Tín ngưỡng thờ Vua Hùng: Chuyện những ngôi đền “xa quê”
(Thethaovanhoa.vn) - Do những người dân xa quê tự lập nên, do chính quyền xây dựng với mục đích khác nhưng dần “tự phát” trở thành nơi tôn vinh Quốc tổ - đó là câu chuyện của một trong hàng trăm ngôi đền thờ Hùng Vương rải rác khắp Việt Nam và nước ngoài.
Gắn với niềm tin tuyệt đối của người Việt về Quốc tổ, gần 1.500 ngôi đền thờ như vậy đã được thành lập suốt theo chiều dài lịch sử. Thực tế, đây cũng là một trong những minh chứng thuyết phục nhất để tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào cuối tuần qua.
Đóng góp 1.000 lạng vàng để thờ Quốc tổ
Theo giới nghiên cứu, từ vùng châu thổ sông Hồng, những đền thờ vua Hùng bắt đầu lan tỏa và xuất hiện khá nhiều tại các tỉnh phía trong kể từ 1558, theo hành trình mở rộng cương thổ của người Việt. Điển hình là trường hợp đền thờ tại Giao Khẩu (huyện Thới Bình, Cà Mau). Ngay từ thế kỷ 18, khi con kênh đào Bạch Ngưu được mở tại đây, một ngôi đền bằng thân cây tràm và có cái tên mộc mạc “Miếu ông vua” đã được dựng lên bởi tá điền của ông Hội đồng Giảng, một người từ vùng ngoài vào đây khai hoang.
Đền thờ Hùng Vương trong thập niên 1960 tại Thảo Cầm Viên |
Theo Ban trị sự của di tích này, thuở sơ khai, các nghi lễ giỗ tổ được thực hiện theo màu sắc Nam Bộ điển hình: sau phần cúng tế, các gánh hát bội, múa lân được mời về đây biểu diễn kèm theo các trò chơi đá gà, đánh bạc diễn ra suốt đêm. Sau nhiều lần tu sửa, vào năm 2006, ngôi đền này được một Việt kiều ủng hộ hơn 10.000 USD để trùng tu lại toàn bộ theo kiến trúc Bắc Bộ điển hình, với đôi rồng và các đầu đao trên mái ngói.
Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai, khu vực được cho là có số lượng người Bắc vào lập nghiệp lớn nhất trong thế kỷ 20, ngôi đền thờ Quốc tổ Hùng Vương được xây dựng vào năm 1968 tại thành phố Biên Hòa. Đứng ra tổ chức xây dựng là 14 vị trưởng lão trong vùng, theo kiến trúc nhà 5 gian Bắc Bộ, mái lợp tôn.
Hoặc tại tỉnh Kiên Giang, vào năm 1957, nhân dân trong vùng cũng tự đứng ra dựng đền thờ Hùng Vương tại ấp Đông Bình (huyện Tân Huyện).
Nói về sự xuất hiện của những ngôi đền thờ Quốc tổ trong giai đoạn trước 1975, ông Nguyễn Hữu Bài (Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Khánh Hòa) cho biết: “Trong điều kiện đất nước chưa thống nhất, việc xây dựng đền Hùng thờ Quốc tổ cho thấy ý thức tha thiết từ nhân dân về đạo lý “cây một gốc, con một bọc” của dân tộc Việt.
Điển hình, tại Khánh Hòa, chỉ trong 3 năm kể từ 1970, nhân dân trong tỉnh đã liên tục quyên góp đủ 1.000 lạng vàng, để một số người cao tuổi đứng ra mua về lô đất rộng gần 4.000m2 và dựng đền thờ vua Hùng (hiện nằm ở phường Tân Lập, Nha Trang).
Thậm chí, đền thờ Hùng Vương trong khu vực Thảo Cầm Viên (một trong 12 đền thờ Quốc tổ tại TP.HCM) là minh chứng khá độc đáo cho ý thức hướng về nguồn cội của người Việt. Khởi điểm, ngôi đền được nhà cầm quyền Pháp xây dựng năm 1926 với cái tên Đền Kỷ niệm (Temple de Souvenir) để tưởng niệm những người Việt tử trận vì đi lính cho Pháp trong Thế chiến I.
Tuy nhiên, trong những năm tồn tại, người dân nơi đây vẫn mặc định áp dụng việc thờ 18 vua Hùng cho ngôi đền này. Năm 1954, theo nguyện vọng chung, ngôi đền được đổi tên là đền Quốc tổ Hùng Vương và phối thờ thêm một số nhân vật lịch sử khác như Trần Hưng Đạo, Tả quân Lê Văn Duyệt... Hiện tại, trước bàn thờ chính tại ngôi đền này có đặt hương án bày 18 kg đất và 18 lít nước lấy từ đền Hùng Phú Thọ.
Đền thờ Hùng Vương tại Thảo Cầm Viên hiện nay |
Ngôi đền thờ độc đáo tại thung lũng Silicon của Mỹ
“Xa” nhất trong số những ngôi đền thờ Quốc tổ của người Việt phải kể tới trường hợp ngôi đền nằm giữa thành phố San Jose (California, Mỹ), nơi vẫn được biết tới với khái niệm “thung lũng Silicon”. Người xây dựng ngôi đền này vào năm 1993 là Nguyễn Thanh Liêm, Việt kiều Mỹ, người đã nhiều lần thăm đền thờ Hùng Vương khi còn nhỏ. Sau này, khi đang sống trên đất Mỹ, ông đã bỏ tiền mua một mảnh đất giữa San Jose và xây trên đó ngôi đền thờ Quốc tổ theo mẫu của các ngôi chùa trong nước, đặt bài vị, đồ thờ và cả một bàn thờ Mẫu tách biệt.
Ông Liêm cho biết, tròn 12 năm trước khi xây dựng, ông đã lập ra một tổ chức với tên “Hội đền Hùng” và thu hút gần 1.000 thành viên gốc Việt. Trong nhiều năm, tới ngày Quốc giỗ, họ bỏ tiền túi thuê các trung tâm cộng đồng để thực hiện nghi lễ thờ Quốc tổ của mình. Thậm chí, địa chỉ này cũng là nơi để cộng đồng hành lễ trong các ngày tưởng niệm Hai Bà Trưng hoặc Trần Hưng Đạo.
Năm 2004, do quy hoạch mới của thành phố, khu vực đền thờ vua Hùng của ông Liêm bị yêu cầu di dời. Khoản tiền bán đất được ông Liêm sử dụng để mua một mảnh đất khác và lên kế hoạch dựng lại đền thờ Quốc tổ. Theo ý tưởng của ông, khu đất này trong tương lai sẽ có tên Vườn Di sản văn hóa Việt Nam, với ý tưởng trồng thêm hoa, cây ăn quả, cây lúa và cả một phiên bản Chùa Một Cột từ Hà Nội.
Lời chia sẻ của ông Liêm tại Hội thảo quốc tế về tín ngưỡng Hùng Vương khiến cử tọa xúc động: “Đơn giản, chúng tôi chỉ làm những điều mà tổ tiên đã làm trong nhiều năm qua. Là người Việt, khi nhắm mắt, chúng tôi sẽ về lại với ông bà tổ tiên, chứ không đến với bất cứ một thế giới nào khác”.
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa