Trò chuyện với tác giả 'Tổ quốc nhìn từ biển'
(Thethaovanhoa.vn) - Xuân này, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đón nhận rất nhiều niềm vui lớn. Song vui nhất đối với anh và cả những người yêu thơ anh có lẽ là tập thơ Tổ quốc nhìn từ biển đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
- 'Tổ quốc nhìn từ biển' đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2016
- Gala 'Tổ quốc nhìn từ biển': Tô đậm tình yêu Tổ quốc
Đây là tập thơ do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành cuối năm 2015, gồm 50 bài thơ với rất nhiều những đề tài khác nhau. Độc giả yêu thơ có thể gặp nhiều bài thơ viết về biển đảo, chiến tranh giữ nước bằng giọng thơ tráng ca, sử thi. Đó chính là hướng chủ đạo của thi ca Nguyễn Việt Chiến trong suốt 40 năm qua.
Tập thơ tập trung những bài thơ hay nhất của tác giả viết về biển như: Tổ quốc nhìn từ biển, Một lần tổ quốc được sinh ra, Tổ quốc bên bờ biển cả, Biển sau bão… Trong đó, bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển ra đời vào tháng 4/2009, đến nay vẫn đang đồng hành cùng với trái tim những người Việt Nam yêu nước, hướng về biển đảo thân yêu của tổ quốc với ca khúc cùng tên được phổ nhạc từ bài thơ.
Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh: Đọc Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến sẽ thấy rằng những vấn đề đại tự sự hôm nay đã được đặt lên trang viết một cách rất có trách nhiệm.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến sinh năm 1952, quê quán tại Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội; có các bút danh Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Chiến, Từ Kim Việt. Hiện anh công tác tại trang thông tin điện tử của Hội Nhà văn Việt Nam (vanvn.net). Anh là Ủy viên Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam.
Trước tập thơ Tổ quốc nhìn từ biển, Nguyễn Việt Chiến đã xuất bản một số tác phẩm như Mưa lúc không giờ, Ngọn cờ thời gian, Cỏ trên đất, Những con ngựa đêm, Trăng và thơ đọc chậm… Anh đã nhận được giải Nhì cuộc thi thơ báo Văn nghệ, giải Nhì cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ quân đội, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội.
Gặp gỡ nhà thơ trong một ngày đầu Xuân, Nguyễn Việt Chiến tâm sự: Tôi nghĩ rằng mỗi một nhà văn, nhà thơ chỉ có thể chạm vào tinh thần cốt lõi của dân tộc khi mỗi bài thơ, những tác phẩm của họ nói lên tiếng nói yêu nước trong thời điểm đất nước gian lao, đất nước hướng về biển Đông, về biển đảo và Trường Sa - nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Năm 2016, Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cho tập thơ này cũng là ghi nhận một phần thi ca hướng về tuyến đầu Tổ quốc.
Nói về tập thơ Tổ quốc nhìn từ biển, nhà thơ Anh Ngọc từng khẳng định rằng Nguyễn Việt Chiến vừa tiếp tục làm công việc của các thi sĩ thuộc thế hệ chiến tranh trước đây, vừa đề cập kịp thời đến những vấn đề nóng bỏng của đất nước và dân tộc hôm nay. Bằng chất giọng sử thi vốn có, chỉ với một bản tráng ca Tổ quốc nhìn từ biển, tác giả đã cắm lên một ngọn cờ trang trọng trong rừng cờ của thi ca đang tung bay trên ngọn sóng Biển Đông, vào thời khắc mà cả trời, đất, biển cả của tổ quốc đang cần đến tiếng lòng của tất cả chúng ta hơn bao giờ hết.
Nhớ lại dịp đầu Xuân Bính Thân năm 2016, bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển được tác giả đọc trong Tết Nguyên Tiêu nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo công chúng yêu thơ thủ đô. Với Nguyễn Việt Chiến, có lẽ xúc động nhất lại chính là thời khắc anh được đọc bài thơ này tại một đêm thơ lớn ở Trường Sa.
“Trong cuộc đời, có lẽ không nhiều người được may mắn như tôi khi được mang “đứa con tinh thần” của mình viết về Trường Sa đọc ngay trên quần đảo Trường Sa trong hơi thở ầm vang của biển và lớp lớp những con sóng trào. Khi tôi đang đọc, rất nhiều chiến sĩ hải quân ùa lên ôm lấy tôi và chúng tôi cùng hòa giọng đọc bài thơ với cảm xúc dâng tràn từ mỗi con tim”- nhà thơ nhớ lại.
Cũng trong lần tham gia chuyến công tác đặc biệt tại Trường Sa tháng 5/2016, tới thăm các đảo chìm, đảo nổi, nhà dàn, được dự lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh tại khu vực đảo Gạc Ma, nhà thơ đã có được nhiều kỷ niệm đẹp. Để khi trở về đất liền, anh bắt tay ngay vào viết một trường ca mới về biển, đảo.
Trường ca mang tên Biển của thời chưa mất đã được hoàn thành, dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc dịp Xuân này, như những cánh én mùa Xuân mang hơi ấm tinh thần từ đất liền đến với Trường Sa, với những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển trời thiêng liêng của tổ quốc.
Mùa Xuân Đinh Dậu năm nay, nhà thơ muốn gửi đến các chiến sĩ Trường Sa lời chúc một mùa Xuân an lành yên bình, dồi dào sức khỏe và hạnh phúc. Qua từng cánh sóng, nhà thơ cũng muốn nhắn nhủ rằng “các anh hãy chắc tay súng, nhân dân cả nước luôn hướng về các anh!”
Chia tay nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong sắc thắm của hoa đào ngày Xuân, trong những câu thơ lục bát về mùa Xuân của bài Chuông chùa vọng tiếng trống đồng Trường Sa mà theo anh, đó là lời gửi gắm của mình tới Trường Sa, tới những người lính đang làm nhiệm vụ giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc.
... Tiếng chuông vọng giữa thanh bình/ Em tôi thấp thoáng dáng hình ngày Xuân/ Vượt muôn trùng sóng ra thăm/ Em như mây ấm mùa Xuân tốt lành…”.
Theo TTXVN/ Mỹ Bình