Vĩnh biệt Horst Faas: Người khổng lồ của ảnh chiến trường
(TT&VH) - Horst Faas, phóng viên ảnh chiến trường, người đã tạo nên những chuẩn mực mới về ảnh chiến tranh trong gần nửa thế kỷ gắn bó với hãng AP, đã qua đời hôm 10/5, thọ 79 tuổi.
Là trưởng nhóm phóng viên ảnh của hãng AP ở Sài Gòn trong 1 thập kỷ, bắt đầu từ năm 1962, Horst Faas không chỉ chụp những hình ảnh về cuộc chiến, mà ông còn tuyển và đào tạo nhiều tài năng mới là người nước ngoài và Việt Nam.
Host Faas tại chiến trường miền Nam Việt Nam.
* Chiến tranh Việt Nam, giải Pulitzer và thương tật
Và “đội quân” các nhiếp ảnh gia trẻ của Faas, được ông hỗ trợ máy ảnh và phim chụp, thường trở về với những bức ảnh đẹp. Sau đó, Faas và các biên tập của mình đã chọn ra những bức ảnh xuất sắc nhất rồi xếp chúng lại thành một bộ ảnh kể chuyện. Trong đó nổi bật là những bộ ảnh kể về cách những người dân đã phải chống chọi như thế nào để tồn tại trong tình trạng hỗn loạn của cuộc chiến.
Sinh ra ở Berlin (Đức) vào ngày 28/4/1933, Faas làm việc tại hãng tin AP từ năm 1956. Trong sự nghiệp của mình, ông đã chụp ảnh về các cuộc chiến tranh, cách mạng, Thế vận hội và nhiều sự kiện trên thế giới, nhưng Faas vẫn nổi tiếng nhất với những bức ảnh về cuộc chiến ở Việt Nam, nơi ông đã bị thương nặng vào năm 1967, và đã đoạt 4 giải nhiếp ảnh lớn, trong đó có 2 giải Pulitzer.
“Faas là một trong những tài năng lớn nhất của thời đại chúng ta, một phóng viên ảnh dũng cảm, một biên tập viên can đảm, người đã tạo nên một số hình ảnh có sức bùng nổ nhất thế kỷ. Ông là một đồng nghiệp tuyệt vời và là một người bạn hào phóng” - Kathleen Carroll, biên tập viên cấp cao của hãng tin AP, nhận định.
Trong số những học trò của ông có Huỳnh Thanh Mỹ, một diễn viên trở thành phóng viên AP và đã tử nạn năm 1965. Người em của ông là Nick Út đã thay thế vị trí của anh trai mình tại hãng AP và dưới sự dìu dắt của Faas, Nick Út đã đoạt giải Pulitzer với bức ảnh Em bé Napalm chụp năm 1972 về một bé gái trần truồng đang chạy trốn giữa trận bom napalm.
Những bức ảnh về cuộc chiến ở Việt Nam đã đem lại cho Faas giải Robert Capa của Câu lạc bộ Báo chí Hải ngoại và giải Pulitzer đầu tiên vào năm 1965. Khi nhận giải thưởng ở New York, Faas nói nhiệm vụ của ông là “ghi lại nỗi đau khổ, cảm xúc và sự hy sinh của cả lính Mỹ và Việt Nam”.
Dáng vóc lực lưỡng nhưng nhanh nhẹn, Faas dành nhiều thời gian ở chiến trường và ngày 6/12/1967, ông đã bị thương nặng ở chân do trúng đạn từ súng phóng lựu tại Bù Đốp (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Có lẽ ông đã chết nếu không được một bác sĩ trẻ người Mỹ cấp cứu kịp thời. Gặp lại Faas sau đó 2 thập kỷ, người bác sĩ nói với ông: “Lúc đó, trông người ông tái xám đến mức tôi tưởng ông ngoẻo rồi”.
Do vẫn còn phải chống nạng nên Faas không thể chụp được những hình ảnh về Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nhưng ông vẫn điều hành các hoạt động nhiếp ảnh.
|
* Người khổng lồ
Năm 1970, Faas rời Sài Gòn để trở thành một phóng viên nhiếp ảnh lưu động ở châu Á. Năm 1972, ông đoạt giải Pulitzer thứ 2, cùng với Michel Laurent, với những bức ảnh chụp cảnh tra tấn và các cuộc hành hình ở Bangladesh. (Laurent sau đó làm cho hãng ảnh của Pháp là Gamma và ông là phóng viên ảnh cuối cùng tử nạn trong cuộc chiến ở Việt Nam - 2 ngày trước khi giải phóng Sài Gòn vào ngày 30/4/1975).
Năm 1976, Faas trở thành biên tập viên ảnh của hãng AP ở châu Âu, sống ở London cho đến khi ông về hưu vào năm 2004. “Faas là một người khổng lồ của giới nhiếp ảnh, người có khả năng kể những câu chuyện khó một cách độc đáo và đáng nhớ” - Santiago Lyon, phụ trách ban ảnh của hãng AP, nhận định.
“Faas là một tài năng lạ thường trong cả cách chụp ảnh và cách biên tập ảnh của các đồng nghiệp và cộng tác viên. Ông sẽ được nhiều đồng nghiệp nhớ mãi, đặc biệt là thế hệ những người từng tham gia cuộc chiến ở Việt Nam”.
* Hồi niệm những đồng nghiệp tử nạn
Thời gian sau này, Faas còn tổ chức các hội nghị chuyên đề về nhiếp ảnh quốc tế. Ông đã hỗ trợ tổ chức các cuộc họp mặt cho các phóng viên báo chí từng có mặt trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ông đã lâm bệnh trong một cuộc họp mặt ở Hà Nội ngày 4/5/2005.
Tuy sau này phải ngồi xe lăn vì bị liệt, nhưng ông vẫn tiếp tục tới các triển lãm ảnh và nhiều sự kiện chuyên ngành khác, chủ yếu ở châu Âu, và hợp tác với các nhà xuất bản để phát hành 2 cuốn sách bằng tiếng Pháp về sự nghiệp của ông và Henri Huet, một đồng nghiệp cũ cùng hoạt động ở Việt Nam. Ông còn là đồng chủ biên cuốn Hồi niệm (Requiem, 1997), cuốn sách viết về những phóng viên ảnh của Mỹ và Việt Nam đã tử nạn trong cuộc chiến.
Sức khỏe của ông giảm sút nhanh vào cuối năm 2008. Hồi tháng 2, Faas phải nằm viện để điều trị căn bệnh về da. Ông còn phải trải qua cuộc phẫu thuật dạ dày.
Việt Lâm