A+ A A- Kiểu đọc sách

Vẫn còn đây, một Trịnh Công Sơn!

08:00 01/04/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Dịch Covid-19 ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp. Ngồi nhà viết mà chẳng hiểu sao tôi lại nhớ nhiều về Trịnh Công Sơn. Nhớ ngày 1/4/2001. Ngày ấy là ngày “nói dối thế giới” mà ta hay gọi là ngày “cá tháng Tư”. Nhưng riêng năm 2001, bên cạnh bao tin đùa cợt theo ngày này, có một tin thật mà không ai có thể chối bỏ, đó là tin Trịnh Công Sơn từ trần.

Đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Em còn nhớ hay em đã quên” kỷ niệm 18 năm ngày người nhạc sĩ qua đời, vào ngày 31/3/2019 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

1. Bây giờ, dịch Covid-19 đang hạn chế đi lại (chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết), nhưng ngày 1/4/2001, có một dòng người đổ về căn nhà 47C Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM (nơi Trịnh Công Sơn trút hơi thở cuối cùng).

Nhớ hôm 22/2/2020 tại Quán Ngon 70 Nguyễn Du, Hà Nội đã có cuộc ra mắt tập ảnh chân dung của nhiếp ảnh gia Hà Tường do “họa sĩ tối giản” Lê Thiết Cương đầu tư và thực hiện. Ông Hà Tường năm nay đã 80 tuổi. Ông là nhiếp ảnh gia thứ hai sau ông Trần Văn Lưu chụp ảnh nghệ sĩ Việt Nam. Sau ông, chắc là nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán.

Tập ảnh mang tên Những người muôn năm cũ nhưng bìa tập ảnh là bức ảnh chụp tại căn gác nhà tôi ở 60 Hàng Bông, Hà Nội. Đấy là bức ảnh chụp một cuộc gặp gỡ giữa văn nghệ sĩ ở Hà Nội với Trịnh Công Sơn. Ngày đó, Trịnh Công Sơn được mời ra dự Đại hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ III. Sau đại hội, ông ở lại lãng du cùng bạn bè. Căn gác nhà tôi được chọn làm nơi hội ngộ một đêm của Trịnh Công Sơn. Hôm ấy, tôi nhớ có vợ chồng Văn Cao, nhà thơ Thu Bồn, nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng (tác giả Lời chào đi trước phổ thơ Nguyễn Hoàng Sơn - viết cho thiếu nhi rất nổi tiếng) và nhà phê bình văn học Ngô Thảo (láng giềng của tôi).

Chú thích ảnh
Diễn viên điện ảnh Phương Thanh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm 1983. Ảnh: Hà Tường

Lát sau thì nhạc sĩ Hồng Đăng cùng diễn viên Phương Thanh và Trịnh Công Sơn nhập cuộc. Mọi người vui vẻ cạn chén. Nhiếp ảnh gia Hà Tường ở Tô Tịch cũng vừa sang. Lại cạn chén. Trịnh Công Sơn được ngồi cạnh Phương Thanh. Cô là diễn viên chính trong phim Tội lỗi cuối cùng với vai Hiền Cá Sấu và âm nhạc phim của Trịnh Công Sơn.

Rượu ngà say, Trịnh Công Sơn ôm cây đàn guitar của tôi bắt đầu cất giọng ca khúc Đời gọi em biết bao lần ông viết cho bộ phim này: “Đi về đâu hỡi em/ Khi trong lòng không chút nắng/ Giấc mơ đời xa vắng/ Bước chân không chờ ai đón …”. Ông Sơn càng hát càng nồng, Hà Tường bắt đầu xua tay ngọ nguậy máy. Căn gác chật, biết thế, tôi nháy Ngô Thảo luồn ra sau tốp đang ngồi. Đứng chưa vững đã nghe tách. Vậy là bức ảnh kỷ niệm đã ăn hình. Tôi nhớ hình như lúc đó, Trịnh Công Sơn đang hát đoạn cao trào: “Đời gọi em về giữa yêu thương/ Để trả em ngày tháng êm đềm/ Trả lại nắng trong tim/ Trả lại thoáng hương thơm…”. Sau đó, Hà Tường còn chụp riêng Trịnh Công Sơn với Phương Thanh.

