Tiến sĩ - nghệ sĩ Phương Nga: Hạnh phúc nhất của người thầy là thấy học trò của mình thành đạt
(Thethaovanhoa.vn) - Khi còn đi học, nghệ sĩ Phương Nga là học trò ưu tú của cố NSND Trung Kiên, được cố NSND Lê Dung coi là "hạt giống đỏ". Nối tiếp thầy cô trong sự nghiệp "trồng người", nghệ sĩ Phương Nga dìu dắt nhiều thế hệ học trò thành danh.
Tiến sĩ - nghệ sĩ Phương Nga, Phó trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) những kỷ niệm đáng nhớ về thầy cô và những học trò, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Ghi nhớ và trân trọng công ơn thầy cô mãi mãi
* Đã từng dạy học rất nhiều năm, cảm xúc của chị như thế nào mỗi khi đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11?
- 20/11 là dịp tôi được bày tỏ tấm lòng tri ân của mình tới những thầy cô giáo. Tất cả công ơn của các thầy cô, những tình cảm thầy cô dạy dỗ để tôi có được như ngày hôm nay, tôi sẽ suốt đời ghi nhớ công ơn và trân trọng mãi mãi.
Những kiến thức thầy cô trao cho, tôi sẽ cố gắng bằng tất cả nhiệt huyết của mình, bằng tất cả tình cảm yêu thương của mình, sẽ tiếp tục dìu dắt các thế hệ học trò tiếp bước theo con đường vẻ vang mà các thầy cô đã đi qua.
Ngày này mỗi năm, các học trò thường tới thăm, chúc mừng và dành cho tôi những tình cảm yêu thương chân thành. Thông thường mỗi học trò theo học cô khoảng 8-10 năm, nhưng cũng có những em học trò mà tôi chỉ dạy 1 năm nhưng hơn 10 năm nay, năm nào em cũng về thăm cô, tình cảm ấm áp vô cùng.
* Trên chặng đường nghệ thuật 30 năm, người thầy nào có sức ảnh hưởng lớn nhất tới chị?
- Tôi vẫn thường nghĩ và chia sẻ với mọi người, tôi may mắn khi được học từ những thầy cô giỏi nhất. Người mà tôi vô cùng yêu mến, kính trọng và ngưỡng mộ chính là cố NSND Trung Kiên. Thầy mất đã gần một năm, đó là nỗi mất mát quá lớn với chúng tôi - học trò của thầy, cũng như ngành âm nhạc Việt Nam. Với tôi, thầy luôn trong trái tim, trong trí nhớ.
Qua lời kể của NSND Trần Thu Hà - vợ của thầy - NSND Trung Kiên là một trong những sinh viên được ghi tên trên bảng vàng danh dự của ngôi trường thầy học ở Nga. Điều đó quý vô cùng, vinh dự và tự hào lắm.
NSND Trung Kiên là người thầy vĩ đại, là thầy của những người thầy, với khối kiến thức vô cùng lớn và uyên bác, đã đào tạo thế hệ học trò của thầy là thế hệ vàng của nền thanh nhạc Việt Nam, như: cố NSND Lê Dung, NSND Quang Thọ, NSND Thu Hiền…
NSND Trung Kiên giúp cho Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam - Khoa Thanh nhạc - cái nôi đầu ngành âm nhạc Việt Nam, biên soạn toàn bộ giáo trình giảng dạy 4 năm trung cấp, 4 năm đại học cho tất cả các giọng nam - nữ cao, nam - nữ trung, nam - nữ trầm… Giáo trình đó được sử dụng trên toàn quốc đến giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Khi thầy còn sống, tôi hay nói với thầy, thầy tuyệt vời lắm, thầy là thế hệ kim cương lấp lánh, chúng con là học trò núp dưới cái bóng cao cả của thầy. Được nhận sang lớp của thầy là may mắn và là bước ngoặt đối với tôi.
Chúng tôi vẫn luôn cố gắng nhưng cũng tự nhủ rằng không biết đến bao giờ mới lại có một NSND Trung Kiên như thế. Thế hệ của NSND Quốc Hưng - Trưởng Khoa Thanh nhạc hiện giờ, hay thế hệ chúng tôi sau này, mãi mãi vẫn chỉ là những học trò nhỏ của thầy mà thôi.
* Ngoài ra, có những kỷ niệm đặc biệt về người thầy, người cô nào khi đi học, khiến chị nhớ mãi đến tận bây giờ?
- Kỷ niệm đáng nhớ à, tôi muốn kể về cô giáo - cố NSND Lê Dung! Năm 1999 khi thi vào Nhạc viện Hà Nội, hiện là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tôi may mắn khi được học cố NSND Lê Dung.
Mới vào lớp của cô, cô không nói với tôi mà kể với các chị học cùng lớp, rằng cô vui lắm khi có một em học đại học 1 có giọng hát hay mà cô rất thích, đó là Phương Nga.
Được cô gọi là “hạt giống đỏ”, dù không nói trực tiếp, tôi cũng thấy hạnh phúc vô cùng. Tuy thời gian gắn bó với cô không dài, chỉ hơn một năm thì cô mất, nhưng tôi yêu cô vô cùng. Những tình cảm mà cố NSND Lê Dung dành cho tôi, tôi luôn mang trong trái tim không thể nào quên được.
