A+ A A- Kiểu đọc sách

Vở kịch 'Bàn tay của trời': Bài học về giáo dục gia đình

21:17 28/09/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Sân khấu Hoàng Thái Thanh vừa công diễn vở Bàn tay của trời (tác giả NSND Doãn Hoàng Giang, đạo diễn Ái Như) với một khán phòng đông kín khán giả và những tràng pháo tay liên tiếp. Một kịch bản chỉn chu đến từng chi tiết nhỏ và một ngôn ngữ đạo diễn đáng nể.

Kịch Hoàng Thái Thanh và suất diễn nghĩa tình

Kịch Hoàng Thái Thanh và suất diễn nghĩa tình

Vào lúc 19h30 ngày 1/11, Kịch Hoàng Thái Thanh phối hợp cùng Nhà Thiếu nhi TP.HCM sẽ sáng đèn vở '6 tháng, anh và em' (KB: Nguyên Thảo, ĐD: Ái Như) nhằm gây quỹ từ thiện giúp đỡ các em thiếu nhi đặc biệt khó khăn.

1. Bàn tay của trời từng rất ăn khách tại sân khấu 5B cách đây khoảng 10 năm, bây giờ Ái Như tái dựng đã “vượt qua chính mình”, hay hơn, hoành tráng hơn, ý nghĩa thời sự dường như đậm hơn, sâu sắc và nhói lòng hơn.

Cốt lõi là câu chuyện tráo con của tướng cướp Tư Chớp (NSƯT Thành Hội). Vợ Tư Chớp và vợ thầy đồ cùng chuyển dạ trong một đêm, Tư Chớp muốn dòng họ mình thôi nghiệp ăn cướp và phải có đứa con ăn học đàng hoàng, đỗ đạt vinh thân, cả họ được nhờ.

Quả đúng như vậy, đứa con của hắn (Nhân - Lê Nguyên Bảo đóng) lọt vào nhà thầy đồ, được nuôi dạy tử tế, đã trở thành người có tài có đức, thi đậu trạng nguyên. Tư Chớp mừng lắm, định nhận lại con, nhưng chưa kịp thì Nhân đã bị giết chết bởi chính đứa con mà Tư Chớp đã tráo. Hắn đã ăn ở vô phúc thì nhân quả là đời con hắn phải lãnh chịu sự vô phúc.

Chú thích ảnh
Từ trái sang: Quốc Thịnh vai thầy đồ, Lê Nguyên Bảo vai Nhân, Thế Hải vai Đức, trong vở Bàn tay của trời (ảnh: H.K)

Nhưng vấn đề giáo dục mới thật sự bao trùm lên cốt lõi câu chuyện, bao trùm cả nhân quả. Bởi nếu con người được giáo dục tử tế thì mới nhận thức được về nhân quả, không tạo nghiệp. Đồng thời, giáo dục đem đến những nét đẹp trong hành vi, ứng xử, ăn nói, kiến thức, giúp con người vừa có trí tuệ vừa có phẩm hạnh.

Giáo dục chính là cái nôi của sự hình thành một con người, hình thành nhân cách. Người ta thường chú trọng việc “nuôi”, nhưng ít ai quan tâm việc “dạy”, cho nên xã hội mới có những “quái thai”, hoặc những con người có thể thành đạt, giàu sang, chức vị, nhưng khiếm khuyết về nhân phẩm, gây rối loạn cho cộng đồng.

Chú thích ảnh
Ái Như vai bà đồ, oan hồn quanh quẩn bên con trai mình là Đức (ảnh: H.K)

2. Vở diễn đã đặt ra 2 môi trường giáo dục rất rõ là gia đình Tư Chớp và gia đình thầy đồ, quả thật đã tạo ra 2 sản phẩm trái ngược là Nhân và Đức. Nhân tốt đẹp, còn Đức hư hỏng, sa đọa, ngu dốt. Đức (Thế Hải đóng) mang dòng máu của thầy đồ, nhưng rủi thay bị tráo vào làm con Tư Chớp, ngày ngày thấy cha mẹ anh em làm việc xấu, Đức nhiễm tất cả vào người.

Câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” không sai tí nào. Suy cho cùng, môi trường giáo dục đầu tiên của một đứa bé, một con người, chính là gia đình và những người thân cận nhất. Đứa bé hít thở cái không khí ấy gần như trọn vẹn, và nó đã trở thành kẻ “thừa kế” của dòng họ. Các bậc cha mẹ ắt giật mình, nhớ câu “tu thân” rồi mới “tề gia” và sau đó mới “bình thiên hạ” được. Khi mình chưa tu thân thì con cái mình liệu có nên người?

Chú thích ảnh
NSƯT Thành Hội vai Tư Chớp, Ngọc Tưởng vai Phi Long con trai cả của Tư Chớp, đang bàn chuyện đi ăn cướp (ảnh: H.K)

Môi trường giáo dục thứ hai là nhà trường. Người ta có thể tự học, nhưng hiếm lắm, mà dứt khoát phải đến trường. Sự học giúp người ta thoát khỏi ngu dốt và hư hỏng. Nhà trường vừa dạy kiến thức vừa dạy đạo đức. Lớp học tại nhà thầy đồ là một nhà trường thu nhỏ, có đầy đủ nền tảng giáo dục đó. Và thầy đồ cũng đại diện cho những bậc sư phạm với trái tim yêu thương học trò, công tâm, nghiêm khắc, thanh sạch, không sợ hãi cường quyền, không quỵ lụy vật chất, đủ tài lẫn trí đào tạo thế hệ trẻ.

Sân khấu được thiết kế với tấm phông rất to ghi rõ mấy chữ Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín cũng là tiêu chí của giáo dục. Đừng nói Nho giáo lạc hậu, hãy gạn bỏ những hạt sạn lẫn vào đó, mà lấy ra những cốt lõi ưu việt của Nho giáo, áp dụng cho đến bây giờ vẫn còn phù hợp.

Chú thích ảnh
Huỳnh Ly vai Hạnh, đưa tiễn người yêu là Nhân (Lê Nguyên Bảo) lên kinh ứng thí (ảnh: H.K)

Sân khấu đã không ngại ngần giương cao tiêu chí của Nho giáo xem ra vẫn được khán giả hoan nghênh. Có nền tảng Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín thì con người không bị lạc đường. Bằng không, sẽ có những ông bác sĩ giỏi mà bòn rút tiền nạn nhân, những ông kỹ sư giỏi mà rút ruột công trình, những ông cán bộ giỏi mà tham nhũng, lợi ích nhóm…

Trở lại với nhân vật Đức vô học, từ đó đã xuất hiện những bi kịch giáo dục, mà liên hệ với hôm nay xem ra quá giống. Một kiểu cậu ấm cô chiêu lười học, quậy phá, hỗn láo với thầy, bắt nạt bạn bè, đem dao vào lớp để tạo ra bạo lực học đường. Sau đó là một chuỗi bi kịch khác như thuê làm bài giùm, mua điểm, hối lộ thi cử, rồi mua bằng cấp, mua chức quan… kéo theo như một tất yếu.

Những nét mới của bản tái dựng

So với bản dựng trước, lần này đạo diễn Ái Như đã có những nét mới, chẳng hạn cắt bớt vai trò của mụ Hợi, mà thêm vào hình ảnh oan hồn của vợ thầy đồ luôn dõi theo con trai của mình. Bà đồ đã chết ngay khi lâm bồn vì bị kẻ cướp bắt mất con, nhưng hồn của bà không siêu thoát, cứ về bên cạnh Đức, bởi lòng người mẹ nào chẳng thương con dẫu nó có hư hỏng đi nữa.

Nét mới nữa là dàn diễn viên rất đông tạo nên sự hoành tráng dù trong khán phòng quen thuộc. Những thủ pháp di chuyển, tạo hình, trang trí sân khấu, thiết kế trang phục… đều gây cảm giác hoành tráng. Thú vị với những bức tranh Đông Hồ đáng yêu treo rải rác, vừa dân dã vừa sang trọng. Hóa ra tranh Đông Hồ bước lên sàn diễn đẹp hơn rất nhiều. Và cả trang phục do họa sĩ Sĩ Hoàng thiết kế cũng nền nã và sang trọng.

Dàn diễn viên hầu như 90% là mới và trẻ, trừ Thành Hội, Ái Như, Quốc Thịnh. Nhưng tất cả đều diễn rất tốt, bởi kịch bản quá chỉn chu, và đạo diễn quá… khó tính. Ái Như kỹ đến từng chi tiết nhỏ. Đàn em của chị đã được rèn tới nơi tới chốn.

Hoàng Kim

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...