'Tour du lịch' online tới thành phố bị chôn vùi Pompeii
(Thethaovanhoa.vn) - Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã làm tạm ngưng nhiều hoạt động văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng không vì thế mà những cơ sở như bảo tàng chịu bó tay. Để tiếp tục truyền tải những kiến thức, lịch sử của văn hóa đến khán giả, Bảo tàng Anh (London) sẽ ra mắt một “tour du lịch” online (trực tuyến) về một sự kiện thiên tai tồi tệ nhất vào khoảng thời gian gần 2.000 năm trước tại Italy.
Pompeii Live - một dự án mới của Bảo tàng Anh, sẽ được công chiếu cho khán giả vào hôm nay (20/5).
Làm mới lại từ cuộc triển lãm nổi tiếng
Pompeii Live được dựa trên cuộc triển lãm của chính bảo tàng có tên Life And Death In Pompeii And Herculaneum (2013). Cách đây 7 năm, cuộc triển lãm này đã phá vỡ kỷ lục về lượng vé bán ra cho khán giả. Cụ thể, hơn 50.000 vé đã được bán ra - đây là con số cao nhất cho bất kỳ một triển lãm nào tại Bảo tàng Anh. Cao hơn gấp đôi kỷ lục trước đó của triển lãm Hadrian: Empire And Conflict (2008), có doanh số bán vé là 24.120.
Pompeii và Herculaneum là tên của 2 thị trấn tại La Mã (Italy hiện nay), người dân và nền văn minh, văn hóa tại đây đã bị “nhấn chìm” bởi một thảm họa thiên nhiên - vụ phun trào núi lửa Vesuvius diễn ra vào năm 79 sau Công nguyên. Đây là một trong những vụ phun trào núi lửa “kinh hoàng” nhất trong lịch sử châu Âu, được chứng kiến và ghi chép lại bởi Pliny Trẻ (61 - 113).
Sự thảm khốc của thảm họa thiên nhiên này được diễn tả bởi những con số. Được biết, vào năm đó, núi Vesuvius đã phun ra một đám mây xám xịt, chứa đầy mạt vụn núi lửa và khí núi lửa. Nó vô cùng nóng, có độ cao tới 33km và liên tiếp bắn ra dung nham, đá bọt dạng bột và tro nóng với khối lượng 1,5 triệu tấn mỗi giây. Vụ phun trào núi lửa này đã giải phóng lượng nhiệt lớn hơn 100 nghìn lần nếu so sánh với vụ ném bom nguyên tử của Hoa Kỳ xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki tại Nhật Bản.
Pompeii Live sẽ được phát sóng trực tuyến dưới dạng như một thước phim, Bảo tàng Anh hứa hẹn sẽ đưa khán giả “trở lại” năm 79 để khám phá cuộc sống của người dân đã biến đổi như thế nào trước và sau thảm họa đó.
Với những nỗ lực khôi phục khảo cổ, thước phim sẽ là những minh chứng đáng kinh ngạc về thành phố phồn hoa và tráng lệ của Pompeii thời điểm trước thảm họa. Những bích họa, tác phẩm điêu khắc “tràn ngập” khắp nơi từ phòng ngủ cho tới phòng ăn hay thậm chí cả khu vườn, phần nào khẳng định tại đây từng tồn tại một trong những thành phố phồn vinh nhất thời La Mã, với giao thương phát triển mạnh.
Một trong những Di sản Thế giới
Việc phát hiện và nghiên cứu Pompeii được giới chuyên gia đánh giá là có vai trò vô cùng quan trọng đối với nhân loại. Khu vực khảo cổ di tích Pompeii có tổng diện tích từ khoảng 60 đến 68 hecta và được xem là một trong những khu khảo cổ lớn nhất thế giới hiện nay. Thị trấn Herculaneum lần đầu được phát hiện vào năm 1709 bởi một số công nhân đào giếng, còn thành Pompeii được phát hiện vào năm 1748.
Thảm họa phun trào núi lửa Vesuvius đã chôn vùi thành Pompeii và thị trấn Herculaneum dưới 6m bùn và tro. Lớp tro bụi tạo ra bởi dung nham này đã nhấn chìm thành phố vô hình trung đã “giúp” cho nó tránh được những tác động hủy hoại từ thời gian. Hầu hết các công trình, kiến trúc, nhà cửa vẫn giữ được sự nguyên vẹn dù đã trải qua đợt thiên tai đáng sợ nhất lịch sử loài người.
Các cuộc khai quật khảo cổ đã tiết lộ nhiều về cuộc sống của những cư dân cổ đại, nơi này đã trở thành Di sản Thế giới do UNESCO công nhận và là một phần của Công viên Quốc gia Vesuvius. Ngày nay, đây là một trong những địa điểm thu hút đông khách du lịch nhất tại Italy, với hơn 2,5 triệu du khách mỗi năm.
Những gì còn sót lại tại Pompeii bao gồm nhà cửa, đền thờ, những con đường được lát gạch đá... Nhiều vật dụng có giá trị nghệ thuật như đài phun nước, tranh vẽ... cũng được khai quật tại Pompeii. Ngoài ra, còn có nhiều căn biệt thự lộng lẫy, một số các căn biệt thự đó đã được trùng tu và mở cửa cho du khách đến thăm như Casa del Fauno hay Casa del Menandro.
Không chỉ vậy, một trong những công trình có giá trị nhất được khai quật và tìm thấy tại Pompeii chính là đấu trường cổ. Có cấu trúc hình ê-lip với sức chứa lên đến 12.000 người, là một trong những kiểu kiến trúc đặc trưng dành cho các đấu trường La Mã. Đấu trường cổ tại Pompeii được xây dựng từ năm 70 trước Công nguyên và là đấu trường lâu đời nhất trong lịch sử, có niên đại lâu hơn cả đấu trường Colosseum ở thành Rome.
Ngoài nền văn minh, các kiến trúc, văn hóa còn sót lại thì thi thể của những nạn nhân cũng được phát hiện rất nhiều. Các thi thể này có những tư thế rất “bi kịch”. Ông Stefania Giudice, quản lý tại Bảo tàng Khảo cổ học Quốc gia Naples bày tỏ: “Mặc dù nó đã xảy ra 2.000 năm trước đây, nhưng chúng ta có thể đoán được đó là thi thể của một cậu bé cùng người mẹ và những người thân trong gia đình. Đó không chỉ là khảo cổ của khoa học mà còn là khảo cổ của nhân loại”.
Thành Quách