp (Tư Chớp, do NSƯT Thành Hội thủ vai) đang ngày đêm nơm nớp lo sợ sự thật bị bại lộ và đau khổ khi thấy con ruột của mình sống khổ cực, bị xã hội trọng đồng tiền khinh khi, nhục mạ.
Cảnh đầu độc tân trạng nguyên trong vở Bàn tay của trời
Khi có nhân vật bi kịch, với những dằn vặt nội tâm sâu kín, vở diễn sẽ gia tăng nhiều áp lực cho đạo diễn, buộc phải tạo lập được đường dây kín đáo, nhằm phô diễn nội tâm rất riêng tư của một nhân vật. Sự phô diễn này càng rõ nét thì càng tạo được sự hấp dẫn nơi người xem, nhưng sẽ là thách thức nơi người diễn và người dựng. Dù nhân vật Tư Chớp chưa lột tả hết khía cạnh này, nhưng vở diễn cũng đã gia tăng được thách thức nơi người xem, khi buộc họ phải tiếp cận bằng một hướng khác, nếu so với các vở thông thường.
Nóng chuyện thế sự
Vở này từng được các đoàn kịch phía Bắc dựng theo hướng nặng tính châm biếm, đả kích; từng được Kịch Sài Gòn dựng (với tên Oa oa oa) theo hướng cân bằng hài với bi, đầy trào lộng. Ái Như đã chọn hướng nhấn nhá vào bi kịch giữa giàu và nghèo, trí tuệ và đồng tiền, âm mưu và duyên nghiệp, nhân và quả... Vì cách tiếp cận như vậy, nên cách dựng của Ái Như có nhiều khác biệt, tạo được sự so sánh thú vị nơi người xem có nhiều kinh nghiệm với vở này.
So với phiên bản năm 2007, phiên bản Bàn tay của trời năm nay có vẻ êm đềm hơn về các tương tác tình huống, nhưng lại nhiều dằn vặt hơn về mặt nội tâm. Nói nôm na, phiên bản này đậm chất bi kịch hơn các bản dựng trước đó. Vài nghệ sĩ trẻ như Quốc Thịnh, Thế Sơn, Tuyết Mai, Lương Duyên... vì có nhiều kinh nghiệm hơn nên diễn xuất sắc sảo và lối cuốn hơn.
Trong nền nhạc khá “hợp vai” của Duy Thoán, người xem nghe tiếng trẻ con ê a nhắc lại vài lần mấy chữ trong sách Tam tự kinh: “Ngọc bất trác, bất thành khí/ Nhân bất học, bất tri lý”, để cho thấy sự học và sự rèn giũa khi còn trẻ giúp định vị con người như thế nào khi trưởng thành. Trong bối cảnh giáo dục nước nhà đang có quá nhiều vấn đề bất cập, tự nhiên thấy Bàn tay của trời lại “nóng chuyện” thế sự. Trong bối cảnh mà cái câu cửa miệng: “cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền” đã trở thành “phương châm” hành động của một số người, rồi nạn mua quan bán chức, gian lận thi cử nhức nhối ở nhiều nơi... Chính bối cảnh như vậy, thì cái kết không có hậu, người tốt đẹp, chính trực, người hiền tài rơi vào bi kịch... lại trở thành cái kết để lại nhiều ngẫm ngợi.
Văn Bảy