Tủ sách… hoàn lương
(Thethaovanhoa.vn) - Thư viện cho phạm nhân - một chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước ta đã, đang góp phần hướng thiện cho những phận đời lầm lỡ. Ở Trại giam Gia Trung (Bộ Công an), thư viện không chỉ là nơi giải trí của phạm nhân sau giờ lao động, cải tạo, trang sách còn góp phần cảm hóa, hoàn lương giúp họ quyết tâm thay đổi cuộc sống sau khi trở về với cộng đồng.
Sáng chủ nhật, những cơn mưa tầm tã do ảnh hưởng của bão số 9 càng làm tăng thêm sự tĩnh lặng trong không gian của Thư viện Phân trại số 3. Trong căn phòng chừng 20 m2 đang có 10 phạm nhân chăm chú đọc sách. Dọc bức tường đã cũ, từng đầu sách được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, phân theo từng thể loại như: niềm tin hướng thiện, kỹ năng sống, lịch sử, kỹ thuật trồng trọt, truyện cười, ca dao… Theo Trung tá Phạm Tiến Thịnh, năm phân trại ở Trại giam Gia Trung đều có thư viện cho phạm nhân. Mỗi thư viện được bố trí khoảng 500 đầu sách. Sách trong thư viện chủ yếu từ nguồn của Bộ Công an cung cấp, một số do người nhà phạm nhân đem đến ủng hộ. Đơn vị cũng phối hợp với Thư viện tỉnh định kỳ luân chuyển sách mới để kịp thời bổ sung cho các thư viện trong trại giam.
Mang án chung thân, những ngày đầu nhập trại, Lê Viết Hùng (31 tuổi, phân trại số 3) là phạm nhân cá biệt, luôn vi phạm các nội quy trong trại giam. Thế nhưng, từ ngày tiếp xúc với những trang sách, tâm tính của Lê Viết Hùng thay đổi hẳn. Thế là, khoảng hơn 3 năm qua, thư viện là điểm đến quen thuộc, sách trở thành bạn tri kỉ của phạm nhân Hùng. "Tôi chịu án tù chung thân. Trong trại ngoài giờ lao động, cải tạo tôi tìm đến sách để bầu bạn. Tôi thường đọc các bộ sách "Hồi sinh trong tuyệt vọng", "Một thời lầm lỡ"… do Bộ Công an phát hành, sách "Hạt giống tâm hồn" cũng như các loại sách về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây cối"- phạm nhân Hùng cho biết.
Từ câu chuyện làm lại cuộc đời của những phạm nhân khác trong mỗi trang sách, Hùng nhìn lại mình, lấy đó làm mục tiêu để phấn đấu. "Nhờ đọc sách, tôi biết được có những người cũng từng phạm tội nặng nhưng sau khi ra tù vẫn quyết tâm xây dựng lại cuộc đời, góp sức xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi cũng tích cực đọc thêm các sách trồng trọt, chăn nuôi để sau này khi được ra tù sẽ có kiến thức để áp dụng vào cuộc sống"- Hùng tâm sự.
Cũng từ niềm yêu thích đọc sách nên Hùng được cán bộ phân trại phân công nhiệm vụ trông coi, quản lý việc mượn, trả sách của phạm nhân. Trung bình mỗi ngày có khoảng 20 lượt phạm nhân đến mượn sách. Hùng còn bọc lại bìa, đóng gáy cho những cuốn sách bị hỏng. Mỗi lượt luân phiên sách, Hùng lại chủ động chọn các cuốn sách mới, giới thiệu nội dung qua loa phát thanh của phân trại để các phạm nhân khác cùng biết, tìm đọc. Nhờ đó, tinh thần đọc sách trong phân trại ngày càng được lan tỏa.
Từ ngày chấp hành án phạt tù tại Phân trại số 3, phạm nhân Võ Quang Tường (25 tuổi) thường xuyên đến thư viện để đọc sách. Trước đây, Tường rất ít khi đọc sách. Khi vào trại, được cán bộ giáo dục phân trại giới thiệu, Tường đến thư viện hàng ngày. Qua từng trang sách, Tường lại học được nhiều hơn từ kiến thức cho đến cách ứng xử, giao tiếp.
- Trao tặng Thư viện xanh và Tủ sách Đinh Hữu Dư cho học sinh vùng khó khăn ở Nghệ An
- 'Tủ sách kết nối tại các chung cư' được vinh danh tại Thành phố Hồ Chí Minh
Tường bày tỏ: "Mỗi ngày, tôi lại đến thư viện mượn sách về phòng đọc. Khi đọc sách, tôi thấy tinh thần rất thoải mái, nhẹ nhàng lại học được thêm rất nhiều điều hay, bổ ích".
Qua theo dõi của các cán bộ trong trai giam, thư viện sách đã góp phần "cải tạo tâm hồn" các phạm nhân. Nhiều phạm nhân khi tiếp cận với các trang sách, tâm tính được xoa dịu, chấp hành án rất tốt. Thượng tá Đào Ngọc Sỹ, Phó Giám thị Trại giam Gia Trung cho biết: Các trang sách đã góp phần không nhỏ trong quá trình cải tạo, giáo dục phạm nhân. Bằng việc đọc sách, họ đã hiểu được nhiều vấn đề trước đó chưa nhận thức được, đặc biệt là trong giao tiếp, ứng xử giữa phạm nhân với nhau. Nhiều phạm nhân có thái độ tích cực, sửa đổi hành vi rất tốt trong quá trình cải tạo. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Thư viện tỉnh luân chuyển sách báo mới cũng như vận động, khuyến khích phạm nhân tham gia đọc sách nhiều hơn, nâng cao hiệu quả giáo dục trong quá trình chấp hành án.
Quang Thái - TTXVN