loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày kỷ niệm 66 năm Hiệp định Geneve (21/7/1954-21/7/2020) vừa qua, tôi bỗng nhớ tới Vũ Bằng. Trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, nhà văn Vũ Bằng là một tha nhân đặc biệt.
Một triển lãm tác phẩm Vũ Bằng (3/6/1913 - 7/4/1984) kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn tài hoa này vừa ra mắt tại Nhã Nam thư quán (TP.HCM) với gần 40 đầu tài liệu gồm sách, báo, thủ bút bản thảo của ông.
Trong trí nhớ ấu thơ lờ mờ của tôi, ông là một người to béo, mắt nhỏ, nước da ngăm đen. Vũ Bằng là người như thế.
Độ ấy, Hải Phòng là vùng 300 ngày. Các bạn của bố tôi lần lượt từ Hà Nội xuống Hải Phòng để di cư vào Nam. Trong nhiều bữa sáng tiễn đưa bạn bè, đôi khi, bố cho tôi “bám” theo tới nhà hàng Tân Tân ăn bánh mì bít-tết. Tôi nhớ bữa bố mời bác Vũ Bằng ăn sáng, còn có một anh đi theo. Sau này, tôi hỏi anh Vũ Hoàng Tuấn - con trai Vũ Bằng - rằng người ấy có phải là anh không. Anh Tuấn gật đầu. Vừa ăn, bố vừa nói với tôi: “Bác Bằng bạn bác Vỹ ở Hà Nội với bố ngày xưa”.
Theo lời bố kể, khi bố dạy học ở trường Thanh Niên phố Khâm Thiên, mấy người bạn văn chương thân với bố là Lê Văn Trương, Lê Tràng Kiều, Trương Tửu và Nguyễn Vỹ. Cuộc đời cũng thật khéo bày đặt, tôi đâu có ngờ sau cái ngày bánh mì bít-tết ấy một phần tư thế kỷ, tôi lại về ngụ cư ở Hà Nội, trở thành công dân phường Hàng Gai của ông, trở thành nhà văn và nhà báo theo gót ông và viết chân dung về ông trên báo Lao động vào mùa Thu 1991 mang tên Vũ Bằng - một giai điệu sầu xứ!
Vũ Bằng sinh năm 1913 - bằng tuổi mẹ tôi - ở Hàng Gai, nhưng trước khi vào Nam thì ở 11 Hàng Da, cũng quanh nhà 60 Hàng Bông của tôi cả. Cậu học sinh trường Hàng Vôi (đồng môn với Vũ Trọng Phụng, Vũ Đình Liên…) rồi đến trường Albert Sarraut đã đến với nghề báo quá sớm. Chính ở cái trường định “Tây hóa” người Việt này, Vũ Bằng cùng bạn bè đã làm ra tờ viết tay mang tên Hồn nước Nam mà Vũ Bằng phụ trách mục “Linh tinh beng”. Rồi sau khi cộng tác với vài tờ như Hữu Thanh, Đông Tây… Vũ Bằng thành thư ký tòa soạn tờ Rạng Đông.
Rạng Đông chết thì sang Bắc Kỳ thể thao. Bắc Kỳ thể thao chết thì lại Nhật Tân, rồi Trung Bắc Tân văn. Tất cả đều loanh quanh phố cổ. Khi thì là Nhà Thờ. Khi thì là Hàng Đào. Khi thì là Phủ Doãn. Rồi lại quành về giữa Hàng Bông.
Bước vào trường kỳ kháng chiến, ông còn làm báo xôm trò. Nào là viết cho “vui sống”, thích tờ “kháng chiến”. Vừa viết kịch “bom ba càng”, vừa thành nhân vật Hoàng với câu chửi đổng: “Tiên sư thằng Tào Tháo” nổi tiếng trong truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao. Đấy là những ngày “cực khổ nhưng cũng thật là vui lạ”, “những ngày ăn cơm với cà chua, rau cải…”. Rồi đến tờ Chống giặc, Bạn trẻ. Ở Hải Phòng 8 tháng chờ di cư, ông đã làm tờ Lửa sống in tới vạn bản.
