loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Không lạ khi ngôn ngữ Truyện Kiều đã được dân gian hóa bằng nhiều hình thức: Đề Kiều, vịnh Kiều, hát Kiều, đố Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều… Điều thú vị là trong đời sống hiện đại, Truyện Kiều vẫn được “vận” vào trong các sáng tác, các bài phát biểu, vẫn được “phái sinh” qua các loại hình nghệ thuật khác.
Truyện Kiều và văn học dân gian đã tác động, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau rất lớn. Thật khó để nói sự ảnh hưởng qua lại bắt đầu từ đâu? Những câu tục ngữ, ca dao có nguồn gốc từ Truyện Kiều, hay Nguyễn Du đã mượn vốn văn hóa dân gian phong phú để làm giàu bản sắc Việt cho Truyện Kiều?
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường vận Kiều, tập Kiều trong bài viết, nói chuyện, tiếp khách. Viết bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã đưa dẫn câu Kiều Nỗi riêng riêng những bàn hoàn.
Cảm ơn nữ sĩ Hằng Phương tặng cam, Bác Hồ đã dùng chữ “cam” bằng vận dụng thành ngữ “khổ tận cam lai” trong câu Kiều số 3209-3210: Tẻ vui bởi tại lòng này/ Hay là khổ tận đến ngày cam lai thành bài thơ:
Cảm ơn người biếu gói cam
Từ thì không đặng nhận làm sao đây
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Phải chăngkhổ tận đến ngày cam lai
(Thư cảm ơn nữ sĩ Hằng Phương biếu cam)
Nhân kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1954), Bác Hồ khái quát chặng đường trưởng thành, phát triển của Quân đội bằng cách lẩy Kiều: Quân ta công trạng lớn lao/ Mười năm lịch sử biết bao nhiêu tình. Tiếp Tổng thống Guinea Sekou Toure, Bác Hồ đã “lẩy Kiều”: Đến bây giờ mới thấy đây/ Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên (Bác mượn câu Kiều số 2281 - 2282: Đến bây giờ mới thấy đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một hai”.
Trong diễn văn tiễn Chủ tịch K.E.Vôrôsilốp và Đoàn đại biểu Chính phủ Liên Xô về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam (năm 1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Quan san muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em. Người đã mượn từ “quan san” trong hai câu Kiều số 1519-1520 Người lên ngựa kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san. Từ “quan san” là nơi quan ải, núi non, thường được dùng để chỉ sự xa xôi cách trở. Câu thơ trên khẳng định tình đoàn kết thống nhất trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, trong các nước xã hội chủ nghĩa anh em.
2. Các vị lãnh đạo quốc gia sang thăm Việt Nam thường quan tâm đến thành tố văn hóa Việt, trong đó sự quan tâm nổi bật phải kể đến là dẫn Truyện Kiều của Nguyễn Du với nhiều hình thức: Tập Kiều, lẩy Kiều... Có lẽ câu nói của GS John Swensson (giảng viên dạy Truyện Kiều ở Trường Đại học De Anza bang California, cựu binh Mỹ đóng quân ở Củ Chi năm 1966, ở Sài Gòn năm 1968 - 1969): “Muốn tìm hiểu con người Việt Nam thì hãy tìm hiểu Truyện Kiều…” là gợi ý để các nhà lãnh đạo Nhà Trắng quan tâm đến Truyện Kiều?
Tháng 11/2000, nhân chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam sau năm 1975, trong diễn văn đáp từ của Tổng thống Bill Clinton tại cuộc chiêu đãi trọng thể của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tối 17/11/2000, Tổng thống Bill Clinton đã chọn 2 câu Kiều số 1795 và 1796: Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân (“Just as the lotus wilts, the mums bloom forth/ Time softens grief, and the winter turns to spring). Câu Kiều được chọn đầy ý nghĩa vào thời điểm sau 25 năm chiến tranh và sau 5 năm hai nước bình thường hóa quan hệ. Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đánh dấu một khởi đầu mới cho quan hệ Việt - Mỹ mà cả hai bên cùng có trách nhiệm dựng xây. 13 năm sau, phát biểu của Bill Clinton đã có trong hồ sơ của Việt Nam gửi UNESCO đề nghị vinh danh Nguyễn Du. Chả là Ban soạn thảo hồ sơ đã dẫn câu “lẩy Kiều” của nguyên Tổng thống Mỹ như một minh chứng tiêu biểu cho tầm ảnh hưởng Đông - Tây của Truyện Kiều (Theo Đăng Trường, Ngoại giao và thơ Kiều).
Tháng 7/2015, lần đầu tiên người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam có chuyến thăm Hoa Kỳ. Tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng đã có cuộc gặp gỡ thú vị giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Trong bài phát biểu tiếp lời, thay mặt Tổng thống Barack Obama, Phó Tổng thống Joe Biden đã mượn 2 câu Kiều số 3121, 3122 đáp từ: Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời, đoạn Kiều đoàn viên với chàng Kim. Ẩn ý sâu xa từ hai câu Kiều "tan sương mù", "vén mây đen" là nói về những chặng đường thăng trầm trong quan hệ Việt - Mỹ và hướng tới tương lai là những nỗ lực từ hai phía cải thiện, phát triển mối quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.
Trong bài phát biểu trước 2.000 người Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ngày 25/5/2016, Tổng thống Barack Obama đã dẫn 2 câu Kiều số 355 và 356 kết thúc bài phát biểu của mình: Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi (Henceforth I’m bound to you for life, he said/ Call these small gifts a token of my love). Đây là hai câu Kiều tươi sáng nhất trong ngữ cảnh Truyện Kiều khi Kim Trọng Xắn tay mở khóa động đào/ Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai để Kim - Kiều gặp nhau. Câu Kiều được Tổng thống Obama dẫn trên đã nói về khát vọng cho tương lai Việt - Mỹ và hành trình hai nước cùng hướng tới…
Các nhà lãnh đạo quốc gia đã thể hiện cái nhìn sâu sắc từng câu thơ Kiều để tìm ra những phương diện, ý nghĩa liên tưởng có thể vận dụng Kiều và họ hiểu hơn ai hết việc đưa văn hóa Việt Nam vào ngoại giao chính trị, văn hóa.
3. Đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho nhiều văn nghệ sĩ với nhiều loại hình nghệ thuật, như âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh...
Truyện Kiều đã hòa trong thế giới âm nhạc tinh tế, giàu bản sắc dân tộc mang hơi thở cuộc sống dân gian và đương đại. Hát ả đào từ lâu đã mượn những câu thơ trong Truyện Kiều để thể hiện nỗi lòng và nhân tình thế thái. Kiều đi vào những ca khúc, được minh họa bằng âm nhạc như: Minh họa Truyện Kiều của nhạc sĩ Phạm Duy. Hợp xướng Truyện Kiều gồm 3 chương (Mối tình đầu, Hồng nhan bạc phận và Tình chị duyên em) của Vũ Đình Ân đã chắp cánh Truyện Kiều bằng âm nhạc. Dựa vào Truyện Kiều, nhạc sĩ An Thuyên viết nhạc kịch 4 hồi dự định trình diễn vào Lễ kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du, nhưng nhạc sĩ rời cõi tạm, chưa kịp hoàn thành tác phẩm đầy tâm huyết và học trò thực hiện tiếp dự án dang dở.
Đặc biệt, nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo thể nghiệm Kiều với opera qua vở Định mệnh bất chợt viết cho một giọng nữ cao (soprano) ngâm thơ, hai giọng nam trung (baryton), một giọng nam trầm (basse) cùng hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng thực hiện với độ dài 80 phút. Đây chính là thể nghiệm táo bạo kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật, gồm: Múa ballet, opera, ngâm thơ truyền thống, kịch thoại, video, rock.
Ca khúc Đêm trăng rơi được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân viết bởi âm hưởng ca trù, hát dặm, hát ví dìu dặt… Trong mỹ thuật, Truyện Kiều đã xuất hiện với mật độ đậm đặc trong dòng tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ…; trong tranh của những danh họa nổi tiếng trong làng hội họa của các họa sĩ (Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đỗ Cung…).
Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều đã chạm làng điện ảnh đầu tiên từ năm 1923 với bộ phim Kim Vân Kiều do ông E.A.Famechon (người Pháp) và ông Nguyễn Văn Vĩnh khởi xướng, Công ty phim và chiếu bóng Đông Dương (Indochine Films et Cinémas) thực hiện, công chiếu tại Hà Nội vào năm 1924. Nhân 1.000 năm Đại lễ Thăng Long - Hà Nội, phim Long Thành cầm giả ca (kịch bản: Văn Lê, đạo diễn: Đào Bá Sơn) ra đời. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh luôn khắc ghi lời cha - nhà thơ Lưu Trọng Lư lúc sinh thời từng trăn trở: "Việt Nam mình có Truyện Kiều giá trị thế mà chưa làm thành phim. Con học điện ảnh, hãy làm phim về nàng Kiều đi. Kiều xứng đáng làm nhất". Theo di nguyện của cha, sau bao năm nuôi dưỡng niềm đam mê Truyện Kiều, năm 2018, đạo diễn Lưu Trọng Ninh bắt tay vào dự án phim về Kiều với thông điệp "Kiều trong phim của tôi phải mang hơi thở đương đại hôm nay. Thúy Kiều trong phim là kiểu nhân vật thách thức số phận…". Song cho đến thời điểm này, dự án phim Kiều vẫn chưa ra mắt khán giả. Vẫn biết các nhân vật trong Truyện Kiều là một khoảng trống rất lớn cho sáng tạo, nhưng cũng đầy thách thức.
