Về bến lạ từ thi ca đến hội họa
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 19/3 tới đây, lúc 18h00 tại Hội trường Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ diễn ra tọa đàm Từ thi ca đến hội hoạ song hành cùng triển lãm Về bến lạ của họa sĩ Lê Thiết Cương với những tác phẩm vẽ trên cảm hứng từ thơ của Đặng Đình Hưng.
Buổi toạ đàm có sự tham gia của các diễn giả gồm nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và họa sĩ Lê Thiết Cương.
Cuộc tọa đàm song hành triển lãm chia sẻ với mọi người cái nhìn về những tác phẩm hội họa vẽ trên cảm hứng thi ca.
Mỗi một loại hình nghệ thuật đều có ngôn ngữ riêng của nó. Cho dù với thi ca, hội họa là người hàng xóm nhưng nó vẫn sống độc lập. Nếu giả sử hội họa sống tầm gửi vào thi ca thì nó sẽ chết. Vì thế, tranh không thể minh họa cho thơ được.
Bức tranh vẽ trên cảm hứng từ một bài, một câu thơ nên được coi là văn bản hai của bài thơ đó hoặc một cách hiểu, cách cảm khác về bài thơ đó. Qua bức tranh bài thơ sẽ được dài rộng ra, bài thơ ấy sẽ sống thêm một đời sống khác, một đời sống bằng hình mầu mà chỉ hội họa mới tạo ra được.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và họa sĩ Lê Thiết Cương sẽ luận giải rõ hơn về điều này.
Diễn giả Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là nhà thơ Việt Nam nổi tiếng với hàng loạt tác phẩm như Ngôi nhà tuổi 17 (1990), Sự mất ngủ của lửa (1992), Những người lính của làng (1994), Những người đàn bà gánh nước sông (1995), Cỏ hoang (1990), Mùa hoa cải bên sông (1989), Vòng nguyệt quế cô đơn (1991), Tiếng gọi tình yêu (1992), Cây ánh sáng (2009)… Ngoài lĩnh vực chính thơ ca tạo nên tên tuổi, ông còn là một nhà văn với các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký và tham gia vào lĩnh vực báo chí.
Nguyễn Quang Thiều đã nhận được hơn 20 giải thưởng văn học trong và ngoài nước, trong đó có giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1993.
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha tốt nghiệp tại Đại học Kỹ thuật Thông tin liên lạc (1966 – 1971) và Đại học viết văn Nguyễn Du (1979 -1982), là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam. Những tác phẩm nổi tiếng của ông gồm: Nửa thế kỷ Tân nhạc Việt Nam (1979 – 1982); Những gương mặt âm nhạc thế kỷ (2000); Nguyễn Thiện Đạo – Nhạc sĩ bị giời đày (2003); Huy Du đời và nhạc (2005); Thuở bình minh tân nhạc (2017); Thế kỷ tân nhạc (2017). Bên cạnh sự nghiệp văn chương, ông cũng xây dựng sự nghiệp của một nhạc sĩ thành công với rất nhiều giải thưởng âm nhạc, trong đó có giải Âm vang nhà máy (Giải thưởng cuộc thi sáng tác ca khúc toàn quốc 1985). Ngoài ra, ông được nhận Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì và Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất.
- Triển lãm 'Chuyện ghế': Vẻ đẹp 'tối giản' của Lê Thiết Cương
- Đấu giá từ thiện tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương
Họa sĩ Lê Thiết Cương tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, đã triển lãm tranh ở nhiều nước khác nhau, một số bức tranh của ông nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia Singapore. Là người giám tuyển, ông thường xuyên tổ chức triển lãm phi lợi nhuận tại Gallery 39, Laca Café, Hàng Da Gallery, Trung tâm văn hóa cafe Trung Nguyên và Chuỗi nghệ thuật Davines tại Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA.
Ông còn là một nghệ sĩ đa tài khi tham gia vào những lĩnh vực khác như nhiếp ảnh, làm gốm và viết văn. Ông chuyên viết về văn hóa, nghệ thuật và minh họa cho các báo và tạp chí như Tuổi Trẻ, Lao động, Nhân Dân… Ông cũng đã thiết kế sách cho nhiều nhà văn nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, trong đó có Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Ngọc Hiến… Lê Thiết Cương đã nhận được giải thưởng Good Design Award của Nhật Bản trong hai năm 2003-2004 và 2005-2006.
Thảo Nhi