Vĩnh biệt GS-TS Trần Quang Hải: Nhà 'dân tộc nhạc học' lỗi lạc
(Thethaovanhoa.vn) - Vào lúc 0h46 sáng 30/12 (tức 6h46 ngày 30/12 theo giờ Việt Nam), GS-TS Trần Quang Hải đã qua đời tại Limeil Brévannes (Pháp), để lại nhiều tiếc thương cho gia đình, đồng nghiệp và bạn bè trong giới âm nhạc.
GS-TS Trần Quang Hải là con trai trưởng của GS-TS Trần Văn Khê. Hai cha con đã có rất nhiều đóng góp cho âm nhạc dân gian, truyền thống Việt Nam…
Con đường đến với “dân tộc nhạc học”
GS-TS Trần Quang Hải sinh ngày 13/5/1944 tại Thủ Đức (TP.HCM). Khởi đầu con đường âm nhạc, GS Trần Quang Hải lại gắn liền với cây đàn violin. Ông học nhạc cụ này tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn với GS Đỗ Thế Phiệt. Sau đó, năm 1961, ông sang Pháp với ý định học tập để trở thành một nghệ sĩ vĩ cầm danh tiếng. Nhưng số phận lại đưa ông trở về với âm nhạc dân tộc, khi nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng tại Pháp lúc bấy giờ là Yehudi Menuhin khuyên Trần Quang Hải nên chọn âm nhạc Việt Nam để làm sự nghiệp, thay vì trở thành một nghệ sĩ vĩ cầm giỏi, nhưng trên thế giới đã có hàng ngàn người.
Sau một thời gian suy nghĩ, Trần Quang Hải xin cha nhận mình làm học trò, đồng thời học dân tộc nhạc học ở Trường Cao đẳng Khoa học xã hội (Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales). Ông cũng có thời gian khoảng 10 năm đầu tư thời gian vào việc học các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam như đàn tranh, đàn nhị, đàn bầu… cùng một số nhạc cụ của các dân tộc trên thế giới và tháp tùng cùng cha mình là GS Trần Văn Khê đi biểu diễn nhiều nơi.
Cũng tại Pháp, ông lấy bằng tiến sĩ ngành “âm nhạc dân tộc học” (hay còn gọi là “dân tộc nhạc học” - Ethnomusicology), là ngành học “nghiên cứu âm nhạc của các dân tộc trên thế giới, ngoại trừ nhạc cổ điển Tây phương và dân nhạc châu Âu”.
Từ năm 1968, GS Trần Quang Hải làm việc tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học tại Bảo tàng Con người (Musée de l’Homme) ở Paris (Pháp).
Năm 1978, GS Trần Quang Hải kết hôn với danh ca Bạch Yến, đây cũng là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời sự nghiệp của ông. Danh ca Bạch Yến trước đó hát tân nhạc, nhưng từ lúc kết hôn với Trần Quang Hải, bà chuyển qua hát nhạc dân gian truyền thống và sát cánh cùng chồng đi biểu diễn để phổ biến âm nhạc Việt Nam.
Trong suốt cuộc đời của mình, GS Trần Quang Hải có khoảng 3.500 buổi biểu diễn giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở 70 nước trên thế giới, đặc biệt là tại nhiều liên hoan quốc tế về âm nhạc truyền thống. Bên cạnh đó ông còn giảng dạy âm nhạc dân tộc học ở nhiều trường đại học trên thế giới; sáng tác nhiều tác phẩm cho đàn tranh, đàn môi, biểu diễn muỗng…
Ngoài ra ông còn tham gia nhiều hội thảo, trong đó có hội thảo về ví dặm, cồng chiêng, bài chòi… tại Việt Nam. Những tham luận của ông đã giúp ích rất nhiều trong việc Việt Nam làm hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận di sản thế giới.
Ông cũng đã xuất bản công trình nghiên cứu 50 năm nghiên cứu nhạc dân tộc Việt. Đây là một tư liệu quý cho những người nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam. Sách được ấn hành năm 2018.
“Dân tộc nhạc học” (Ethnomusicology) là ngành học “nghiên cứu âm nhạc của các dân tộc trên thế giới, ngoại trừ nhạc cổ điển Tây phương và dân nhạc châu Âu”. |
Một nghệ sĩ biểu diễn “kiệt xuất”
Ngoài lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam và thế giới, GS Trần Quang Hải còn nổi tiếng dưới góc độ là một nghệ sĩ biểu diễn (cũng trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc học mà ông theo đuổi).
Ở miền Nam trước năm 1975, hầu như như giới văn nghệ, ai cũng biết “quái kiệt” Trần Văn Trạch - người có thể mô phỏng mọi thứ tiếng: Từ tiếng gió xào xạc, đạn xé gió, vó ngựa, tàu lửa chạy… cho đến chim kêu, chó sủa, cọp gầm… “Quái kiệt” Trần Văn Trạch chính là bác ruột của GS Trần Quang Hải và có lẽ ông cũng được thừa hưởng một phần gen đặc biệt của bác mình.
Trong lĩnh vực biểu diễn âm nhạc dân tộc học, đặc biệt GS Trần Quang Hải nổi tiếng thế giới với 3 loại hình biểu diễn là: Đánh muỗng, đàn môi và hát đồng song thanh.
Đánh muỗng thì trên thế giới có nhiều nước biết đến, nhưng khi đánh muỗng đến tay Trần Quang Hải, ông đã biến nó thành một môn biểu diễn vô song, khiến cả thế giới thán phục. Năm 1967 tại Đại hội dân nhạc ở Cambridge (Anh quốc) ông đã “chiến thắng” vang dội và được mọi người đặt biệt danh là “vua muỗng”.
Đàn môi cũng thế, ông sử dụng đàn môi của nhiều dân tộc trên thế giới, trong đó có đàn môi của người Mông (Việt Nam). Điều đáng nói, GS Trần Quang Hải có những nghiên cứu thử nghiệm rất đặc biệt đối với đàn môi người Mông. Đó là trong lúc môi sử dụng đàn, GS kết hợp điều khiển khẩu hình tương ứng với câu muốn nói, sẽ giúp cho người câm khi sử dụng đàn môi theo cách này, có thể thể hiện những lời mình muốn nói.
- GS Trần Quang Hải, con trưởng GS Trần Văn Khê đang từ Pháp về lo tang lễ cha
- GS Trần Quang Hải hát dân ca 3 miền tại Malaysia
- GS.TS Trần Quang Hải: Hành trình đưa ví, giặm đến di sản thế giới
Tuy nhiên, một điều mà cả Tây lẫn ta phục GS Trần Quang Hải sát đất là ông đã bắt chước được lối hát đồng song thanh của người Mông Cổ. Thông thường giọng hát của 1 người (hoặc 1 nhạc cụ kèn, sáo) chỉ phát ra được 1 bè (đơn thanh). Nhưng hát đồng song thanh là cách hát mà cũng chỉ 1 người hát, nhưng sẽ phát ra 2 bè (đa thanh) cùng một lúc, 2 bè này thường ở hình thức như “phức điệu” của âm nhạc Tây phương.
Thập niên 2000, khi thân sinh của GS Trần Quang Hải là GS Trần Văn Khê còn sống, GS Trần Quang Hải thường về nói chuyện và trình diễn âm nhạc truyền thống cùng cha mình tại tư gia ở đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TP.HCM, một trong những buổi đó ông đã biểu diễn hát đồng song thanh, đàn môi, gõ muỗng.
GS-TS Trần Quang Hải là một nghệ sĩ, một nhà dân tộc nhạc học tài ba, ông đã có nhiều đóng góp giá trị cho nền âm nhạc Việt Nam. Bài viết này như một nén nhang thành kính, chúc hương hồn GS tiêu diêu nơi miền cực lạc…
Đối đáp thơ về biểu diễn gõ muỗng Rất hào hứng với màn biểu diễn của GS Trần Quang Hải trong chương trình Hoa quê hương 37 (nawm2012), nghệ sĩ Phạm Thúy Hoan (CLB Tiếng hát Quê hương) đã khen tặng: Lách cách, leng keng, cặp muỗng khua/ Đôi tay thoăn thoắt tợ thoi đưa/ Nhạc Âu nhạc Á thay nhau chuyển/ Giáo sư Quang Hải... quả là “vua”!. GS Quang Hải đã “đáp lễ” ngay sau đó: Biểu diễn vài màn tiếng muỗng khua/ Khác chi mái chèo chiếc đò đưa/ Á Âu tiết tấu cùng hòa nhịp/ Tiếng hát Quê hương với muỗng “vua”!. (Khánh Vân ghi) |
Hữu Trịnh