'Tìm kiếm những giá trị thật tinh thuần, thật đẹp đẽ cho thiếu nhi'
Cùng với giải thưởng Văn học Thiếu nhi và Thanh thiếu niên Đức, giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn (do Báo Thể thao &Văn hóa tổ chức) được dẫn chứng tại Hội thảo Văn học Thiếu nhi và Thanh thiếu niên đương đại tại Việt Nam và Châu Âu trở thành những ví dụ tích cực cho những hoạt động thiết thực thúc đẩy sự phát triển của văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên ở Việt Nam và châu Âu.
Vừa qua, tại Viện Goethe Hà Nội diễn ra Hội thảo Văn học Thiếu nhi và Thanh thiếu niên đương đại tại Việt Nam và Châu Âu do EUNIC (Mạng lưới các Viện Văn hóa Độc lập của Châu Âu) tổ chức, với sự hợp tác của các Đại sứ quán Ý, Tây Ban Nha, Thụy Điển và sự hỗ trợ của phái đoàn Liên minh châu Âu.
Tại hội thảo, các diễn giả trong và ngoài nước đã trao đổi những vấn đề xoay quanh xu hướng vận động và phát triển của văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên ở Việt Nam và châu Âu. Bên cạnh đó, các ý kiến tại hội thảo cũng tập trung vào các kinh nghiệm thúc đẩy, phát triển mảng văn học thiếu nhi và thu hút trẻ em đến với văn hóa đọc.
Nhiều hoạt động vì sự phát triển của văn học thiếu nhi
Phát biểu tại hội thảo, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: “Ở Việt Nam chúng tôi, trẻ em luôn được quý trọng và chăm sóc chu đáo tận tình. Riêng lĩnh vực văn học nghệ thuật và đời sống tinh thần, chúng tôi có những tờ báo, những nhà xuất bản riêng chỉ in những tác phẩm về các em và viết cho các em như NXB Trẻ, đặc biệt là NXB Kim Đồng, mỗi năm có hàng triệu ấn phẩm của các nhà văn trong nước và thế giới. Rồi các báo Thiếu niên Tiền phong, Nhi đồng, Mực tím, Hoa học trò… nâng niu từng bước chân các em từ khi mới lẫm chẫm đến trường mẫu giáo cho đến khi thành học sinh, sinh viên,…”.
Ông Khoa cũng cho biết thêm, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã làm “tất cả những gì có thể làm” để góp sức vì sự phát triển của văn học thiếu nhi như lãnh đạo Hội tham gia Hội đồng giáo khảo của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) trong giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn; thành lập Quỹ văn học Thiếu nhi; phát động cuộc vận động sáng tác trẻ và sáng tác cho thiếu nhi; xã hội hóa, huy động nguồn lực để chọn in những ấn phẩm đặc sắc phát tặng miễn phí cho các trẻ em vùng sâu vùng xa hàng năm,…
Thực tế, trong những năm qua văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên tại Việt Nam ngày càng được quan tâm và thúc đẩy bởi nhiều tổ chức với đa dạng hình thức. Trong đó, các giải thưởng được cho là điểm sáng trong số những hoạt động thiết thực nhằm hướng đến sự phát triển của văn học thiếu nhi nói riêng và đời sống văn hóa nghệ thuật cho thiếu nhi, vì thiếu nhi nói chung. Và giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn do Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) sáng lập và tổ chức từ năm 2020 là một ví dụ điển hình.
Nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng Biên tập Báo Thể thao & Văn hóa, Trưởng BTC giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn chia sẻ: “Khi hầu hết các cuộc thi, giải thưởng văn hóa, giải trí đều nhằm đến đối tượng người lớn, một số ít còn là các “cuộc chơi” mang tính tạp kỹ dành cho thiếu nhi, thiếu vắng các giải thưởng mang tầm vóc quốc gia và mang tính chuyên nghiệp cao, dành cho thế hệ tương lai của đất nước. Thì, giải thưởng Dế Mèn như tên gọi của nó, mang theo khát vọng của chúng tôi – những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật – muốn tìm ra những giá trị thật tinh thuần, thật đẹp đẽ, mà chính mình thấy đáng đọc, đáng xem, đáng nghe, để trước hết cho con em mình thưởng thức, sau đó là để giới thiệu rộng ra cho các em thiếu nhi cả nước”.
