Văn học trẻ hôm nay: Chưa bao giờ 'thưa mỏng, vắng thiếu'
Văn học trẻ là bộ phận quan trọng của đời sống văn học Việt Nam đương đại. Nó phản ánh phần nào tiếng nói thế hệ người viết mới trong bối cảnh sống đầy biến động hiện nay.
Mang tới những hình dung bước đầu về chiều hướng vận động và phát triển, cũng như góp thêm những ý kiến về cách thức hỗ trợ văn học trẻ, vừa qua, Khoa Viết văn, Báo chí (Đại học Văn hóa Hà Nội) phối hợp với CLB Văn học trẻ (Hội Nhà văn Hà Nội) tổ chức Hội thảo khoa học Văn học trẻ hôm nay: Mạch riêng và nguồn chung.
“Nhiều màu lắm vẻ”
TS Mai Anh Tuấn, Đại học Văn hóa Hà Nội, cho rằng lâu nay khi nhắc đến văn học trẻ thường có hai trạng thái. Một là, luôn luôn cổ vũ, xiển dương, phát hiện, đề cao những tác giả trẻ với những tìm tòi, đổi mới. Hai là, đôi khi có những hoài nghi, băn khoăn, thậm chí có những cái “lắc đầu” về thực trạng của văn học trẻ.
Đồng quan điểm, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa cho biết: “nhiều người đã tỏ ra bi quan khi thi thoảng lại đưa ra cảm thán, rằng văn chương đang lâm nguy, rằng người trẻ ngày càng thực dụng, chẳng còn mấy ai đoái màng văn chương”.
Tuy nhiên, ông Khoa cho rằng: “sự thực, đội ngũ người trẻ viết văn chưa bao giờ là thưa mỏng, vắng thiếu. Bằng chứng là, trước mỗi kỳ Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc, ban tổ chức phải rất vất vả trong việc chốt danh sách đại biểu trẻ được mời. Không phải do danh sách quá thiếu so với số lượng dự trù, mà ngược lại, những gương mặt sáng giá trên mọi miền đất nước được đề cử qua nhiều kênh khác nhau là quá đông”. Gần nhất, tại Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10, người trẻ (sinh năm 1986 trở lại đây) xứng đáng được mời có nhiều, trong khi số lượng đại biểu trẻ chính thức chỉ giới hạn trong khoảng 140 người.
Thêm nữa, theo nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa, nhìn vào không gian văn trẻ hiện nay “cho thấy tính chất nhiều màu lắm vẻ, mức độ bao sân chiếm sóng của người trẻ: ngôn ngữ từ tiếng Việt đến tiếng Anh; loại hình từ phi hư cấu đến hư cấu; thể loại từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến tản văn, từ thơ đến trường ca, từ phê bình chân dung đến phê bình hàn lâm, từ dịch xuôi đến dịch ngược; bút pháp từ truyền thống đến hiện đại; đề tài từ lịch sử đến hiện thời, từ người lao động đến lực lượng vũ trang, từ nông thôn đến đô thị, từ đồng bằng đến miền núi, từ hiện thực đến ngoài hiện thực”.
Ở khía cạnh thành tựu, về mặt chất lượng, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm cho rằng: “tầm vóc của văn học trẻ vẫn dường như khá khiêm tốn so với di sản văn chương của cha anh”. Những tác giả, tác phẩm đã làm nên giá trị của di sản văn chương sẽ còn được nhắc lại nhiều trong đời sống văn chương, học thuật nước nhà. Nhưng, khó có thể điểm ra những tên tuổi nhà văn trẻ đủ sức thuyết phục người đọc về giá trị, tầm vóc, cũng như khả năng hiện diện một cách ấn tượng, bền bỉ trong lòng công chúng đương đại.
Trong khi đó, TS Hà Thanh Vân cho rằng không nên quá khắt khe khi đánh giá những tác giả trẻ hiện nay. “Nhà văn trẻ cầm bút điều quan trọng là không bao giờ so sánh mình với ai cả. Bởi mỗi thế hệ nhà văn trẻ không những có tính cách, cá tính, cuộc sống và cách viết viết riêng, mà hoàn cảnh lịch sử xã hội đã thay đổi”. Có chắc những tên tuổi như Huy Cận, Xuân Diệu khi mới xuất hiện đã được người đương thời đánh giá cao? Sự đánh giá ở đây đã có độ lùi về thời gian và là sự đánh giá của thế hệ sau.
