Vĩnh biệt nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Tác giả của những ca khúc thấm đẫm hồn quê
(Thethaovanhoa.vn) - Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã từ trần chiều 26/12/2019 và sáng 29/12 gia đình, đại diện Hội Âm nhạc TP.HCM và nhiều tổ chức chính quyền, đoàn thể cùng bạn bè thân hữu và người yêu nhạc đã tiễn đưa linh cửu nhạc sĩ về an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương…
1. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh năm Giáp Tý (1924) tại xóm thợ Trường Thi (TP Vinh, tỉnh Nghệ An), quê quán của ông là ở xã Phú Cường, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phú (nay là huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội).
Nếu xem năm 1938 là mốc đánh dấu sự hình thành của nền tân nhạc Việt Nam bởi 2 sự kiện: Những buổi thuyết trình và biểu diễn “âm nhạc cải cách” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên tại Hà Nội, Hải Phòng… và tờ báo Ngày nay chính thức đăng một số bài nhạc đầu tiên của các nhạc sĩ tài hoa như: Bình minh (nhạc: Nguyễn Xuân Khoát; lời: Thế Lữ), Một kiếp hoa (Nguyễn Văn Tuyên), Bản đàn xuân (Lê Thương)… thì đến năm 1950, bầu trời âm nhạc Việt Nam mới đón nhận thêm một nhạc sĩ tài hoa - nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua bài hát Dư âm.
Dư âm là một bản nhạc khá đặc biệt, được xem là một trong những sáng tác đầu tiên của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ra đời trong khoảng thời gian kháng chiến chống Pháp, nhưng mang âm hưởng trữ tình lãng mạn. Cũng vì ca khúc này mà ông đã gặp rất nhiều phiền toái. Nó cũng có “số phận” như một số ca khúc lãng mạn khác: Tạ từ, Em đến thăm anh một chiều mưa của Tô Vũ, Sơn nữ ca của Trần Hoàn…
Một điều đáng nói là cho đến ngày nay, Dư âm được xem là một trong những bản nhạc “vượt thời gian”, được rất nhiều người yêu nhạc hâm mộ và khi nói đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý gần như ông bị “đóng đinh” với ca khúc này. Tuy nhiên, bản chất âm nhạc của Nguyễn Văn Tý không phải là Dư âm mà là những ca khúc thấm đẫm chất dân gian.
Điều này cũng thể hiện rất rõ khi ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 2000) cho các tác phẩm: Vượt trùng dương, Mẹ yêu con, Bài ca năm tấn, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre.
2. Dù sinh trưởng ở miền Bắc và lớn lên trong không gian âm nhạc của hát văn, hát chèo, ả đào của vùng quê Vĩnh Phú, nhưng Nguyễn Văn Tý có thể vận dụng âm nhạc dân gian của cả 3 miền Nam - Trung - Bắc vào những bài hát của mình một cách tài tình và có hiệu quả.
Vượt trùng dương (1952) được xem là bài hát cách mạng thành công đầu tiên của ông, bài hát rộn ràng âm hưởng của nhịp điệu hò khoan này ngay sau đó nhận được giải Nhì (không có giải Nhất) của Hội Văn nghệ Việt Nam. Hình tượng của bài hát là con thuyền vượt qua sóng gió biển khơi, gợi liên tưởng về cuộc kháng chiến chống Pháp khó khăn, gian khổ nhưng sẽ đi đến thắng lợi.
Mẹ yêu con (1956) mang âm hưởng hát ru của dân tộc và cũng được xem như một bài hát ru “mẫu mực”. Giai điệu Mẹ yêu con đẹp như một bản romance của nhạc thính phòng, có lẽ cũng chính vì vậy mà ngoài những giọng ca dân gian như Thanh Huyền, Thu Hiền, Bùi Lê Mận… biểu diễn, rất nhiều ca sĩ khác cũng thể hiện bài hát này như: Lê Dung, Thanh Lam, Anh Thơ, Lan Anh, Phạm Thu Hà, Nguyên Thảo, Tùng Dương…
Nếu Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa (1973) mang âm hưởng của nhạc dân gian vùng Kinh Bắc, thì Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (1974) và Người đi xây hồ Kẻ Gỗ (1976) là những khúc hát ngọt ngào, da diết được chắc lọc từ ví dặm Nghệ Tĩnh. Đến vùng đất Quảng Nam ông có bài hát Quảng Nam Đà Nẵng đất nặng nghĩa tình (1978) mang âm hưởng dân ca Quảng Nam được người dân xứ Quảng yêu mến một thời.
Vào miền Nam, ông có bài hát Dáng đứng Bến Tre (1980), một bài hát rất nổi tiếng, giai điệu phát triển từ bài Ru con dân ca Nam bộ được người yêu nhạc cả nước đón nhận.
Ngoài ra, cũng cần nói thêm rằng, ông là người rất thức thời và nhạy bén với thời cuộc âm nhạc. Sống giữa không khí “hồi sinh nhạc trẻ Sài Gòn” đầu thập niên 1980, bên cạnh những ca khúc như: Ơi cuộc sống mến thương (Nguyễn Ngọc Thiện), Mặt trời bé con (Trần Tiến), Hát với chú ve con (Thanh Tùng)… ông cũng có một ca khúc tràn đầy tinh thần “nhạc trẻ” nhưng thấm đẫm chất Việt - bài hát Cô đi nuôi dạy trẻ - bài hát rất thành công của một đề tài rất khó viết đối với nhạc sĩ sáng tác.
Nói tất cả những điều này để thấy rằng, đóng góp lớn nhất của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong lĩnh vực ca khúc đó là những bài hát được lấy cảm hứng từ chất liệu âm nhạc dân gian của các vùng miền đất nước. Dù là những bài ca cách mạng, âm nhạc của ông vẫn trữ tình, mượt mà và mang màu sắc dân ca. Đó cũng là điều đọng lại với người yêu nhạc và cũng là điều thể hiện tài năng sáng tác của ông.
Ông đã ra đi, nhưng chắc chắn những bài hát của ông vẫn còn vang mãi trong đời sống âm nhạc và nhiều bài hát sẽ được ghi vào lịch sử âm nhạc của nước nhà.
Bài viết này xin được như một nén nhang thành kính, vĩnh biệt người nhạc sĩ tài hoa và chúc ông yên nghỉ nơi chín suối.
Hữu Trịnh