Hiện phim điện ảnh Kiều (kịch bản: Phi Tiến Sơn) do diễn viên Mai Thu Huyền đạo diễn kiêm Giám đốc sản xuất cũng chuẩn bị ra mắt.Cùng phim Kiềuchuyển thể, đạo diễn Đỗ Thành An đang gấp rút thực hiện phim Kiều @phóng tác từ Truyện Kiều. Đây là bộ phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam sử dụng kỹ thuật một cú máy (one-shot).
Truyện Kiều đến với nghệ thuật sân khấu cải lương, chèo, rối cạn, kịch hình thể, kịch nói, kịch thơ, dân ca bài chòi khu 5, ca Huế... Vở kịch hình thể Nguyễn Du với Kiều là một thử nghiệm táo bạo của NSND Lan Hương. Vở kịch “Kiều” (tác giả Nguyễn Hiếu, đạo diễn NSND Anh Tú) được công chúng và hội đồng chuyên môn ghi nhận bởi sự kết hợp khéo léo nhiều yếu tố kịch, ca, hình thể…trong một vở diễn. Vở kịch nói “Cơn ghen Hoạn Thư" (tác giả: Phương Văn, đạo diễn: NSƯT Trần Tường) đã mang đến cho công chúng một làn gió mới đầy sáng tạo, mới mẻ và táo bạo.
Rồi, Truyện Kiều lần đầu được dựng thành vở ballet, áp dụng công nghệ chiếu hologram.Tác phẩm do Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM dàn dựng, gồm 3 hồi, 15 cảnh cùng các phân đoạn giới thiệu Thúy Kiều - Thúy Vân, hồn ma Đạm Tiên, Kiều gặp Kim Trọng, gia biến, Kiều vào lầu Ngưng Bích... Vở ballet khép lại cảnh Kiều trầm mình xuống sông Tiền Đường, gặp lại hồn ma Đạm Tiên và ngộ ra "chân tâm".
Đáng chú ý là vở rối Thân phận nàng Kiều (tác giả: NSƯT Lê Chức, nhà văn Nguyễn Hiếu; đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng) lần đầu tiên được giải mã bằng ngôn ngữ rối cạn (rối và người). Vở diễn đã đoạt nhiều giải thưởng cao tại Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm 2019 như Huy chương Vàng cho vở diễn xuất sắc, giải Đạo diễn xuất sắc, giải Họa sĩ tạo hình xuất sắc; 2 Huy chương Vàng cho diễn viên xuất sắc và 5 Huy chương Bạc cho các diễn viên tham gia vở diễn…
Kỳ cuối: Cuộc đời Nguyễn Du và những khoảng mờ dành cho văn chương
Lời kết: Truyện Kiều – quốc hoa, quốc túy,
quốc hồn
Văn bia tri ân Đại thi hào Nguyễn Du, Phó bảng Ưu Thiên Bùi Kỷ có viết: “Tiếng nào đã làm được văn không phải là tiếng tầm thường, người nào đã hay về văn cũng không phải là người tầm thường, đất nào đã có người hay văn lại không phải là đất tầm thường... Hội ta nghĩ rằng: Hán văn đã một ngày một lùi để nhường cái địa vị chính đáng cho quốc văn, thì quốc văn tất có cái tương lai rất quan hệ, rất mật thiết với nước ta, mà một bậc sở trường về quốc văn không ai bằng tiên sinh (Nguyễn Du), giá trị quốc văn tôn lên cũng nhờ ngọn bút tiên sinh, nay quốc dân đương cổ vũ về quốc văn, há lại quên một bậc đã có công với quốc văn hay sao? Đã hay những bậc huân nghiệp đời trước, không phải một mình tiên sinh, song Hội ta sùng bái tiên sinh, chủ ý chuyên trọng về quốc văn, mong sau này quốc văn có một ngày hưng thịnh, mà cả tư tưởng học thuật đều bởi đó đằng tiến mãi lên, vậy thì một bậc đã có công to với quốc văn tức là có công to với nước vậy”.
Tại Lễ kỷ niệm, tri ân tác giả Truyện Kiều do Hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức lần đầu tiên ngày 08/12/1924 (mùng 10 tháng 8 năm Giáp Tý) nhân ngày giỗ lần thứ 104 của Nguyễn Du, Phạm Quỳnh - chủ bút báo Nam Phong đã đọc bài diễn thuyết quan trọng, trong đó có đoạn “Một nước không thể không có quốc hoa, Truyện Kiều là quốc hoa của ta; một nước không thể không có quốc túy, Truyện Kiều là quốc túy của ta; một nước không thể không có quốc hồn, Truyện Kiều là quốc hồn của ta. Truyện Kiều là cái “văn tự” của giống Việt Nam ta đã “trước bạ” với non sông đất nước này…”.
Đúng là “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Và “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hoá thành văn” (Chế Lan Viên) là thế.
|
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
loading...