Vĩnh biệt NSƯT Hoàng Thế Bình: Một đời tận tụy với sân khấu và phim
(Thethaovanhoa.vn) - Giữa những ngày đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đồng nghiệp, khán giả sững sờ, tiếc thương khi nhận hung tin Trung tá - NSƯT Hoàng Thế Bình, gương mặt quen thuộc của sân khấu và phim ảnh đã ra đi vào hồi 19h ngày 5/9/2021 đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 66 (5/9/1955 - 5/9/2021).
Thế là anh đã không kịp xem bộ phim cuối cùng mình tham gia - phim Bão ngầm (dự kiến lên sóng trong năm 2021).
NSND Hoàng Cúc thốt lên: “Vĩnh biệt bạn tôi. Thấy nhau là cười tươi. Ngày bạo bệnh vẫn thấy bạn cười. An nghỉ nhé bạn hiền. Tiếc là không còn gặp trên những thước phim đời”.
Đạo diễn Nguyễn Quang Vinh sững sờ: “Vĩnh biệt bạn thân yêu, một người luôn nhân hậu và tận tuỵ trong cuộc sống và trong công việc. Cầu mong Bình sớm siêu thoát”. NSƯT Lê Thúy Nga xúc động “trách” người anh đồng nghiệp: “Sao anh âm thầm, lặng lẽ đi vào đúng ngày sinh nhật? Mùa thu Hà Nội đẹp thế mà anh không nấn nán lại mà vội rời xa”.
Gắn bó cùng sân khấu, không phân biệt vai chính - phụ
Năm 1973, người con quê lúa Thái Bình khởi đầu cuộc đời binh nghiệp tại Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng thế hệ với các nghệ “gạo cội” như: Quốc Trị, Minh Hằng… Là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, trước năm 1975, anh cùng các diễn viên Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị đã vào mặt trận phía Nam biểu diễn cho các chiến sĩ giữa ầm ào bom rơi đạn nổ.
Năm 1978, anh có mặt ở mặt trận Tây Nam. Những buổi biểu diễn cho cán bộ chiến sĩ luôn khắc sâu trong ký ức về một thời trận mạc không thể nào quên…
Năm 1982, Đoàn Kịch nói Công an nhân dân (nay thuộc Nhà hát Công an nhân dân) được thành lập. Theo sự điều động của tổ chức, anh là một trong những diễn viên bắt đầu từ những “viên gạch đầu tiên” xây dựng Đoàn kịch Nhà hát Công an nhân dân. Cả cuộc đời mình, Trung tá - NSƯT Hoàng Thế Bình là nghệ sĩ - chiến sĩ mang trên mình 2 màu áo của lực lượng quân đội và công an.
Hoàng Thế Bình đam mê sân khấu. Niềm đam mê ấy như mưa dầm thấm đất mỗi ngày. Niềm yêu ấy như lặn vào huyết quản tự nhiên. Dẫu cơ duyên phim điện ảnh, truyền hình chào mời khá hấp dẫn, nhưng anh phải “thú nhận” vẫn luôn chung tình với sân khấu, vẫn say sân khấu hơn cả. Anh yêu sân khấu như cuộc sống. Anh dâng hiến trọn vẹn với sân khấu từ lúc vào nghề cho đến lúc nghỉ hưu. Chỉ với thời gian được ấn định cách điệu, người nghệ sĩ đã thăng hoa mọi xúc cảm: khóc cười cùng nó; đau đớn, hạnh phúc cùng nó; sống chết cùng nó với ánh đèn sân khấu...
Niềm đam mê chẳng có giới hạn cuối cùng. Nghiêm túc với nghệ thuật sáng tạo, anh có thể nhận bất cứ vai diễn nào (chính diện - phản diện, vai chính - phụ…). Dù là một vai nhỏ, ít đất diễn nhưng với anh vẫn phải chỉn chu, nghiêm túc làm tròn vai. Đơn cử trong vở Hoa thép, vào vai Đội trưởng đội chuyên án, dù chỉ có ít lớp diễn, anh vẫn dành nhiều tâm huyết cho nó. Vai diễn đã mang đến cho anh Huy chương Bạc của Liên hoan sân khấu. Thành công của nhiều vở kịch như: Đám cưới trong đêm mưa, Vòng vây cô đơn, Đối đầu, Quân bài định mệnh, Ngọt ngào trong cay đắng, Quyết đấu giữa sương mù… có dấu ấn cá nhân của anh đậm nét.
