loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà nghỉ, nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng của tỉnh Hà Giang đến nay đang là công trình “4 chưa”: Chưa có Giấy chứng nhận đầu tư, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa có Giấy phép xây dựng, chưa có văn bản thẩm định của Bộ VHTTDL.
Đèo Mã Pì Lèng, nằm trên con đường Hạnh Phúc là đoạn đường hiểm trở nhất trên Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, với nhiều đoạn cua tay áo, một bên là vách núi đá vôi hiểm trở, bên kia là vực sông Nho Quế.
Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), từ ngày 12.7.2019 cơ quan này đã có văn bản yêu cầu Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ xây dựng công trình này, đồng thời có biện pháp bảo vệ danh lam thắng cảnh theo Điều 36 của Luật Di sản văn hóa. Nhưng cho đến nay, Bộ VHTTDL chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng tại đèo Mã Pì Lèng.
Sai phạm của chính quyền tỉnh Hà Giang, trực tiếp là UBND huyện Mèo Vạc, các cơ quan chức năng của tỉnh và chủ đầu tư đã rõ. Trả lời báo chí, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Mua Hồng Sinh cũng đã nhận trách nhiệm của Cấp ủy, chính quyền khi để công trình xây trái phép trên đèo Mã Pì Lèng.
Tuy nhiên, điều khó hiểu là, theo lời bà Sinh, huyện Mèo Vạc sẽ tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư nhà hàng, nhà nghỉ Panorama khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để các cấp thẩm định và chỉ “xử lý” nếu chủ đầu tư không hoàn thiện được các giấy phép (?!). Sai phạm nghiêm trọng đã rõ ràng như ban ngày, cộng đồng dân cư và dư luận đang bức xúc, sao không có hướng xử lý ráo riết mà lại “yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ để các cấp thẩm định”? Dường như lãnh đạo huyện Mèo Vạc đang đánh đồng một công trình phản cảm, ảnh hưởng đến danh lam thắng cảnh quốc gia với bao công trình nhà ởbình thường khác thiếu giấy phép xây dựng, rồi sau đó là điệp khúc “phạt cho tồn tại” như vẫn thường thấy.
Câu chuyện không chỉ dừng lại ởđó. Kỳ thực, lời “ẩn dụ” khó hiểu của bà Phó Chủ tịch huyện lại rất rõ ràng, dễ hiểu khi ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết, huyện Mèo Vạc đã có kế hoạch xin điều chỉnh quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng của đất này để cấp giấy phép xây dựng cho dự án theo đúng quy định. Ông Cường cũng cho biết đề nghị điều chỉnh quy hoạch được các lãnh đạo tỉnh ủng hộ bởi tỉnh ủng hộ huyện kêu gọi thu hút đầu tư.
Thật khôi hài, khi vẫn chưa thấy hướng xử lý của công trình sai phạm thì đã thấy lối thoát để công trình sai phạm tiếp tục tồn tại.
Nhiều người cho rằng UBND huyện Mèo Vạc thiếu sâu sát, không làm tròn trách nhiệm của mình khi không chặn đứng công trình sai phạm ngay từ đầu, phải hai năm sau khi xây dựng, dư luận lên tiếng, báo chí phản ánh mới vào cuộc. Có đúng thếkhông? Làm sao không nhìn, không thấy, không biết một công trình phản cảm, không phép sừng sững 7 tầng trên đèo Mã Pì Lèng, nằm ngay điểm đắc địa trên cung đường du lịch Hạnh phúc ngay trên địa bàn mình quản lý? Tương tự, cũng rất khó thuyết phục khi cho rằng lãnh đạo huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình không biết đến công trình “khủng” không phép giữa lòng Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, “băm nát” cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp nơi đây bao năm trời hay lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa không nghe, không biết biết khi hàng loạt công trình thi nhau đào núi, lấp biển, xâm hại nghiêm trọng Danh lam thắng cảnh quốc gia vịnh Nha Trang.
Sự bức xúc của dư luận, các chuyên gia văn hóa, du lịch trong những ngày qua gần như lên đến đỉnh điểm. Đến nước này mà lãnh đạo huyện còn lập lờ, tìm cách hợp pháp hóa cho sai phạm của chủ đầu tư thì đúng là không còn gì để nói và khi khởi công xây dựng, chính quyền địa phương rất có thể đã làm ngơ, thậm chí "bật đèn xanh" để công trình hoàn thành nhằm kêu gọi khách du lịch, “thu hút đầu tư”? Đó cũng là một trong những thực tế không chỉ diễn ra ởHà Giang.
Bảo tồn và phát triển nhiều khi và nhiều nơi như đang là cuộc chiến một mất, một còn. Không phải đâu xa mà ngay giữa Thủ đô, liên quan đến công trình nhà ga C9 thuộc Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, Hà Nội, cho dù Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Bộ VHTTDL đã nhiều lần khuyến cáo công trình này vi phạm Luật Di sản văn hóa nhưng Hà Nội dường như vẫn phớt lờ.
Rõ ràng, đây không phải là nghe, thấy, biết mà là nhận thức. Chừng nào chính quyền địa phương còn xem nhẹ vai trò di sản và văn hóa thì di sản, di tích, danh lam thắng cảnh quốc gia còn có nguy cơ bị xâm phạm. Không ai phản đối lãnh đạo huyện Mèo Vạc tạo điều kiện xây dựng các công trình để “kêu gọi du khách, thu hút đầu tư” cũng như sự cấp thiết của nhà ga C9 trong tổng thể phát triển Hà Nội bền vững và thịnh vượng. Vấn đề là phải xử lý hài hòa để chính di sản, di tích và các thiết chế văn hóa đóng góp cho sự phát triển, mang tới cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực, bền vững. Không thể đánh đổi di sản, văn hóa, nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”.
Báo Văn hóa
loading...