A+ A A- Kiểu đọc sách

Vở 'Tổ quốc nơi cuối con đường': 'Bom tấn' cải lương mùa liên hoan

07:24 18/09/2018
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Từ trước thềm Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 (đang diễn ra tại tỉnh Long An), Tổ quốc nơi cuối con đường của Nhà hát Thế giới Trẻ - Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM đã được trông đợi như “bom tấn” của mùa liên hoan.

Và thực tế, trong buổi dự thi vào chiều 16/9, rất nhiều gương mặt nghệ sĩ tên tuổi, cũng như những người làm nghề gạo cội cả trong Nam ngoài Bắc đã có mặt để theo dõi vở diễn.

Đề tài đặc biệt

Tự thân Tổ quốc nơi cuối con đường (kịch bản: Lê Thu Hạnh, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt) đã có sức hút khi chọn một đề tài đặc biệt: vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong.

Chú thích ảnh
NSƯT Tấn Giao trong vai Tống Văn Sơ - Nguyễn Ái Quốc, vở "Tổ quốc nơi cuối con đường"

Trở lại lịch sử, câu chuyện ấy xảy ra vào năm 1931 khi Nguyễn Ái Quốc (đang hoạt động bí mật ở Hong Kong với bí danh Tống Văn Sơ) bị cảnh sát Anh bắt giam. Thỏa thuận cùng mật vụ Pháp tại Đông Dương, chính quyền Hong Kong dự định dẫn độ Nguyễn Ái Quốc về Đông Dương trao trả cho chính quyền Pháp với án tử hình đã chờ sẵn. Nhờ sự giúp đỡ của những người bạn quốc tế như vợ chồng luật sư người Anh Loseby, cô nhà báo người Pháp, bà mẹ người Hoa…, Tống Văn Sơ đã thoát khỏi nhà tù Anh Quốc và bí mật rời Hong Kong an toàn.

Đạo diễn Nguyên Đạt cho biết anh vô tình biết về kịch bản khi chuẩn bị cho Liên hoan và lập tức liên lạc với tác giả Lê Thu Hạnh. “Tổ quốc nơi cuối con đường - tôi bị ấn tượng ngay với tựa đề quá giàu sức gợi tả đó" – anh kể.

Chú thích ảnh
Lớp diễn Nguyễn Ái Quốc tặng lại nắm đất quê hương luôn mang bên mình cho người mẹ gốc Việt tạo ấn tượng sâu sắc cho người xem.

Theo lời đạo diễn Nguyên Đạt, trước đây, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh từng được tái hiện một số lần trên sân khấu – trong đó nổi bật là vở cải lương Đêm trắng. Tuy nhiên, giai đoạn thời thanh niên, với quá trình bôn ba năm châu bốn bể tìm đường cứu nước để người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này, thì lại chưa từng được khai thác trên sân khấu cải lương.

"Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định hình khá rõ ràng nhưng người thanh niên Nguyễn Ái Quốc thì lại khơi gợi nhiều sự sáng tạo cho người làm nghệ thuật. Tôi bắt ngay ý tưởng này để quyết định dựng vở" – anh lý giải – "Tôi biết mình đang mạo hiểm. Nhưng thật sự, không dễ bắt gặp một kịch bản về lãnh tụ được khai thác dưới góc nhìn tình cảm, trữ tình đến vậy”.

Chú thích ảnh
Được biết để vào vai cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, NSƯT Minh Vương đã từ chối “ngồi ghế nóng” ở Liên hoan lần này.

Bán nhà để... dựng vở

Ít người biết, để dốc sức cho “cuộc chơi lớn”, đạo diễn Nguyên Đạt cũng bán luôn 1 căn hộ chung cư của mình để đầu tư cho tác phẩm. Từ sự nhiệt tình ấy, Tổ quốc nơi cuối con đường quy tụ một dàn diễn viên “bom tấn” với những nghệ sĩ rất giỏi nghề trong các vai chính: NSƯT Tấn Giao (Tống Văn Sơ - Nguyễn Ái Quốc), NSƯT Thanh Điền (luật sư Roseby), NSƯT Mỹ Hằng (bà Tuệ), NSƯT Hải Yến (bà Rosa), nghệ sĩ Kim Phương (bà mẹ miền Nam), Bảo Trí (công tố viên)…

Trong đó, NSƯT Tấn Giao vốn quen thuộc với khán giả qua hình tượng bộ đội, chiến sĩ cách mạng đã có thử thách nhất trong sự nghiệp của mình khi vào vai Tống Văn Sơ - Nguyễn Ái Quốc. Tấn Giao thừa nhận anh chịu áp lực rất lớn vì vai diễn quá tầm vóc này. Chuẩn bị cho vai diễn, anh đã xem lại nhiều hình ảnh, tư liệu về Bác và thậm chí đã giảm cân để có được hình tượng phù hợp nhất.

Chú thích ảnh
Các đại cảnh đông người và những lớp mùa sinh động tạo cho vở diễn một diện mạo tươi trẻ.

Đặc biệt, đạo diễn Nguyên Đạt đã mời NSND Hồng Lựu (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ) vào vai bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thể hiện điệu ví dặm xứ Nghệ chỉ vài phút trên sân khấu. Tương tự, sau nhiều năm vắng bóng tại các liên hoan, hội diễn, NSƯT Minh Vương cũng trở lại với vai cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Được biết, để tập trung cho lớp diễn ngắn nhất từ trước tới nay của mình, chỉ 10 phút, NSƯT Minh Vương đã từ chối “ngồi ghế nóng” ở Liên hoan Cải lương lần này. Và thực tế, sự xuất hiện của những khách mời đặc biệt này dù ngắn ngủi nhưng đã để lại những lớp diễn rất ấn tượng.

Chú thích ảnh

Tổ quốc nơi cuối con đường xuất hiện với một cách kể chuyện đủ tươi mới để thu hút khán giả qua những đại cảnh đông người hoành tráng, những lớp múa đầy màu sắc ở những đoạn cao trào. Đó đây vẫn có lời phàn nàn rằng vở mang phong cách sân khấu hóa hơn là chỉnh thể một tuồng cải lương. Nhưng có lẽ, ở góc độ nào đó, cách làm này sẽ giúp vở diễn dễ tiếp cận với công chúng trẻ, đặc biệt là ở đề tài lịch sử cách mạng.

Xem vở, công chúng được tiếp cận với câu chuyện xúc động về quá trình trưởng thành của một thanh niên yêu nước. Trên bước đường vạn dặm của người thanh niên đó luôn có lời ru của mẹ, lời dạy của cha và sự hiện diện của biết bao tấm lòng vàng yêu chuộng hòa bình, giàu lòng chính nghĩa dù thuộc chủng tộc, màu da nào.

Ninh Lộc

Liên hoan cải lương toàn quốc trên đất của thầy Ba Đợi

Liên hoan cải lương toàn quốc trên đất của thầy Ba Đợi

Liên hoan cải lương toàn quốc 2018 diễn ra tại Long An từ ngày 5 đến 19/9 cũng là cách để kỷ niệm 100 năm hình thành nghệ thuật cải lương (1918-2018).

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...