Nhưng ở trong nhà báo Vũ Bằng còn có một nhà văn Vũ Bằng. Ông thành công trong nghề văn khá sớm. Tùy bút châm biếm Lọ văn của ông được ấn hành năm ông 16 tuổi. Sau đó là tiểu thuyết Một mình trong đêm tối. Vừa gắng tìm ra giọng điệu riêng cho mình với tư cách là một nhà báo văn nghệ, ông đã đưa ra hàng loạt những tác giả mới từ bàn biên tập của mình. Sau hết là sự ảnh hưởng văn tài của ông với các tác giả trẻ như Nam Cao, Tô Hoài…
Công bằng và nghiêm khắc, vừa cố gắng giới thiệu những tài năng mới, Vũ Bằng vừa làm “nguội đi” những “ảo vọng” không “thực tài” khác. Ông đã từng biên tập văn xuôi của Văn Cao. Ông từng kể: “Tôi đã từng chọn thơ Văn Cao in trong Tiểu thuyết thứ Bảy, nhưng thơ Văn Cao không ai nói tới lúc bấy giờ. Ngoài ra, Văn Cao cũng có một vài truyện ngắn và kịch ngắn nữa nhưng cũng như thơ, cách kết cấu và lối diễn đạt cũng như thuật trình bày ý tưởng không có gì đặc biệt”. Nhận xét của ông và nhất là khi đọc Nam Cao, Văn Cao mới dứt khoát từ bỏ văn xuôi và kịch để rồi trở thành nhạc sĩ, thi sĩ và họa sĩ.
***
Nhưng có điều không văn nghệ sĩ nào ngờ chính khi Vũ Bằng được Nam Cao với cách nhìn của mình đã biến ông thành nhân vật Hoàng trong truyện ngắn Đôi mắt, một con người không mấy thiết tha với kháng chiến, thì lại là lúc ông nhận nhiệm vụ đặc biệt làm tình báo cho ta ở cấp chiến lược. Bởi thế, ông đã cùng gia đình “dinh tê” về Hà Nội 1952 rồi lại từ Hà Nội di cư vào Nam. Đầu 1954, Tô Hoài đã từng viết thư cho Vũ Bằng nhờ cơ sở đưa tới nơi.
Bây giờ, khi chúng ta đã biết rõ về một chiến sĩ tình báo Vũ Bằng, nghĩ lại mà lòng không khỏi ngạc nhiên vì sao Vũ Bằng có thể giỏi giang tạo được một “vỏ bọc” khá kín đáo cho mình suốt bao nhiêu năm âm thầm hoạt động. Nghĩ thế, mới thấy cái sự “tương kế tựu kế” trong cái giọng báo Vũ Bằng thật đáng kính nể! Có phải cứ “dinh tê” là phải nịnh Tây, hót Mỹ? Có khi “lộ bem” ngay. Cứ đóng vai một ông nhà báo “gàn bát sách” giữa đường là “an toàn” cao nhất.
Nhưng bây giờ, khi ta đã rõ và kính trọng ông nhất mực, mới thấy một vệt dài thời gian ông lắng đọng để ra Miếng ngon Hà Nội (từ 1952 đến 1960), Thương nhớ mười hai (từ 1960 đến 1971) và giữa đó là Bốn mươi năm nói láo (từ 1967 đến 1969) là thấy hằn lên cái nét ẩn chìm của một người yêu nước khác thường.
Giai điệu sầu xứ - giai điệu ấn tượng trong văn xuôi Vũ Bằng có gì tương tự như Bốn mùa và Lịch thiên nhiên của M. Prishvin - nhà văn Nga. Đọc Vũ Bằng còn có cảm giác như nghe Bốn mùa của Vivaldi, Tchaikovsky. Và đâu đó thấy lai láng một khúc chèo thuyền của Tháng sáu nóng nôi kỳ lạ.
