Vĩnh biệt PGS Phan Ngọc: Người làm rạng danh tiếng Việt và văn hóa Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều người đã nhắc đến PGS Phan Ngọc như một nhân vật trải qua rất nhiều biến động của lịch sử với nhiều công việc ông đã đảm nhận trong cuộc đời (qua 2 thế kỷ).
Trước năm 1945, ông từng qua Tú tài, rồi học Trường Y thời Pháp. Sau đó (1946 - 1952), ông tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ 1952 - 1954, ông làm phiên dịch viên cho Bộ Giáo dục. Rồi từ 1955 - 1979, ông là giảng viên cho 2 trường đại học: ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Tổng hợp Hà Nội. Bến đỗ cuối cùng (1980 - 1995), ông là chuyên gia nghiên cứu tại Viện Đông Nam Á, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (sau là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).
1. Có lần, vào năm 1995, với tư cách là biên tập viên tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống (thuộc Hội Ngôn ngữ học VN) tôi có dịp qua nhà PGS Phan Ngọc (ở phố Bùi Thị Xuân, Hà Nội). Tôi biết tiếng ông, đã đọc sách của ông, nhưng tiếp xúc trực tiếp thì chưa. Theo yêu cầu của tạp chí, tôi được phân công đến để nhờ ông dịch cho một đoạn văn bản bằng chữ Latin (trong bài Nguồn gốc tên gọi mafia, từ cuốn Từ điển Larousse của Pháp).
Căn nhà nhỏ, không lấy gì làm rộng, PGS Phan Ngọc lặng im ngồi ung dung tự tại. Ông không mặn mà lắm với việc tôi nhờ (chắc đang quá bận). Nể công lặn lội của anh chàng "học việc" (tôi cũng đang là biên tập viên của NXB Khoa học Xã hội - đã in sách của ông) nên ông miễn cưỡng giúp. Miễn cưỡng vậy mà, việc ông làm sau đó (đọc, nhẩm dịch và tra cứu lại mấy lần bản dịch, dù rất ngắn) tôi mới thực sự khâm phục cách làm việc nghiêm cẩn của ông.
Nhớ lại năm 1985, Phòng biên tập Ngữ văn (NXB Khoa học Xã hội) của chúng tôi có biên tập cuốn Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (tạm ký hiệu: A, 1 trong 2 cuốn được nhận Giải thưởng Nhà nước) của ông, tôi đã có thời gian đọc kỹ rồi dần dần "ngộ" ra và thấm thía những giá trị học thuật của cuốn sách này. 4 năm sau (1989), tôi đọc tiếp cuốn Từ điển Truyện Kiều (tác giả: Đào Duy Anh, Phan Ngọc bổ sung và sửa chữa) (ký hiệu: B).
Đánh giá một học giả, dĩ nhiên là phải qua nhiều công trình của họ. Nhưng trong bài báo này, tôi đành làm công việc "lấy cây nhìn rừng": Phân tích 2 tác phẩm nghiên cứu tiêu biểu của ông để có một hình dung ra nhà văn hóa Phan Ngọc.
Theo Phan Ngọc, "Phong cách một nhà văn, dù có vĩ đại đến đâu cũng phải phản ánh phong cách thời đại" (A, tr. 10). Ông cho rằng, các học giả đi trước khi nghiên cứu Truyện Kiều, "không chứng minh những nét khu biệt về mặt nội dung và hình thức mà chỉ mình Nguyễn Du làm được" (tr. 7). Còn ông "xem xét qua 2 trục, trục lịch sử và trục thời đại" (tr. 9).
Cái khác của Phan Ngọc, do chính ông viết "không tách tác phẩm ra làm 2 phần, là nội dung và hình thức. Theo chúng tôi quan niệm, trong phong cách có nội dung, nhưng nội dung được xây dựng theo cái hình thức riêng thích hợp với phong cách... Nói khác đi, khi nói đến nội dung thì nói luôn đến cả cách hình thức hóa nội dung, và ngược lại" (tr. 10). Tự cho mình là "cực đoan" trong cách tiếp cận, ông "muốn chứng minh giá trị và sự đóng góp của một thiên tài nên đành phải cực đoan như thế" (tr. 10).
