A+ A A- Kiểu đọc sách

Trao giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2017: Vui buồn lẫn lộn

10:25 05/02/2018
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Diễn ra vào hôm qua 4/2, Lễ trao giải thưởng 2017 của Hội nhà văn Việt Nam cho thấy hai gam màu tương phản: nỗ lực nâng cao chất lượng của Hội và bức tranh thơ Việt trong năm qua.

Trao đổi với Thể thao & Văn hoá (TTXVN) bên lề buổi lễ, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, ghi nhận những ý kiến tiêu cực về chất lượng giải thưởng Hội nhà văn nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, nhiều tác phẩm được trao giải không cho thấy uy tín và ấn tượng đáng kể trong lòng công chúng.

Ông cho biết: “Từ năm nay trở đi, chúng tôi sẽ cẩn trọng hơn trong việc xét trao Giải thưởng và kết nạp hội viên. Đây cũng là công việc vất vả nhất trong năm qua của Hội nhà văn Việt Nam”.

Chất lượng là vấn đề sống còn

Những nỗ lực của BCH Hội nhà văn Việt Nam được minh chứng một số điểm mới trong quy trình xét giải, và đặc biệt là qua kết quả giải thưởng năm nay.

Cụ thể, ở Hội đồng chung khảo, ngoài 7 thành viên là các nhà văn Uỷ viên Ban chấp hành, thêm một ban phản biện được thành lập gồm 2 thành viên là nhà văn Nguyễn Khắc Trường và nhà thơ Vũ Quần Phương. Hai nhà văn nói trên không tham gia vào 4 hội đồng chuyên môn, có uy tín nhất định trong văn đàn và đã từng được trao Giải thưởng Nhà nước.

Chú thích ảnh
Từ trái qua: Nhà thơ Hữu Thỉnh (ngoài cùng bên trái) và nhà thơ Trần Đăng Khoa (ngoài cùng bên phải) trao giải cho dịch giả Lê Đức Mẫn, nhà phê bình Lê Thành Nghị và nhà văn Vũ Hùng.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là phản biện, phê phán thẳng thắn và khách quan, từ đó gạt bớt đi những tác phẩm không đạt đủ chất lượng”, nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết, “Tất nhiên việc nói lên ý kiến phê phán không phải dễ dàng và sẽ gây bất lợi đến một số người. Nhưng về lâu dài, lực lượng phản biện giúp chúng ta tỉnh táo hơn”.

Một điểm dễ thấy nhất đối với kết quả giải thưởng năm nay là việc khuyết giải ở cả mảng thơ và văn xuôi. Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định: “Năm nay khác mọi năm trước, không đủ chất lượng chúng tôi sẵn sàng không trao giải”.

Tuy nhiên xét riêng về văn xuôi, vốn được đánh giá là khá khả quan trong năm qua nhưng lại không có giải, nhà thơ Trần Đăng Khoa giải thích: “Nói là mất mùa không hoàn toàn đúng. Có một số cuốn sách tốt, nhưng lại không đạt đủ tiêu chí giải thưởng nên không được trao. Ví dụ có cuốn là sách tái bản, có cuốn khi soi kĩ ra lại trùng với mô típ của nhà văn nước ngoài…”.

Như vậy có thể nhìn nhận, việc giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam “mất mùa” một phần do cơ chế xét giải đã chặt chẽ hơn các năm trước.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cũng nhấn mạnh vấn đề sống còn của hội hiện nay là chất lượng, được phản ánh cụ thể bằng tác phẩm, bằng sự nghiệp văn học. Chất lượng không chỉ ở việc xét giải thưởng mà trong kết nạp hội viên.

Năm nay hội kết nạp 29 hội viên mới, số lượng thấp nhất trong khoảng 20 năm trở lại đây. “Chúng ta không tham số lượng, bởi vì với một đất nước 100 triệu dân mà 1.000 nhà văn thì không phải ít nữa rồi”, nhà thơ Hữu Thỉnh nói.

Bức tranh thơ năm 2017 có “xám xịt”?

Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2017 khuyết giải thơ. Nhiều ý kiến đánh giá, kết quả này đã góp thêm một nét vẽ phản ánh bức tranh buồn về thơ năm 2017. Bởi trước đó Hội nhà văn Hà Nội năm 2017 cũng không trao giải thơ, còn 2 tập thơ nhận giải ở Hội nhà văn TP HCM lại vướng phải nhiều lùm xùm. Vượt ra khỏi “lăng kính” giải thưởng, thực tế là số lượng nhà thơ, tác phẩm thơ tại Việt Nam nhiều như “lá mùa thu”, nhưng lượng người mua thơ đọc lại rất ít.

Trả lời về vấn đề trên, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: “Năm nay thơ có nhiều đóng góp nhưng chưa đủ để thuyết phục. Chúng ta đã từng có một thời thơ rất đặc biệt, có sức mạnh lớn với quần chúng. Nhưng hiện nay, nhìn chung thơ chưa đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc”.

“Nhu cầu độc giả ngày càng cao. Người viết chưa chắc đã hơn người đọc” - ông giải thích, đồng thời ghi nhận việc nhiều tác giả có tìm tòi cái mới trong sáng tác, nhưng cái mới đó lại chưa “tới”.

Đồng tình với quan điểm trên, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng thơ ca quan trọng nhất phải bộc lộ được cách nhìn độc đáo, có tính tìm tòi phát hiện của tác giả. Mà để làm được điều đó, đòi hỏi ở tác giả độ “chín” trong chiêm nghiệm.

“Trong số các nhà thơ hiện nay, người lớn tuổi nhìn nhận sâu sắc hơn nhưng lối hành văn có thể cũ. Ngược lại, nhà thơ trẻ có cách viết mới thì nhìn nhận lại chưa sâu sắc bằng”, ông nói.

Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2017

Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2017 “khuyết” giải dành cho thơ và văn xuôi mà chỉ có 2 tác phẩm lý luận phê bình và 1 tác phẩm dịch được trao giải. Đó là tập tiểu luận phê bình Bóng người trong bóng núi của nhà thơ, nhà lý luận phê bình Lê Thành Nghị; tập lý luận phê bình Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây của nhà nghiên cứu lý luận phê bình Phùng Văn Tửu và tập kịch thơ Khổ vì trí tuệ của Aleksander Griboedov, bản dịch của dịch giả Lê Đức Mẫn.

Ngoài ra, một giải mới của Hội nhà văn Việt Nam là Giải thưởng Sự nghiệp được trao cho bộ sách 18 tập về văn học thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng. 10 tác giả khác được trao giải thưởng Cống hiến (đợt 2).

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2017: 'Mất mùa' cả thơ lẫn văn xuôi

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2017: 'Mất mùa' cả thơ lẫn văn xuôi

Bước sang năm 2018, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của Hội cũng là trách nhiệm của các hội viên là nâng cao chất lượng tương xứng với số lượng tác phẩm văn học...

Hà My
 

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...