Cần cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể
Thời gian gần đây, có thể thấy rõ, văn học trẻ ngày càng được quan tâm từ nhiều phía. Từ những điều kiện về xuất bản, thị trường sách, sự phát triển của mạng xã hội, các hoạt động phong trào và chuyên môn của hội nghề nghiệp về văn học, các chính sách, cơ chế mà ngành chủ quản trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật gây dựng, triển khai và duy trì… đã tạo ra những thuận lợi cho văn học trẻ có sự định hình và phát triển bước đầu.
Cụ thể, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cho biết: “Trong những năm qua, hoạt động xuất bản và thị trường sách phát triển mạnh mẽ, phong phú. Các hoạt động hội chợ sách, xu thế phát triển văn hóa đọc, tăng cường trang thiết bị ấn phẩm sách phục vụ cho công chúng, trang bị cho các địa phương, đơn vị, trường học… đang tạo những điều kiện tốt cho sự xuất hiện của các tác giả văn học, trong đó có nhiều tác giả trẻ”.
Sự phát triển đa dạng của các dịch vụ xuất bản giúp mở ra nhiều hình thức liên kết xuất bản, nhiều tác giả trẻ đã tham gia vào đó như những mắt xích để xuất hiện, đưa ra giới nghề, thị trường các tác phẩm của mình. Có những công ty tích cực hợp tác với nhiều tác giả trẻ như Sbooks, Tao Đàn, Nhã Nam, Sống… giúp đưa tác phẩm của nhiều gương mặt ra thị trường. Những cách làm này giúp cho tác phẩm của nhiều cây bút trẻ được xuất bản nhanh chóng.
- Văn học trẻ & nguy cơ 'ngôn tình hóa' (Bài 1): Người đọc dễ dãi có thể làm hư người viết
- Văn học trẻ, văn học với công chúng và quảng bá văn học ra nước ngoài
Trong khi đó, hoạt động phong trào và chuyên môn của hội nghề nghiệp về văn học cũng dần hướng sự quan tâm nhiều hơn đến những người cầm bút trẻ. Hội Nhà văn Việt Nam trong nhiều năm đã tổ chức những chuyến đi thực tế, trại sáng tác đến nhiều địa phương dành riêng cho những cây bút trẻ; tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực cho các cây viết trẻ như Sân thơ trẻ trong Ngày thơ Việt Nam, giải thưởng Tác giả trẻ, Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc…
Đối với hội nghề nghiệp về văn học nghệ thuật của các tỉnh, thành phố cũng có nhiều hình thức quan tâm, hỗ trợ đáng chú ý đối với người viết trẻ trên địa bàn địa phương như Hội Nhà văn Hà Nội với việc thành lập CLB Văn học trẻ, Hội Nhà văn TP.HCM duy trì giải thưởng hàng năm cho các tác giả trẻ… Hay các hoạt động sinh hoạt trại sáng tác, tọa đàm, hội thảo hướng về tác phẩm, tác giả trẻ của một số hội văn học nghệ thuật địa phương nổi bật như tại Đắk Lắk, An Giang, Thái Nguyên…
Tuy nhiên, cũng theo nhà thơ Nguyễn Quang Hưng: “sự quan tâm, hỗ trợ đối với các tác giả trẻ thời gian qua thường mang tính sự vụ, nhỏ lẻ, xuất hiện đây đó, mà chưa thành phong trào, chưa được lan rộng, đặc biệt chưa được nâng lên tầm chính sách, cơ chế”.
Người viết trẻ “tự sự về quá khứ” PGS-TS Thái Phan Vàng Anh, Đại học Sư phạm Huế, cho rằng: “Văn học trẻ hôm nay không mới về đề tài. Các nhà văn trẻ có thiên hướng chọn những cái đã qua, chọn quá khứ, chọn lịch sử để nghĩ tiếp và nghĩ mới”. Nhiều tác giả đã tự mình làm một cuộc chơi mới bằng văn chương trên nền truyền thống. Bằng những lối viết lạ, những con người trẻ tuổi ấy đã tạo nên những chuyển động mới cho văn học Việt Nam đương đại. Có thể thấy rõ điều này qua những tác phẩm viết về lịch sử, về chiến tranh của Nguyễn Thị Kim Hòa, Nguyễn Hữu Nam, Huỳnh Trọng Khang, Lê Khải Việt, Đinh Phương… |
Công Bắc