Với cách tiếp cận riêng, bằng một quan điểm nghiên cứu khoa học nghiêm ngặt, Phan Ngọc đã đưa người đọc khám phá Truyện Kiều và Ngôn ngữ Truyện Kiều một cách hết sức thuyết phục qua 10 chương, 328 trang sách ngồn ngộn tư liệu, trong đó tư liệu nghiên cứu (tham khảo từ thơ Đường, thơ lục bát, song thất lục bát, thơ ngũ ngôn...; phong cách thơ Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến và cả thơ Hồ Chí Minh) chiếm một dung lượng không nhỏ.
Phan Ngọc luôn đặt nguyên tác Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân với bản phóng tác Truyện Kiều của Nguyễn Du trong thế đối lập, để chỉ ra một điều: Nguyễn Du đã có sự thay đổi, đã sáng tạo, đã "Việt hóa" về căn bản. Không chỉ là từ văn xuôi chuyển sang văn vần, mà Nguyễn Du đã thoát khỏi quan niệm "tài mệnh tương đố" của tư tưởng phong kiến Trung Hoa chi phối.
Với Thanh Tâm Tài Nhân, cái "mệnh" gắn chặt vào thân phận mỗi người cho đến chết. Còn với Nguyễn Du, số mệnh chỉ là một sự thử thách mà con người có thể vượt qua (Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều). Phân tích những cơ sở xã hội - lịch sử - chính trị thời Trịnh - Nguyễn, ông cho rằng điều này tác động tới việc hình thành những quan niệm về cuộc sống của Nguyễn Du. Đó chính là những suy nghĩ làm nên cốt cách của con người Việt Nam (qua quan niệm sống, qua cách ứng xử ở đời, qua ngôn từ trong đời thường...).
Nhận xét sau đây của Phan Ngọc - cần phải coi là một phát hiện quan trọng, là dù Nguyễn Du có vay mượn tư tưởng của các tác giả Trung Quốc, "Ông có dùng một số nhân vật, một số chữ mà Thanh Tâm Tài Nhân đã dùng, nhưng ông đã cấp cho nó một nội dung khác", "Nguyễn Du đã nâng câu chuyện tạo vật đố tài lên mức thang nhân loại" và "Nàng Kiều không phải là một người đàn bà mang cái đau khổ của riêng một người mà mang cái đau khổ của toàn bộ giới phụ nữ" (tr. 54-55).
Cũng theo Phan Ngọc, trong Truyện Kiều "Ngôn ngữ tác giả xuất hiện khắp nơi, thay đổi tất cả, tổ chức lại tất cả" (tr. 110). Trả lời câu hỏi "Làm thế nào trong khi vẫn giữ được tính chất mộc mạc của thơ lục bát, đồng thời hoán cải nó, biến nó thành đa dạng?", Phan Ngọc cho rằng, Nguyễn Du đã "làm cho câu thơ tránh được tính chất nôm na, tẻ nhạt của ca dao" (tr. 258).
Phan Ngọc hoàn toàn có lý khi cho rằng, xem xét ngôn ngữ Truyện Kiều "phải xét trong mối quan hệ mới có cơ sở. Nếu tách riêng một chữ để khen hay chê thì rất khó có sức thuyết phục" (tr. 256). Ông không đồng tình với nhận xét của một nhà phê bình, nức nở khen chữ "lẻn" trong câu "Đẩy song đã thấy Sở Khanh lẻn vào": "Chữ này cũng bình thường như mọi chữ khác của Nguyễn Du... Không có gì đặc biệt cả. Sở Khanh muốn rủ đi trốn, thì chỉ có cách “lẻn vào”, còn có cách nào nữa? Ai làm hành động này cũng chỉ có cách lẻn vào thôi, chữ này không có gì tiêu biểu cho tính cách Sở Khanh" (tr. 258).
Trong nhiều ví dụ khác, Phan Ngọc cho rằng, ngôn ngữ thơ Truyện Kiều "tất cả đều dựa theo sự tương hợp ý nghĩa nội dung" (tr. 298), "Tiếng Việt cũng như mọi ngôn ngữ của loài người đều có những ý nghĩa nội dung khách quan nằm ngoài ý nghĩa từ vựng và tổ chức các ý nghĩa từ vựng theo yêu cầu của nội dung" (tr. 299).
