Tôn vinh "ông tổ" của kịch nói Việt Nam
Vũ Đình Long là tác giả kịch nói đầu tiên của VN với việc sáng tác vở kịch 3 hồi Chén thuốc độc vào năm 1921. Cũng như nhiều nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, trước thời điểm Chén thuốc độc ra đời, sân khấu Việt Nam chỉ có một số loại hình sân khấu như tuồng, chèo, rối nước... thiên về trình diễn và chủ yếu được dàn dựng theo kiểu truyền nghề, không có kịch bản văn học. Bởi vậy, không chỉ đánh dấu bước đi đầu tiên của sân khấu VN, sự xuất hiện của kịch bản này đồng thời cũng được coi là mở đầu cho sự xuất hiện của thể loại văn học kịch trong lịch sử văn học dân tộc.
“Với dấu ấn này, đã có nhà nghiên cứu xem Vũ Đình Long là ông tổ của kịch nói xét trên phương diện sáng tạo kịch bản. Còn lịch sử văn học thì ghi nhận ông là một trong số những tác giả đặt viên gạch đầu tiên kiến tạo tiến trình văn học hiện đại” - GS Phan Trọng Thưởng (Viện trưởng Viện Văn học VN) khẳng định.
Cũng trong buổi hội thảo, cuốn sách Tuyển tập kịch Vũ Đình Long ( NXB Hội Nhà văn) đã chính thức được giới thiệu. Đây là tuyển tập do bà Natasha (con dâu của cố tác giả Vũ Đình Long) kỳ công sưu tập lại các bản thảo từ Thư viện Quốc gia, Cục Lưu trữ và nhiều nguồn khác.