Với thế hệ khán giả thời đó, tiếng hát NSND Lê Dung được ví như tiếng chim họa mi, đẹp vô cùng. Còn với tôi, cô là một người nghệ sĩ rất tài hoa với kỹ thuật đẳng cấp quốc tế, cực kỳ điêu luyện. Điều tuyệt vời nhất là cô đã áp dụng những kỹ thuật điêu luyện đó sang xử lý những tác phẩm của Việt Nam.
Cô Lê Dung hát opera rất hay, hát các bản aria, romance nổi tiếng thế giới cũng tuyệt vời. Cô sử dụng kỹ thuật thanh nhạc bel canto vô cùng khéo léo, xử lý những tác phẩm của Việt Nam như Người Hà Nội, Bài ca hi vọng… hay những ca khúc gắn liền tên tuổi của cố NSND Lê Dung như Thương lắm tóc dài ơi, Khúc mùa thu… Không chỉ hát tròn vành rõ chữ mà khi cô hát có độ mềm mại, tinh tế, tình cảm vô cùng. Cô là nghệ sĩ có dấu ấn riêng không lẫn với bất kỳ ai cả.
Người nghệ sĩ luôn phải sáng tạo, phải có nét riêng nhưng tôi vẫn muốn bảo tồn những kiến thức mà cô vô cùng tâm huyết trao cho. Những ca khúc như Người Hà Nội, Bài ca hi vọng… đến giờ tôi vẫn hát theo cách cô dạy. Và đến giờ, tôi vẫn áp dụng cách mà cô dạy với các học trò của mình.
- Nghệ sĩ Phương Nga: Tôi thực hiện CD 'Tiếng hát giữa rừng Pác Bó' bằng cả trái tim
- Phương Nga Sao Mai ra mắt album và MV mừng sinh nhật Bác
- Ca sĩ Phương Nga 'chạm tim' khán giả với 'Quan Âm Mẹ từ bi'
Hạnh phúc của người thầy giản dị lắm!
* Nhiều năm qua, nghệ sĩ Phương Nga đã miệt mài tiếp bước các thầy cô, dìu dắt các học trò trưởng thành. Điều gì khiến chị hạnh phúc nhất khi ở vị trí một cô giáo luôn tận tâm như vậy?
- Tôi đã đi dạy từ lâu, hiện đã có biết bao thế hệ học trò từ trung cấp, đại học, cao học, trưởng thành và gặt hái nhiều thành tựu.
Ngay trong Khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam hiện có hai học trò của tôi hiện đã trở thành đồng nghiệp, đó là Sao Mai Bích Hồng đã giảng dạy nhiều năm và Sao Mai Thu Hằng hiện là trợ giảng của tôi.
Suy cho cùng, điều hạnh phúc nhất của người thầy là thấy học trò của mình thành đạt. Nhất lại là khi mình đào tạo được các học trò giỏi và các em lại trở thành những người thầy tiếp tục sự nghiệp trồng người, niềm vui ấy như được nhân lên.
* Vừa đảm trách vai trò người thầy, vừa liên tục ra mắt những sản phẩm âm nhạc mới và đi diễn nữa, có quá áp lực không, thưa chị?
- Trong môi trường khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, các thầy cô thường phải “gánh” 2 vai: vừa phải đảm trách vai trò là người giảng viên tốt, gương mẫu, làm tròn nhiệm vụ giảng dạy; đồng thời phải duy trì việc biểu diễn phục vụ công chúng. Nếu làm quản lý như tôi nữa là 3 vai - đúng là rất nhiều áp lực.
Nhưng đó cũng là điều hạnh phúc! Ai cũng phải có ước mơ, hoài bão. Dù có làm gì, bạn phải đam mê, yêu nghề thì mới có thể thành công. Không những thế, tình yêu nghề trong tôi còn cháy bỏng, và đó là nguồn động lực thúc đẩy mình phải cố gắng mỗi ngày.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Vài nét về nghệ sĩ Phương Nga Ca sĩ Phương Nga tỏa sáng từ năm 2001 với cú đúp giải Nhất Giọng hát Trẻ Hà Nội và giải Nhất Cuộc thi Sao Mai toàn quốc mùa đầu tiên (tháng 9/2001). Năm 2002, Phương Nga đạt Cúp Bạc Liên hoan Âm nhạc mùa xuân Bình Nhưỡng. Nghệ sĩ Phương Nga được đánh giá là giọng hát thính phòng sáng giá của nghệ thuật thanh nhạc đỉnh cao của Việt Nam cùng “thế hệ vàng” với những tên tuổi khác như: Trọng Tấn, Anh Thơ, Lan Anh… Hiện nghệ sĩ Phương Nga là Phó Trưởng khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Năm 2017, chị bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Âm nhạc học. Phương Nga từng ra mắt các sản phẩm như: album vol.1 Bóng cây Kơ-nia (2004), album vol.2 Ơi cuộc sống mến thương (2012), album vol.3 Hoa và nhạc (2013), MV Quan Âm Mẹ từ bi (2021), CD và MV Tiếng hát giữa rừng Pác Bó (2021)... 2021 là năm có nhiều dấu ấn với nghệ sĩ Phương Nga - tròn 20 năm chị đăng quang Sao Mai (2001-2021), gần 30 năm chị theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp. Không chỉ là nghệ sĩ biểu diễn sáng giá của dòng nhạc thính phòng Việt Nam mà nghệ sĩ Phương Nga còn luôn luôn đào tạo nhiều những thế hệ nghệ sĩ, ca sĩ tài năng của các dòng nhạc thính phòng, dân gian cho nền nghệ thuật thanh nhạc Việt Nam. |
Tiểu Phong (thực hiện)