Văn trẻ TP HCM - ít gia vị, tươi ròng cuộc sống
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 12/11, tại ĐH KHXH&NV TP HCM diễn ra tọa đàm 'Văn học trẻ TP.HCM - Một cái nhìn'.
- Nhà văn trẻ tranh luận về... Hà Nội
- Nhà văn trẻ TP.HCM hướng đến các hoạt động xã hội hóa
- Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM: Tìm được 'nhà văn trẻ' sau nhiều năm gián đoạn
Nhà văn trẻ là ai?
Câu hỏi được nhà văn Trần Nhã Thụy giải thích: “Tôi không biết khái niệm “Nhà văn trẻ” có từ đâu và từ bao giờ. Có người cho rằng “Nhà văn trẻ” là trẻ về tuổi đời. Cũng có người cho rằng “Nhà văn trẻ” là trẻ về tuổi nghề. Thôi thì cứ đơn giản hóa rằng: “Nhà văn trẻ” là Nhà văn tuổi đời còn trẻ.
Nhà văn trẻ, là một cách gọi tương đối, chứ đã là nhà văn thì không nên phân biệt trẻ/ già; không nên ỷ mình trẻ/ hay cậy mình già. Nhà văn, theo tôi chỉ có hai loại: có tài và… bất tài mà thôi. Nếu định nghĩa văn trẻ là như thế thì nhà văn nào cũng từng là nhà văn trẻ. Tất nhiên, loại trừ những người khởi động viết văn khi tuổi đời không còn trẻ nữa”.
Các nhà văn trẻ TP.HCM trong một lần giao lưu với nhà thơ Nguyễn Duy
Hiểu như vậy thì nhà văn nào cũng từng là… trẻ. Thế nhưng nhà văn trẻ TP HCM là những ai? Nhà văn Trần Nhã Thụy cho rằng: “Theo tôi, văn học trẻ TP HCM có đội ngũ đông đảo, đa dạng về phong cách, đa sắc, đa thanh. Văn học trẻ, nếu nhìn từ thế hệ chúng tôi, có thể không rộn ràng như văn học trẻ Hà Nội, nhưng rất thực chất, hầu hết các cây bút đều có thái độ dấn thân, thậm chí chấp nhận trả giá. Sự dấn thân và cách tân về nghệ thuật viết của các nhà văn trẻ TP.HCM đã được các đồng nghiệp và giới chuyên môn ghi nhận”.
Ở một “cái nhìn khác”, nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn, nhận định: “Văn học trẻ Sài Gòn có một đặc tính dễ nhận diện, đó là chấp nhận mọi sự khác biệt trong sáng tạo. Cả người viết lẫn người đọc đều không kỳ thị lối viết phá cách của người này hoặc lối viết giản dị của người kia. Ngay trên các diễn đàn, người tôn sùng trào lưu hậu hiện đại không chê bai người kiên trì kiểu chân quê Nguyễn Bính.
Do đó, khi đã nhập cuộc vào dòng chảy văn học trẻ Sài Gòn, các cây bút trẻ không vì xao động trước một thứ mốt thời thượng nào mà khước từ sở trường của bản thân. Chính điều này tạo nên một đội ngũ tác giả đô thị có cá tính đa dạng!”.
“Chính bản thân tôi từng nghe các nhà văn, nhà phê bình miền Bắc bảo rằng, họ thích đọc văn của các cây bút trẻ TP HCM hơn. Lý do? Đó là văn chương hiện đại hơn, cách viết tự nhiên hơn, chủ đề đa dạng hơn. Nếu như văn chương trẻ miền Bắc thường đi vào những tình cảnh éo le, những số phận bi thảm, hoặc sôi sục phản biện những vấn đề xã hội; thì văn chương trẻ TP HCM thường là những lát cắt, có khi khô khốc, lạnh lùng; nhưng ẩn sau bên trong là những cái nhìn về hiện trạng xã hội, về tâm lý con người hiện đại đã được mã hóa. Nói một cách ví von, văn chương trẻ TP HCM là những món ăn ít gia vị, tươi ròng mùi vị cuộc sống” - Trần Nhã Thụy dẫn chứng về sự đa dạng này.
Thiếu nhà phê bình
Để văn học trẻ Sài Gòn có nhiều hoạt động sôi nổi hơn, nhà thơ Phùng Hiệu, ủy viên Ban Nhà văn trẻ, kỳ vọng: “Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn TP HCM phải thực sự là nơi kết nối các tác giả trẻ, giống như chỗ hợp lưu của các dòng chảy. Nơi đây, các tác giả trẻ có thể tìm được đầu ra cho tác phẩm bằng cách Ban Nhà văn trẻ thẩm định chất lượng, thậm chí hỗ trợ kinh phí in những cuốn sách đầu tay.
Nhưng hiện nay, các hoạt động của Ban Nhà văn trẻ gần như “xã hội hóa”, tức là “vác bị gậy” đi xin tài trợ nếu muốn tổ chức một hoạt động. Tất nhiên, khi xã hội đã quan tâm tài trợ cho các nhà văn trẻ, thì không lo gì văn chương im vắng”.
Như vậy, văn học trẻ TP HCM có đủ sự đa dạng giọng điệu, trường phái và tiền bạc… vậy văn học trẻ TP HCM đang thiếu gì để định hình một thế hệ?
Nếu phong trào Thơ Mới có Hoài Thanh - Hoài Chân, thì: “Dòng chảy văn học trẻ TP HCM được bồi đắp bởi nhiều thế hệ khác nhau về hoàn cảnh sống nhưng có chung khát vọng theo đuổi sáng tạo. Cái thiếu hụt duy nhất của văn học trẻ nơi đây là thiếu lực lượng phê bình, có thể đồng hành, tương tác và kích hoạt những tín hiệu thẩm mỹ mới cũng như góp phần định danh những giá trị đích thực” - nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn, phân tích.
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa