loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin nhà đấu giá Christie’s chuẩn bị rao bán một tác phẩm nghệ thuật không phải do con người tạo ra đang thu hút sự chú ý trong giới…
Đóng trong chiếc khung vàng, treo trên bức tường trắng nguyên sơ của Phòng trưng bày Christie’s ở trung tâm London là bức chân dung tông màu tối, ủ rũ về một thầy tu mặc đồ lễ.Tác phẩm thoạt nhìn trông có vẻ như của nghệ sĩ bậc thầy nào đó hóa ra mang dấu ấn của đối tượng bất ngờ: một thuật toán!
Hành trình sáng tạo tranh từ trí tuệ nhân tạo
Đó là những thông tin ban đầu về bức Portrait of Edmond de Belamy (tạm dịch là Chân dung của Edmond Belamy) của đơn vị tổng hợp nghệ thuật Pháp mang tên Obvious, hay chính xác hơn là một thuật toán do Obvious thiết kế.
"Toàn bộ quá trình là về việc con người rất ít tham gia thực hiện tác phẩm" - Gauthier Vernier, một trong ba chàng trai Pháp, bắt đầu đưa Obvious vào hoạt động từ tháng 4/2017 tại căn hộ của họ ở Paris, cho biết. Kể từ đó, bằng cách dạy chiếc máy tính về lịch sử nghệ thuật và để nó "học" cách tạo ra chúng, Obvious đã trình làng 11 thành phẩm nhờ sự giúp đỡ của trí thông minh nhân tạo (AI).
Phương châm của nhóm là “Sự sáng tạo không dành riêng cho con người”. Và giờ đây, họ đang bắt đầu thuyết phục thế giới nghệ thuật rằng mình đã đúng. Hồi tháng 2, Obvious đã bán sản phẩm đầu tiên, Le Comte de Belamy cho nhà sưu tầm Nicolas Laugero-Lasserre ở Paris với giá 11.430 USD. Vào tháng 10 tới, họ sẽ đưa Portrait of Edmond de Belamy tới trụ sở của Christie’s ở New York, phiên đấu giá đầu tiên trong lịch sử chào bán một tác phẩm do AI tạo ra.
Richard Lloyd, lãnh đạo phụ trách cuộc đấu giá, tin rằng sự kiện sẽ đặt ra chủ đề tranh luận mới về nghệ thuật và sáng tạo. “Mọi người đều có định nghĩa riêng về một tác phẩm nghệ thuật” - anh nói - “Tôi thì cho rằng nếu mọi người thấy có cảm tình với một tác phẩm và thấy nó truyền cảm hứng thì đó chính là nghệ thuật".
Có cả bộ tranh mang tên Belamy, bao gồm Le Comte, La Comtesse, Le Baron và La Baronne de Belamy- tất cả đều gợi lên cảm giác chúng ra đời từ thế kỷ 18. Để tạo ra các tác phẩm này, Obvious sử dụng “Generative Adversarial Network” (GAN), một thuật toán do nhà nghiên cứu người Mỹ Ian Goodfellow tạo ra năm 2014. Ian Goodfellow đã công bố ý tưởng của mình trên một tờ báo lớn khi làm việc tại Đại học Montreal còn Obvious đặt tên bộ tác phẩm đầu tiên của họ là Belamy, dịch thô của từ“Goodfellow”, nhằm tri ân ông.
Đầu tiên, nhóm phải mã hóa dữ liệu để phù hợp với tiêu chí riêng của họ. "Nó giống như việc lắp ghép một chiếc xe đạp, nếu bạn quên một bộ phận nào đó, nó sẽ không hoạt động" - Hugo Caselles-Dupré, một nghiên cứu sinh ngành AI, người chịu trách nhiệm về phần công nghệ của các tác phẩm tại Obvious, chia sẻ.
Nhóm nghiên cứu đã thu thập kho dữ liệu gồm 15.000 bức chân dung từ bách khoa toàn thư nghệ thuật trực tuyến WikiArt, trải dài từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 20, và đưa chúng vào hệ thống thuật toán GAN.
Thuật toán GAN gồm hai phần: Bộ sáng tạo và bộ phân biệt. Phần sáng tạo sẽ học các "quy tắc" về các bức chân dung, "ví dụ, tất cả chân dung có hai mắt và một mũi" -Caselles-Dupré chia sẻ.
Sau đó, nó bắt đầu tạo ra các hình ảnh mới dựa trên những quy tắc đã học. Trong khi đó, phần việc của bộ phân biệt là xem lại các hình ảnh và đoán chúng là lấy từ tập dữ liệu hay do bộ sáng tạo tạo ra.
Khi bộ sáng tạo cố gắng "lừa" bộ phân biệt, nó sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm dựa trên mỗi bức tranh được làm ra bị phát hiện. Đến khi quá trình này hoàn tất cũng là lúc tác phẩm mới ra đời. Đây không phải là sao chép hay sự pha trộn giữa 15.000 bức tranh, "mà hãy nghĩ về nó như bức tranh thứ 15.001" - Caselles-Dupré cho biết - “Đó là một bức tranh gốc và nó rất tuyệt vời”.
Liệu có phải một hình thức nghệ thuật mới?
Obvious không phải là nhóm duy nhất đặt mục tiêu sáng tạo nghệ thuật dựa trên AI nhưng là một trong những nhóm đầu tiên đưa các tác phẩm hữu hình của mình vào đời sống. Pierre Fautrel, thành viên thứ ba và là thành viên cuối cùng của nhóm, nói rằng họ đang cố gắng thuyết phục thế giới rằng những việc mình đang làm là đáng giá. "Thế giới nghệ thuật bảo thủ chấp nhận các bức tranh sờ được thấy được" - anh nói - “Họ hiểu rằng chúng tôi không cố gắng lừa gạt thế giới nghệ thuật. Chúng tôi muốn trở thành nghệ sĩ đương đại”.
Mặc dù nhiều người không chắc liệu có nên gọi chúng là nghệ thuật hay không, nhóm nghiên cứu đã rất ngạc nhiên bởi mức độ quan tâm dành cho các tác phẩm của họ. “Có một điểm đáng nói là không ai thờ ơ với chúng” - Fautrel nói - “Mọi người thích hoặc ghét chúng, nhưng không ai nói kiểu sao cũng được".
Cũng như câu hỏi được đặt ra từ lâu về AI, trong các cuộc thảo luận liên quan đến những tác phẩm của Obvious, một số lo ngại tương lai con người mất việc và trở nên hoài nghi. Họ cho rằng việc AI có thể tạo ra hàng nghìn bức tranh khác nhau chỉ bằng một cú click chuột sẽ đe dọa tới “sự khan hiếm”, một trong những tính chất quan trọng làm nên giá trị của các tác phẩm nghệ thuật.
Nhưng Caselles-Dupré lại có quan điểm khác. Anh so sánh các thí nghiệm về AI ngày nay với buổi bình minh của nhiếp ảnh vào giữa những năm 1800, khi các nghệ sĩ vẽ chân dung mất đi nguồn kiếm sống. “Ngày đó mọi người cũng nói nhiếp ảnh không phải là nghệ thuật thực sự và nghệ sĩ chụp ảnh giống như những cỗ máy” -anh chia sẻ- "Còn hiện nay chúng ta đều có thể đồng ý rằng nhiếp ảnh đã trở thành một nhánh thực sự của nghệ thuật".
Không lâu nữa Obvious có kế hoạch đi theo những phong cách cụ thể và thử nghiệm với các mẫu nghiên cứu từ các nền văn hóa khác nhau. Nhưng với bộ sưu tập đầu tiên, nhóm muốn gợi lên “điều đầu tiên mà hầu hết mọi người nghĩ đến khi nghĩ tới nghệ thuật, đó là những bức chân dung mang dáng vẻ cũ kĩ đóng trong khung vàng" - Vernier nói.
Đối với Lloyd, việc làm quen với nghệ thuật nhân tạo chỉ là ấn tượng đầu tiên về những gì một ngày nào đó sẽ trở thành trải nghiệm chung. Lloyd nói: “Tất cả chúng ta sẽ trải qua cú sốc văn hóa này, hết lần này tới lần khác, nơi chúng ta nghĩ rằng mình đang nói chuyện hay tương tác với một con người nhưng đột nhiên lại nhận ra đó là một robot”.
Duy An (Theo Time)
Vào những năm 1990, các họa sĩ hàng đầu thế giới đã dùng nét vẽ tài hoa của họ để biến những tảng bê tông được lấy ra từ Bức tường Berlin thành các tác phẩm nghệ thuật hội họa “kể chuyện lịch sử”…
loading...