Trước khi quây quần ở căn gác này, Hà Tường cũng đã chụp một bức có vợ chồng Văn Cao, nhạc sĩ Hồng Đăng và tôi đứng cụng ly với Trịnh Công Sơn ở khách sạn Đồng Lợi (ngã ba Lê Duẩn - Lý Thường Kiệt phía Nam Ngư).

Còn một chiều, họa sĩ Trịnh Tú lại đưa Trịnh Công Sơn lên căn gác nhà tôi. Trước khi uống rượu, Trịnh Công Sơn ra ngoài sân đứng nhìn những mái phố cổ Hà Nội nhấp nhô như sóng. Giây phút ấy đã đi vào ca từ Mái ngói thâm nâu trong ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội.

Rồi lại những lúc uống rượu cùng Thái Bá Vân, Lê Dưỡng Hạo (nhà nghiên cứu mỹ thuật hát Trịnh Công Sơn cực hay) v.v… Để rồi dìu dặt thêm một Đoản khúc Thu Hà Nội: “Bởi vì mùa Thu tôi ở lại/ Hà Nội mùa Thu/ Hà Nội Thu/ Hà Nội mùa Thu tràn nỗi nhớ”.

Chú thích ảnh
Từ trái sang phải: Nhạc sĩ Hồng Đăng, diễn viên Phương Thanh, nhà phê bình Ngô Thảo, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha (tác giả bài viết), vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Thu Bồn và nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng. Ảnh: Hà Tường, 1983

2. Có lẽ bắt đầu từ mùa Thu Hà Nội 1983, tôi và Trịnh Công Sơn đã thường song hành lãng du và đối tửu lúc Hà Nội, lúc TP.HCM. Còn nhớ nguyên mùa Thu 1984, khi tôi và Nguyễn Trọng Tạo ập đến căn nhà 47C Phạm Ngọc Thạch như cơn gió hoang. Ngay lập tức, Trịnh Xuân Tịnh (em ruột Trịnh Công Sơn) đặt lên bàn một chai rượu. Vừa cụng ly, vừa nghe Trịnh Công Sơn hát Nhớ mùa Thu Hà Nội Huyền thoại mẹ. Tôi nói: “Chắc công chúng sẽ đón nhận Huyền thoại mẹ trước. Còn Nhớ mùa Thu Hà Nội thì sẽ chậm hơn, nhưng sẽ ở lại lâu hơn”.

Quả nhiên là như vậy. Nhớ mùa Thu Hà Nội không những ở hẳn trong lòng người Hà Nội mà còn là cảm hứng để các nhà chức trách đặt tên đường Trịnh Công Sơn - một con đường song song với công viên nước vùng Nhật Tân.

Rồi mùa Hè 1985, sau khi đi dự “Tuần lễ văn hóa Liên Xô - Việt Nam” trở về Hà Nội hát Ngọn lửa vĩnh cửu. Rồi Gala 1987 tại Sài Gòn say “quắc cần câu” ôm đàn hát Em là hoa hồng nhỏ. Rồi… và rồi… biết bao kỷ niệm cứ trào lên như sóng. Đấy là khi ở nhà Văn Cao 1990 để cùng nhau bước vào một cuốn phim. Đấy là cuối 1994 ở quán “Hoa ban” của Nguyễn Huy Thiệp trong cuộc họp báo chương trình ca nhạc Văn Cao - Trịnh Công Sơn - Phú Quang. Đấy là mùa Thu 1997 khi Trịnh Công Sơn mắc bạo bệnh nằm ở bệnh viện giữa đêm “Một thập kỷ tình khúc” ở TP.HCM. Không thể ngờ chính lúc Hồng Nhung hát Sóng về đâu trên sân khấu thì cũng là lúc Trịnh Công Sơn tỉnh lại. Đấy là mùa Thu 1998 trong dịp kỷ niệm 100 năm thành phố Quy Nhơn. Ngày ấy, bên bờ biển, Trịnh Công Sơn từng viết Biển nhớ, thì ông lại hát Tiến thoái lưỡng nan - một tâm sự sau cơn bạo bệnh: “Tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận/ Ngày xưa lận đận không biết về đâu…”.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Hồng Đăng, nhạc sĩ Văn Cao và nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và bà Thúy Băng (vợ ông Văn Cao). Ảnh: Hà Tường, 1983