Nỗi nhớ về Hà Nội, về miền Bắc là nguồn năng lượng chủ yếu, là tâm tư nghẹn ngào chân thực chảy ra chầm chậm trong suốt nhiều năm tha phương, lưu lạc như nàng Kiều, dưới một ngòi bút tài hoa, cô đơn. Nhớ về miền Bắc là nhớ về một phong tục, một thiên nhiên, một nhân bản vẹn nguyên ở giữa một khung cảnh Sài Gòn sôi sục tốc độvà máy móc của hiện tại.
Vũ Bằng không hề chơi văn, ông xót xa, chia sẻ rung cảm của mình với người đọc trong từng chữ, từng giai điệu. Hãy nghe Vũ Bằng kêu lên trong văn xuôi của mình. “Ới ơ người em gái xõa tóc bên cửa sổ! Em yêu mùa Xuân có phải vì nghe thấy rạo rực nhựa sống trong cành mai, gốc đào, chồi mận ở ngoài vườn…”.
Thật hạnh phúc cho bà Quỳ - người đàn bà được nhà văn gọi đến tên và dành tặng một cặp tác phẩm, người đã cho nhà văn “thưởng thức những miếng ngon đất Bắc” và giọng đọc “Tam Quốc” thu hút đến suốt đời vẫn nhớ. Hơn thế nữa, cùng các con chịu đựng sự xa cách suốt bao nhiêu năm ròng, cùng sự kỳ thị của xã hội mà tất cả các thân nhân của những người tình báo đều phải chịu như thế, để đảm bảo bí mật tuyệt đối cho công việc của họ cũng như sự an toàn trong “vỏ bọc”. Một sự dâng hiến vô giá để lại cho đời những tương lai sáng sủa, khi mình cứ chìm dần vào bóng tối của sự quên lãng.
Thời kỳ đổi mới, mở cửa mới trả lại công bằng cho nhiều nhà văn trong đó có Vũ Bằng khi Miếng ngon Hà Nội và Thương nhớ mười hai được in lại. Lúc ấy, nhiều người mới có dịp thưởng thức một văn tài, một tha nhân đặc biệt đã vì nghĩa lớn mà ôm nỗi buồn sầu xứ bên sông Sài Gòn suốt bao nhiêu năm trường.
Không chỉ thế, ông còn phải đấu trí từng khoảnh khắc để vừa cống hiến cho dân tộc, lại vừa giữ mình nguyên vẹn.Người là như thế, tha nhân vì sự nghiệp dân tộc là như thế, nhưng bi kịch cuộc đời vẫn là không tránh khỏi. Do hoạt động đơn tuyến, bị đứt liên lạc vì có thể người liên lạc trực tiếp bị hy sinh, sau ngày thống nhất, Vũ Bằng không có ai để chứng minh mình đã từng hoạt động. Đến khi có xác nhận năm 1976 do chính quyền quan liêu đã bỏ quên ông. Gặp Tô Hoài, khi Tô Hoài hỏi sao không ra Hà Nội. Ông hỏi lại rằng sẽ ra bằng tư cách gì?
Đến đầu những năm 1990, khi những tài liệu về hoạt động bí mật của nhà văn Vũ Bằng được công bố, tên tuổi và sự nghiệp của ông mới được gột rửa, mặc dù khá muộn màng. Ông mất năm 1984 và được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Giai điệu sầu xứ - giai điệu ấn tượng trong văn xuôi Vũ Bằng có gì tương tự như Bốn mùa và Lịch thiên nhiên của M. Prishvin - nhà văn Nga. Đọc Vũ Bằng còn có cảm giác như nghe Bốn mùa của Vivaldi, Tchaikovsky. Và đâu đó thấy lai láng một khúc chèo thuyền của Tháng sáu nóng nôi kỳ lạ.
|
Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha
loading...