Vĩnh biệt họa sĩ Huỳnh Phương Đông - người hiền chép sử bằng màu sắc
(Thethaovanhoa.vn) - Họa sĩ Huỳnh Phương Đông (tên thật là Huỳnh Công Nhãn) sinh ngày 22/4/1925 tại Bình Hòa, Gia Định, qua đời lúc 9h ngày 18/12/2015 tại TP.HCM, hưởng thọ 91 tuổi, theo âm lịch.
Họa sĩ Huỳnh Phương Đông sinh tại Gia Định (nay là TP.HCM), nhưng quê ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Ông tốt nghiệp: Trường Mỹ thuật thực hành Gia Định (năm 1945), Trường Trung cấp Mỹ thuật (khoá 1, 1957 - 1959); Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (khoá 3, 1959 - 1964). Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1957. Dù trải qua nhiều công việc và chức vụ trong thời chiến, cũng như thời bình, nhưng vẽ vẫn là ưu tiên lớn, di sản của ông để lại rất đồ sộ.
Ông đã được tặng: Huân chương kháng chiến hạng Ba; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy chương Vì sự nghiệp văn học - nghệ thuật Việt Nam; Huy chương vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam; Huy hiệu Thành đồng tổ quốc; Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt 2 năm 2007…
Báo Thể thao & Văn hóa trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Hồ Thi Ca - bạn vong niên với họa sĩ Huỳnh Phương Đông - như một lời chia tay cùng con người dành phần lớn đời mình cho mỹ thuật:
"Tôi quen biết họa sĩ (HS) Huỳnh Phương Đông từ những ngày ngay sau sự kiện 30/4/1975 lịch sử. Những năm đó tôi mới bước vào đại học, tập tễnh viết lách, gửi truyện ngắn, thơ đăng trên các báo. Lân la, tôi quen các HS trình bày báo Văn nghệ TP.HCM, lúc đó là HS Phạm Hữu Trí, HS Lê Thanh Trừ từ chiền khu về, HS Nguyễn Trung trưởng thành trong thế hệ họa sĩ trẻ của mỹ thuật Sài Gòn… Qua họ tôi cũng quen HS Huỳnh Phương Đông, một cây cọ nổi tiếng về ký họa từ trong chiến khu về thành phố.
Quan trọng hơn hết, ông HS này luôn vui vẻ, tươi cười hiền lành, giản dị nên rất “phù hợp” với anh chàng trai trẻ mới bập bõm vô nghề viết! Đặc biệt nữa: ông luôn kè kè bên hông một túi xách đựng giấy trắng và chì vẽ để bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng phóng bút ký họa một nét phố phường, hoặc một chân dung ai đó, có thể người đó rất quen ông, rất nổi tiếng, nhưng cũng thường khi chỉ là những người vô danh, bình thường trong mạch sống hàng ngày mà ông tình cờ gặp gỡ.
Vì lẽ trên - và cũng vì ông ra đời tại Bình Hòa, Gia Định - nên tôi hay nghĩ về HS Huỳnh Phương Đông như một nghệ sĩ chính gốc Sài Gòn, lang thang trên đường phố Sài Gòn với nụ cười hiền hậu luôn nở trên môi, cho nên tôi rất ngạc nhiên khi biết về quá khứ oanh liệt của ông. Ông từng tham gia Thanh niên tiền phong Tiền Giang, Thanh niên cứu quốc, Ban tuyên truyền tỉnh Sóc Trăng (1945), Ban công tác thành Sài Gòn - Chợ Lớn (1946 - 1947)… HS cũng từng là bộ đội! Rồi ông làm đến Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật (Bộ Văn hóa - Thông tin, 1978- 1988).
Ông đã từng được tặng thưởng nhiều huân, huy chương nhờ vào những bức ký họa ghi lại lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tiêu biểu như các các tác phẩm Trận Ấp Bắc 1963 (sơn dầu, 100 x 200 cm,1982), Trận Bình Giã 1965 (sơn dầu, 110 x 230cm, 1999), Trận La Ngà 1947 (sơn dầu, 120 x 200 cm, 1993)… đã được tặng Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 2 năm 2007.
Không lâu sau đó, tôi không ngờ có dịp đi cùng HS Huỳnh Phương Đông (và nhiều nhà báo, văn nghệ sĩ khác) gần nửa tháng sang nước bạn Campuchia để chứng kiến toàn bộ chiến dịch rút quân tình nguyện Việt Nam về nước.
Chúng tôi được máy bay quân sự chở sang sân bay Siêm Riệp, được bố trí ở ngay trong doanh trại của Bộ Tư lệnh mặt trận 479. Doanh trại chúng tôi chỉ cách kỳ quan Angkor Wat vài trăm mét, nên hàng ngày, ngoài việc ký họa chân dung các chiến sĩ tình nguyện, HS Huỳnh Phương Đông thường rủ HS Lê Thanh Trừ và tôi cuốc bộ vào Angkor Wat để vẽ, mà muốn vào Angkor Wat thì phải báo cáo với chỉ huy mặt trận để bên quân đội cử bộ đội đi theo bảo vệ, rất nhiêu khê và nguy hiểm nữa…
Vậy mà hai ông HS già cứ mải miết vẽ, mặc tôi đi tha thẩn trong lòng Angkor Wat mênh mông, vắng lặng và ghê rợn với vô số những bức tượng cụt đầu… Những ngày ấy, chỉ thấy HS Huỳnh Phương Đông vẽ và vẽ, từ vẽ quân tình nguyện đến vẽ kỳ quan thế giới, rồi - từ sáng mở mắt ra, ngồi uống trà - ông lại rút giấy và chì ra để vẽ người đối diện là… tôi! Hình như ở người HS già này, ông thở bao nhiêu là vẽ cũng bấy nhiêu!
Trong nhịp sống Sài Gòn hối hả, tôi còn gặp HS Huỳnh Phương Đông rất nhiều lần, khi thì tình cờ là một buổi chiều trong công viên Lê Văn Tám (quận 1), khi thì trong các cuộc triển lãm mỹ thuật, khi thì tôi tự tìm đến tận nhà HS (ở đường Thái Văn Lung, quận 1) để làm một cuộc phỏng vấn cho đài phát thanh hay viết một vài bài báo…
Những lần gặp nhau chớp nhoáng như thế, hễ có cơ hội ngồi riêng vài phút là thế nào ông cũng rút giấy và chì ra ký họa tặng tôi một bức chân dung. Mỗi lần ông vẽ, tôi biết mình sẽ được ông nhìn dưới một góc độ khác nhưng có một điều tôi biết chắc chắn là, dưới chân dung tôi, bên cạnh chữ ký bay bướm, lão họa sĩ này sẽ ghi một câu bất di bất dịch: “Kỷ niệm một tình bạn!”.
Tôi hiểu rằng con người tài năng ấy đã không ngại “cúi xuống” để gọi “thằng nhóc” tôi là “bạn”, phần mình, tôi biết mình sẽ còn phải kiểng chân lên lâu, rất lâu nữa mới may ra xứng đáng với cái chữ “tình bạn” quý giá kia!
Vĩnh biệt HS Huỳnh Phương, vĩnh biệt một người hiền chép sử bằng màu sắc!"
Hồ Thi Ca