Xây dựng con người Bắc Ninh toàn diện, hài hòa giá trị truyền thống và hiện đại
Dự thảo Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đặt ra 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó một nhiệm vụ quan trọng là xây dựng con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, kết hợp chặt chẽ, hài hoà giá trị truyền thống và hiện đại.
Văn hóa là nguồn lực nội sinh trực tiếp của sự phát triển và con người là trung tâm của mọi nguồn lực. Xây dựng con người là câu chuyện muôn thuở nhưng là nhiệm vụ chiến lược chẳng bao giờ cũ. Mới đây, Dự thảo Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thảo luận và sắp tới sẽ ban hành. Dự thảo đặt ra 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó một nhiệm vụ quan trọng là xây dựng con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, kết hợp chặt chẽ, hài hoà giá trị truyền thống và hiện đại.
Việc tập trung trí tuệ để xây dựng Nghị quyết về phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh thời kỳ mới không chỉ là sự vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng mà còn thể hiện sự nhìn nhận thấu đáo, nhạy bén tiềm năng, lợi thế, đồng thời thể hiện quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo tỉnh.
TS Nguyễn Văn Thắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao cách mà Bắc Ninh tập trung cho việc xây dựng văn hóa và con người để tạo ra sự bứt phá, phát triển bền vững là một lựa chọn thông minh, có đủ lý luận và thực tiễn, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài. TS Nguyễn Văn Thắng khẳng định: Bắc Ninh đã tạo ra cho mình một vùng “đất lành” hấp dẫn, tỏa sáng, động lực và sức mạnh nội sinh từ những giá trị văn hóa, mà đặc biệt là từ phẩm chất con người Bắc Ninh, sự cần cù, sáng tạo, kiên trì, nhạy bén, nhìn xa trông rộng, đi trước mà không đi tắt, đón đầu mà không cản đường ai, nét tinh tế, thông minh, duyên dáng, hiếu khách, thủy chung của người Quan họ.
Bối cảnh mới với đặc điểm nổi bật là toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, kinh tế số và cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư đang đặt ra cho Bắc Ninh những thách thức và yêu cầu mới. Do đó, trong quá trình xây dựng con người, cùng với việc bổ sung nội hàm mới của những đức tính truyền thống như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, còn cần tập trung xây dựng con người Bắc Ninh trí tuệ, hiện đại, chuyên nghiệp, hội nhập, kỷ cương, bản lĩnh, tinh tế, thủy chung.
Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Có như vậy việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh mới thích ứng bối cảnh và những yêu cầu của tình hình mới, đưa Bắc Ninh sớm trở thành tỉnh văn hóa cao, con người phát triển toàn diện.
Với góc nhìn nhận diện các yếu tố tác động đến sự hình thành tính cách con người Bắc Ninh-Kinh Bắc, hướng tới mục tiêu xây dựng con người Bắc Ninh mang bản sắc văn hóa đặc trưng, PGS.TS Bùi Xuân Đính, Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho rằng: Ngoài những nét chung của người Việt ở Bắc bộ, con người Bắc Ninh-Kinh Bắc có những nét tính cách riêng như: Ý thức, ý chí không ngừng học hỏi, vươn lên đạt trình độ cao để khẳng định mình với đời, trước thời cuộc, đem tài năng đóng góp xây dựng đất nước. Người Bắc Ninh còn cởi mở trong học hỏi, giao thiệp với bên ngoài để tiếp thu tinh hoa muôn phương và hoàn thiện mình. Những đức tính đặc trưng này cần được phát huy trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh CNH, HĐH luôn đòi hỏi có một trình độ và tính kỷ luật cao. Song người Bắc Ninh cũng cần gột bỏ những mặt hạn chế, tính xấu trong lối sống của người sản xuất nhỏ như tính tùy tiện, thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật, tính cộng đồng quá đà, tính đố kỵ tiểu nông...
Hiện thực cuộc sống cũng đưa đến các chỉ báo cho thấy, đâu đó nhân cách con người đang “mờ mờ nhân ảnh”, thiếu chiều sâu văn hóa và gốc rễ bền chắc. Cắt nghĩa hiện tượng này, một chuyên gia nghiên cứu con người phân tích: “sự kích thích của mặt trái kinh tế thị trường đã khiến không ít người lầm tưởng rằng “tiền bạc” và “quan lộc” là giá trị đỉnh cao của đời sống. Từ lối sống vụ lợi, thực dụng ấy đã tạo ra sự mất phương hướng, dẫn đến hệ quả là sự giả dối có mặt khắp nơi trong đời sống xã hội, thậm chí giả dối phổ biến đến mức được coi là bình thường, làm nản lòng sự trung thực, tử tế”.
Đặt trong bối cảnh chung ấy, để thực hiện nhiệm vụ xây dựng con người Bắc Ninh phát triển toàn diện trong thời kỳ mới, các nhóm giải pháp được quan tâm đề xuất như: Tập trung nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các chuẩn mực giá trị con người Bắc Ninh - Kinh Bắc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế vừa mang đặc trưng chung của con người Việt Nam, vừa thể hiện rõ bản sắc riêng của con người Bắc Ninh; chú trọng các tiêu chuẩn như giàu lòng yêu quê hương, đất nước, nhân ái, có ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên, phấn đấu vì lợi ích chung; có lối sống lành mạnh, trọng nghĩa tình, cần cù, trung thực, đoàn kết, sáng tạo, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng, hiện đại, chuyên nghiệp, bản lĩnh, tinh tế, thuỷ chung, ham học hỏi, hiểu biết sâu sắc về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước.
Chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, thể dục thể thao để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao tầm vóc, trí tuệ, tuổi thọ, tâm hồn, tình cảm cao đẹp, chỉ số phát triển con người, chỉ số hạnh phúc của con người Bắc Ninh. Gắn giáo dục tri thức với giáo dục đạo đức, lao động, thể chất, kỹ năng sống đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh con người, phúc lợi xã hội cho nhân dân trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho người dân; đạt được mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái; bảo đảm khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ, tạo việc làm đầy đủ, năng suất cao và bền vững cho tất cả mọi người.
Chấn chỉnh kịp thời việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lợi dụng tự do dân chủ để truyền bá tư tưởng duy tâm thần bí, thực hành mê tín dị đoan, gây mất an ninh trật tự, phá hoại an ninh con người; đấu tranh đẩy lùi cái xấu, cái ác, sự lạc hậu ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong mĩ tục của văn hoá và sự phát triển toàn diện con người Bắc Ninh - Kinh Bắc.
- Bắc Ninh: Nỗ lực bảo tồn, phát huy dân ca quan họ được xác định là nhiệm vụ quan trọng
- Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca quan họ, ca trù
- Festival 'Về miền quan họ 2019'
Phát động và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Học tập, lao động, sáng tạo”, xây dựng “Gương người tốt việc tốt” và các điển hình tiên tiến gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Xây dựng Bộ tiêu chí, bình xét, vinh danh nhằm tôn vinh công dân Bắc Ninh tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo động lực thi đua trong học tập, công tác, lao động, sản xuất để xây dựng hình ảnh con người Bắc Ninh trong thời kỳ mới.
Nhấn mạnh những giá trị Văn hóa, chân thiện mỹ
Mục tiêu của Nghị quyết nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, bản sắc quê hương. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương, khu vực và đối tượng dân cư trong tỉnh. Xây dựng môi trường văn hóa trong từng gia đình, địa phương, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh bảo tồn, phát huy hiệu quả các di sản văn hóa, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng có chất lượng cao mang đậm bản sắc Bắc Ninh – Kinh Bắc, phù hợp với xu thế thời đại. Đồng thời, tập trung đầu tư nguồn lực, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để văn hóa, con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, trở thành mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh bền vững hướng tới mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Phấn đấu 90% trở lên số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 88% trở lên khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa, trong đó, mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có ít nhất 5% số mô hình điểm khu dân cư văn hóa tiêu biểu; 90% trở lên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 70% trở lên số phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị xây dựng và thực hiện tốt quy định về văn hóa công sở, kỷ luật, kỷ cương; 100% các khu dân cư thực hiện tốt hương ước, quy ước nếp sống văn minh, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tuân thủ quy định của pháp luật...
Để đạt mục tiêu trên, một số nhiệm vụ, giải pháp đưa ra tại Nghị quyết gồm: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thuận lợi để phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh.
Cùng với việc xây dựng con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, kết hợp chặt chẽ, hài hòa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại, tỉnh tập trung xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Bắc Ninh đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa; chủ động quảng bá, chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa trong nước và thế giới; tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội để phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh.
Nhi Thảo