Cứ thế, thời gian trôi dần, trôi dần qua kỷ niệm. Rất may mùa Xuân năm 2000, khi Phạm Duy về nước. Tuy không còn được gặp Văn Cao nhưng ông vẫn còn được gặp Hoàng Cầm ở Hà Nội và Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn. Trước ngày 1/4/2001 chừng một tuần, tôi gọi máy nói chuyện với Trịnh Công Sơn về việc đưa ballad Đóa hoa vô thường vào cuốn sách của tôi viết về thể loại này. Trịnh Công Sơn còn hát cho tôi nghe: “Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai/ Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi/ Nụ cười mong manh một hồn yếu đuối…”. Giọng ông đã yếu như câu hát rồi. Và thế là ngày 1/4/2001 năm ấy…

Mãi đến mùa Thu 2001, tôi và Nguyễn Trọng Tạo mới đến nghĩa trang Gò Dưa thắp hương trước mộ ông. Nhìn bức tượng ông đứng trong không gian, tôi nghĩ người như Trịnh Công Sơn, cũng như Văn Cao sẽ còn mãi. Họ còn mãi bởi họ luôn sống bằng niềm hy vọng. Những lúc yếu lòng, tôi thường nhẩm hát Tôi ơi đừng tuyệt vọng của Trịnh Công Sơn: “Đừng tuyệt vọng! Tôi ơi đừng tuyệt vọng/ Gió mùa Thu rơi rụng giữa mùa Đông/ Đừng tuyệt vọng! Em ơi đừng tuyệt vọng/ Em là tôi và tôi cũng là em…”.

Thấm thoát, thời gian đã trôi qua 19 năm. Ngẫm lại, từ ngày “cá tháng Tư” ấy đến nay, sau sự ra đi của Trịnh Công Sơn, tôi đã chứng kiến thêm biết bao cuộc rời xa dương thế của bao bạn bè. Buồn đến không thể buồn hơn. Buồn nhưng luôn thấy họ hiện diện trong tâm trí, trong cả giấc mơ. Riêng với Trịnh Công Sơn, mỗi lần vào Sài Gòn, nhớ ông, tôi thường hoặc đến quán “Ba miền” của Trịnh Xuân Tịnh ở đường Trần Quốc Thảo, hoặc đến “Quán Trịnh” ở 47C đường Phạm Ngọc Thạch - nhà ông. Và điều an ủi nhất là khi trở về Hà Nội, sau khi rời khỏi cầu Nhật Tân, xe hơi thường đưa tôi dọc đường Âu Cơ, để rồi chợt ngẩng lên khi thấy bên phải hiện hữu tấm biển “Đường Trịnh Công Sơn”. Gần gũi biết bao. Như vẫn còn nguyên, còn tất cả những gì đã xa xăm…

Khoảnh khắc của bức hình kỷ niệm

Rượu ngà say, Trịnh Công Sơn ôm cây đàn guitar của tôi bắt đầu cất giọng ca khúc Đời gọi em biết bao lần ông viết cho bộ phim này: “Đi về đâu hỡi em/ Khi trong lòng không chút nắng/ Giấc mơ đời xa vắng/ Bước chân không chờ ai đón …”. Ông Sơn càng hát càng nồng, Hà Tường bắt đầu xua tay ngọ nguậy máy. Căn gác chật, biết thế, tôi nháy Ngô Thảo luồn ra sau tốp đang ngồi. Đứng chưa vững đã nghe tách. Vậy là bức ảnh kỷ niệm đã ăn hình.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...