2. Về ngữ pháp Nguyễn Du cũng như ngữ pháp thơ, Phan Ngọc từng có ý kiến làm "dậy sóng" giới phê bình văn học cũng như các nhà ngôn ngữ, khi ông cho rằng "Thơ là một cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức này. Nói rằng hình thức tổ chức ngôn ngữ thơ hết sức quái đản là nói rằng trong ngôn ngữ giao tiếp không ai tổ chức ngôn ngữ như thế" (Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, NXB Trẻ, TP.HCM, 1995, tr. 25-35).
Nhiều người đã phản đối quan niệm đó. Nhưng từ "quái đản" ông dùng có lẽ chỉ là một cách nói gây ấn tượng. "Chữ dùng" này của ông chỉ nhấn mạnh ý "cấu trúc ngữ pháp thơ là rất kỳ lạ, không dễ phân tích được theo ngữ pháp thông thường". Chả vậy mà ông viết (dù có phần chủ quan) là "Ngữ pháp Nguyễn Du, mặc dù cơ bản vẫn là ngữ pháp Việt Nam nhưng lại có những điểm khác ngữ pháp hiện đại" (tr. 295) và khuyên "Không nên lấy ngữ pháp Nguyễn Du làm mẫu mực cho ngữ pháp hiện đại" (tr. 309). Kể cũng "cực đoan" thực.
3. Phải là người am hiểu tiếng Việt, am hiểu văn hóa, có kiến thức sâu rộng về Hán học nên Phan Ngọc đã nhận lời chỉnh lý, bổ sung và sửa chữa cuốn Từ điển Truyện Kiều (một cuốn từ điển chuyên thư duy nhất ở Việt Nam, cho đến lúc xuất bản năm 1974, rất đặc sắc) của Đào Duy Anh.
Nhận sứ mệnh do chính học giả Đào Duy Anh trao lại, Phan Ngọc đã làm một công việc đúng là "lao tâm khổ tứ", gian nan vô cùng. Trong lời đầu sách Những sửa đổi trong lần tái bản dài tới 11 trang, ông đã nói lên phần nào những khó khăn, trở ngại khi phải "đối chiếu 13 văn bản, trong đó có 6 văn bản Nôm và 7 văn bản Quốc ngữ để chọn từng chữ cho thích hợp" (B, tr. 14). Dù còn một số vấn đề, công sức của học giả Phan Ngọc đã góp phần, giúp cho bạn đọc yêu thích Truyện Kiều một lần nữa "chiêm ngưỡng" vẻ đẹp toàn bích của nó.
4. Đánh giá toàn bộ cống hiến của PGS Phan Ngọc về mặt học thuật quả không đơn giản trong phạm vi một bài báo ngắn. Nhưng có lẽ, chỉ qua những đóng góp của ông qua 2 công trình liên quan tới tác phẩm nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du, cũng đủ cho ta hình dung ra diện mạo một nhà nghiên cứu lỗi lạc. Chính nhờ ông, mà chúng ta có thêm những hiểu biết một cách tường minh, thấy sáng rõ hơn giá trị trường tồn của tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. PGS Phan Ngọc từng nói: "Văn hóa là một hiện tượng vừa phổ biến vừa có tính cá biệt" và qua các trước tác của ông, ta thấy rõ một điều, "ngôn ngữ dân tộc qua lăng kính quy chiếu, chính là cơ sở nhìn ra văn hóa".
Lễ viếng PGS Phan Ngọc PGS Phan Ngọc sinh ngày 10/10/1925, tại xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông đã từ trần lúc 20h ngày 26/8/2020 (nhằm ngày 8/7 năm Canh Tý), tại Hà Nội, hưởng thọ 96 tuổi. Lễ viếng PGS được tổ chức từ 10h45 đến 11h45 ngày 1/9/2020 tại Nhà tang lễ TP Hà Nội (125 phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm). Nhiều người đã nhắc đến ông như một dịch giả tài năng. Biết tới 12 ngoại ngữ, trong đó thành thạo 6 thứ tiếng, ông đã tham gia Dịch thuật những tiểu thuyết, công trình nghiên cứu lâu nay đã đi vào lòng độc giả tiếng Việt như những cuốn sách "gối đầu giường" của nhiều thế hệ: Sử ký Tư Mã Thiên, Thần thoại Hy Lạp, Tuyển tập kịch Shakespeare, Chiến tranh và hòa bình (4 tập, dịch chung), David Coppefield, Mỹ học Hegel, Hình thái học của nghệ thuật, Âm vị học và Hình thái học… |
PGS-TS Phạm Văn Tình
(Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)