Cũng theo Nhà báo Lê XuânThành, “Khát vọng của Dế Mèn ban đầu đúng là quá sức, bởi không chỉ ở chuyện kinh phí ở đâu, ai tài trợ, mà cả ở chuyện uy tín: một giải thưởng mới toe do một tờ báo không chuyên về nghệ thuật lập ra, liệu có đủ sức thuyết phục công chúng hay không? Nhưng chúng tôi có niềm tin rằng, khi làm thật vô tư, thật tử tế những điều có ích cho xã hội, không thành công cũng thành nhân, hay chí ít cũng đánh động sự quan tâm của toàn xã hội, giống như chàng Đôn Kihôtê sẵn sàng nhảy vào cối xay gió vì giấc mơ hiệp sĩ của mình”.
Khởi sắc từ hoạt động xuất bản và phát hành sách thiếu nhi
Đại diện một số nhà xuất bản, công ty sách như NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, hay Nhã Nam,… tại hội thảo đều cho rằng hoạt động xuất bản mảng sách văn học thanh thiếu nhi ngày càng có nhiều chuyển biến khởi sắc. Cũng như, chứng kiến sự mở rộng của thị trường, cả về số lượng đầu sách được xuất bản lẫn số lượng các đơn vị tham gia làm sách thiếu nhi ở cả khâu xuất bản và phát hành.
Cụ thể, bà Trần Lê Thùy Linh, Trưởng phòng Thiếu nhi, Công ty Nhã Nam cho biết, chỉ riêng ở Nhã Nam, tổng số đầu sách thiếu nhi đã tăng từ 124 năm 2010 lên 924 vào năm 2020. Số đầu sách đang lưu hành là 776 đầu sách, chiếm 36% tổng số đầu sách đang có mặt trên thị trường của Nhã Nam. Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Biên Tập NXB Trẻ cũng cho biết, mảng sách dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên chiếm 40% doanh số của NXB Trẻ hiện nay.
Mặt khác, đại diện các đơn vị xuất bản cũng chỉ rõ một số xu hướng phát triển của văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên trong ngành xuất bản hơn 10 năm qua. Về đội ngũ tác giả, phổ tuổi tương đối rộng từ thế hệ 5X đến thế hệ Gen Z (sinh vào những năm 2000); thiếu vắng các tác giả chuyên nghiệp trong nước… Về tác phẩm, tiểu thuyết, bộ truyện ngày càng vắng bóng, chủ yếu là thể loại truyện ngắn, tản văn, du ký; đề tài tập trung về thời thơ ấu, gia đình, trường học, bạn bè, ít đề tài về chiến tranh, lịch sử, viễn tưởng, kỳ ảo…; hình thức sách ngày càng được nâng cao và đổi mới với xu hướng làm mới tác phẩm hay, kinh điển có minh họa đẹp,…
Cũng tại hội thảo, các diễn giả cũng đề cập đến văn hóa đọc như một yếu tố quan trọng để kích thích và tạo động lực cho sự phát triển của văn học thiếu nhi. Nhiều ý tưởng, cách thức nhằm khuyến khích văn hóa đọc ở trẻ em cũng được đưa ra tại hội thảo.
- Dư âm Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022: Trường học đáng yêu hay đáng ghét?
- Giải Thiếu nhi Dế Mèn 2022 nhân đôi tiền thưởng cho tác giả 'nhí'
- Giải thiếu nhi Dế Mèn: Nơi hội ngộ tình yêu nghệ thuật và 'vì trẻ em'
Lấy ví dụ từ CLB Đọc sách cùng con, TS Nguyễn Thụy Anh chia sẻ về cách xây dựng cộng đồng đọc sách như một giải pháp bền vững để khuyến khích, tạo động lực đọc sách cho trẻ em. Trong đó chú trọng hỗ trợ và rèn luyện kỹ năng đọc để giữ động lực đọc lâu dài, bền vững thông qua các trò chơi, hoạt động hướng đến văn bản được xây dựng trên cơ sở các thao tác tư duy, có sự tham gia của các giác quan, khơi gợi cảm xúc, khuyến khích trích dẫn, rèn luyện phương pháp ghi chép để ghi nhớ,…
Đáng chú ý tại hội thảo, GS-TS Björn Sundmark, Đại học Malmö (Thụy Điển) đã đề cập đến quyền tự quyết của thiếu nhi và thanh thiếu niên, như một chủ thể quan trọng trong văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên ở châu Âu. Hay nói cách khác, văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên ở châu Âu đặc biệt coi trọng tính độc lập của trẻ em trong tác phẩm và với cả tư cách là đối tượng tiếp nhận. Ngoài ra, xu hướng phát triển văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên ở một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Italia, Đức cũng được chia sẻ tại hội thảo.
Công Bắc