Dẫu dấn thân vào nhiều dạng vai, nhưng phải thành thực mà nói, gương mặt vuông vức, phúc hậu, đầy đặn của anh dường như “có bảo hành” để các đạo diễn chọn vào vai người tốt, nhân hậu. Đó là chân dung những vai cán bộ, thủ trưởng, chiến sĩ có trách nhiệm, nghĩa tình, nhân hậu trong công việc và cuộc sống.
Trong các vở Đảo lạnh, Nốt nhạc cuối cùng..., hình tượng người chiến sĩ công an thể hiện sự tận tụy, trách nhiệm, giàu lòng yêu thương con người. Vai Trung úy Hùng trong Đám cưới trong đêm mưa thể hiện những mâu thuẫn giằng xé giữa nhiệm vụ chung và hoàn cảnh riêng. Trong vở Cuộc chia tay lần cuối (cố tác giả: Ngọc Thụ, đạo diễn: NSND Lê Hùng), anh vào vai Minh Sơn - người chiến sĩ công an gan dạ, kiên trung trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Vở diễn này đã đoạt Huy chương Vàng Hội diễn năm 1995. Trong vở kịch Đường về, NSƯT Thế Bình hóa thân vào vai giám thị Thức cứng rắn, cương quyết trong xử lý công việc, nhưng rất ân tình, nhân hậu trong cuộc sống. Vai Đại tá Xuân Phong trong 2 vở kịch Đối đầu và Quyết định sinh tử đã để trong anh nhiều cảm xúc. Đó là chân dung một cán bộ chỉ huy cương quyết, khôn khéo trong xử lý công việc; sống nhân ái, nghĩa tình với anh em, đồng đội.
Trong Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân lần thứ II (2010), Hoàng Thế Bình đoạt Huy chương Bạc cho vai diễn Trưởng ban chuyên án trong vở Hoa thép (tác giả: Đại tá Phan Gia Liên; cố vấn nghệ thuật: NSND Lê Hùng, đạo diễn: Khương Đức Thuận)…
Trong cuộc sống, anh là người hiền lành, trách nhiệm với công việc, tốt tính và chân thành. Trong nghệ thuật, anh luôn để lại dấu ấn khó quên trong đồng nghiệp. Anh đã sống hết mình cho nghệ thuật. Tài diễn xuất của NSƯT Hoàng Thế Bình thể hiện ở cái duyên trong cách tung hứng, phản ứng nhanh, hài hòa, luôn tạo cảm xúc cho bạn diễn cùng thăng hoa.
Nói về anh, đồng nghiệp, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ học hỏi được tài năng, lao động sáng tạo và cách ứng xử mềm mại, khoan hòa của anh.
Hơn 20 năm là đồng nghiệp cùng anh, NSƯT Lê Thúy Nga - cô Tơ trong phim Mê Thảo thời vang bóng (tác giả: Nguyễn Tuân, Phạm Thùy Nhân; đạo diễn: Việt Linh) - chia sẻ: “NSƯT Hoàng Thế Bình là một diễn viên chân thực trong cách biểu diễn, nhưng lại rất cẩn thận tỉ mỉ trong việc chuẩn bị cho vai diễn. Vì vậy, hình tượng các nhân vật mà anh thể hiện bao giờ cũng để lại cảm xúc, ấn tượng cho khán giả. Kỷ niệm về anh luôn được ghi nhớ mãi với các thế hệ diễn viên Đoàn kịch Công an nhân dân”.
Là đồng nghiệp với anh ở Nhà hát Công an nhân dân, NSND Nguyễn Hải - “ông Cấn" trong phim Quỳnh búp bê - chia sẻ: “Trên sân khấu, anh Bình thường vào vai lãnh đạo công an. Anh ấy diễn rất duyên. Phong thái đĩnh đạc, đường hoàng, nhẹ nhàng mà sâu sắc; nguyên tắc mà ân cần, gần gũi... Tôi cùng anh Bình tham gia một số bộ phim truyền hình, như: Chạy án, Quỳnh búp bê, Bão ngầm... Đặc biệt, phim Bão ngầm anh ấy vào vai phản diện rất ngọt, biến chất cũng rất hay”.
Nghệ sĩ Hán Văn Bách nói về thế hệ đi trước với lòng biết ơn: “Chú là tấm gương sáng, luôn trau chuốt, chỉn chu trong mọi đêm biểu diễn, trong mọi buổi tập. Chú là người chú, người đồng đội, người đồng nghiệp của cháu. Với cháu, những vai như: Ông Tư trong Quỷ ám, Chủ tịch xã trong Internet về làng... không ai có thể diễn duyên bằng chú. Chú cẩn thận tỉ mỉ, chỉn chu từ những đạo cụ nhỏ nhất”.
Cơ duyên với phim ảnh
Sau vai diễn đầu tiên trong phim nghệ thuật sân khấu Chị Nhàn (Xưởng phim Truyện Việt Nam, năm 1975), nghệ sĩ Hoàng Thế Bình được mời đóng nhiều phim truyện nhựa và phim truyền hình. Khán giả ấn tượng với tạo hình nhân vật của anh trong vai tướng lĩnh quân đội, cán bộ công an… Có thể kể đến những vai diễn: Lê Văn - Tư lệnh trưởng Phòng không Không quân trong phim 12 ngày đêm (đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc); Thiếu tướng thông tin trong phim Giải phóng Sài Gòn (đạo diễn Long Vân); Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự trong serie phim truyền hình dài tập (Cổ cồn trắng, Chạy án, Kẻ giấu mặt, Biệt thự màu tro lạnh, Mê cung…). Trong Mê cung (đạo diễn Nguyễn Khải Anh, 2020), NSƯT Thế Bình vào vai thủ trưởng cảnh sát hiền lành, nhiệt huyết, luôn hết lòng vì sự nghiệp và giúp đỡ đồng đội cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ.
Không chỉ ấn định với vai chính diện mà hóa thân vào vai diễn nào anh cũng rất xuất sắc. Trong vở kịch Ngọt ngào trong cay đắng (tác giả: Chu Thơm, 1997), đồng nghiệp sững sờ khi anh hóa thân vào vai một Chánh Văn phòng quan liêu quá xuất sắc. Anh vào các vai “xã hội đen” Hải “xù” trong vở Khoảnh khắc mong manh (tác giả: Hữu Ước, đạo diễn Lê Hùng); vai trùm buôn lậu Vạn trong vở Vàng ở thung lũng xanh (đạo diễn Lê Hùng) rất ấn tượng.
Từ đó, ai cũng hiểu chả có gì có thể làm khó cho anh. Kinh nghiệm đóng nhân vật phản diện trên sân khấu được anh phát huy trong điện ảnh khi vào vai viên Đại tá, Tỉnh trưởng ngụy trong phim Tiếng cồng định mệnh (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi). Và vai diễn cuối cùng của NSƯT Thế Bình lại chính là vai phản diện. Anh vào vai lãnh đạo tỉnh biến chất trong phim Bão ngầm dự kiến sẽ lên sóng trong năm 2021 (rất tiếc anh không có cơ hội xem bộ phim cuối cùng mình tham gia).
NSƯT Thế Bình đã chứng minh một cách thuyết phục rằng không có “giới hạn sáng tạo” với nghệ sĩ trong các vai diễn.
Học hỏi và quan sát Là diễn viên có nghề, nhưng NSƯT Hoàng Thế Bình rất chú trọng việc học hỏi. Đúng là cuộc sống có nghề gì, diễn viên “vào nghề đó”. Cuộc sống có những kiểu người nào, thì diễn viên cũng phải vào "tròn vai” đó. Nghề diễn viên quả là “quá siêu” vì “cái gì cũng biết”. Chính bởi hiểu đặc thù nghề nghiệp, nên anh chú trọng học hỏi đồng nghiệp, đi thực tế, chú trọng quan sát. Khi được giao vai quản giáo, anh đã đi thực tế tại Trại giam Gia Trung (Gia Lai) để quan sát cách đi đứng nói năng, đối xử với phạm nhân. Vào vai “xã hội đen”, anh xem phim ảnh, quan sát trong cuộc sống… |
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng