VCPMC thu được hơn 111 tỷ đồng tiền tác quyền âm nhạc năm 2018
(Thethaovanhoa.vn) - Trong buổi tổng kết cuối năm của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng giám đốc - cho biết năm 2018 vừa qua, VCPMC đã thu được số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc là hơn 100 tỷ đồng. Trong đó, số tiền chi trả tác quyền quốc tế là hơn 2 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2018, VCPMC đã tiến hành phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả số tiền là hơn 56 tỷ đồng. Số tiền còn lại, VCPMC đang khẩn trương nhập liệu cho kỳ phân phối quý IV/2018, chi trả vào cuối tháng 01/2019 (trước Tết nguyên đán), dự kiến số tiền của kỳ phân phối này là 27 tỷ đồng.
- VCPMC khẳng định chưa nhận được thông tin nào từ Tòa án như Sky Music xác nhận
- Tòa án Nhân dân Quận 10 đã thụ lý vụ án, Sky Music yêu cầu VCPMC bồi thường 500 triệu đồng
- VCPMC tuyên bố khởi kiện hình sự với Sky Music: Không chỉ là chuyện của 3,3 tỷ đồng
Tính đến hết tháng 12/2018, tổng số thành viên VCPMC cả nước đã ủy quyền là 3.988 tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả, tăng 239 tác giả so với năm 2017. Hiện tại, VCPMC đã ký hợp tác song phương với 73 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) và nhà xuất bản (Publisher), đảm bảo thực hiện theo pháp luật Việt Nam và Công ước Berne, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của CISAC.
Đối với các hợp đồng chưa đủ điều kiện phân phối (hợp đồng chưa hết hạn hoặc còn chờ đơn vị bổ sung danh mục, hợp đồng đã xuất hóa đơn nhưng đơn vị chưa thanh toán tiền hoặc thanh toán chưa đầy đủ, hợp đồng đã thu đủ tiền nhưng đơn vị chưa kê khai danh sách bài hát sử dụng)… sẽ tiếp tục được đối soát và phân phối vào quý tiếp theo.
Ông Đinh Trung Cẩn cũng chia sẻ rằng, bên cạnh những thuận lợi thì trong năm 2018, VCPMC cũng gặp không ít khó khăn. Ví dụ như, còn nhiều tổ chức, cá nhân chưa có ý thức và nhận thức đầy đủ trong việc thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả, không thực hiện hoặc đối phó, chờ nếu có kiểm tra, xử phạt mới thực hiện, hoặc tìm cách để không phải trả tiền bản quyền. Hay việc một số tác giả vẫn chưa chú trọng đúng mức trong việc bảo vệ cũng như khai thác quyền tài sản đối với các tác phẩm do mình sáng tác.
Đặc biệt nổi cộm nhất là vụ việc giữa VCPMC và Sky Music. Ông Đinh Trung Cẩn cho rằng một số đơn vị như vậy đã trực tiếp gây ảnh hưởng và thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của tác giả. Quấy rối hoạt động của VCPMC cũng như công tác phối hợp thực thi bảo hộ quyền tác giả giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan theo Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg, Đề án 88/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Năm 2018, VCPMC cũng đã gửi cảnh báo và báo cáo vi phạm về quyền tác giả đối với nhiều website, ứng dụng, các đường link vi phạm quyền tác giả và xử lý trên 2.000 trường hợp vi phạm trên các website, ứng dụng.
Minh Thư