Tiếc thương 'cọ vàng' nước Nga (kỳ 1): 'Tuman Zhumabaev đi rồi!'
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, nhiều người yêu hội họa ở Việt Nam bàng hoàng trước sự ra đi của một họa sĩ Nga hiện đại - Tuman Zhumabaev - ở tuổi 58. Với không ít các bạn trẻ, cái tên Tuman Zhumabaev hãy còn khá xa lạ, và do đó cũng không có nhiều người biết rằng ngay tại Hà Nội còn có một phòng tranh trưng bày nhiều tác phẩm của ông.
Tại Việt Nam, có một nơi lưu giữ dấu ấn của họa sĩ Tuman Zhumabaev theo cách rất riêng, không chỉ có những bức tranh mà còn có cả những câu chuyện, những kỷ niệm về người họa sĩ tài năng. Đó chính là Lilac Gallery (Tây Hồ, Hà Nội) - phòng trưng bày của một đôi vợ chồng từng là du học sinh ở Nga cuối những năm 1980, đầu những năm 1990. Họ là bạn của họa sĩ Tuman Zhumabaev từ thuở họ còn là những sinh viên nghèo khó ở nước Nga.
Người họa sĩ “nhạy cảm nhân hậu”
Biết và chơi với Tuman là cái duyên hết sức tình cờ thông qua người em trai của Tuman, một vận động viên karatedo nổi tiếng của Nga. Chính sự “gần gũi về tâm hồn” đã khiến vợ chồng bà Nguyễn Thị Hoàng Lan - chủ nhân phòng trưng bày Lilac Gallery - gắn bó khăng khít với Tuman suốt những năm tháng theo học tại Nga.
“Tuman có một giai đoạn gặp nhiều khó khăn, chúng tôi là bạn ở bên cạnh và động viên ông ấy rất nhiều. Có những biến cố xảy đến khiến Tuman đau khổ. Mãi sau này khi Tuman cầm lại bút vẽ, ông đã vẽ chính con trai của tôi. Bức vẽ khi ấy được thực hiện qua ảnh - cậu con trai của tôi khoảng 4 tuổi. Coi như bao nhiêu chất chứa ở trong lòng ông gửi gắm vào đôi mắt của cậu bé. Sau này, Tuman vẫn cứ nhắc lại những khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc mà chính ông tìm lại được niềm hy vọng, nghị lực để sống. Cho nên sự sâu nặng tình nghĩa của Tuman với chúng tôi là như thế!” - chủ nhân phòng tranh Lilac Gallery bộc bạch.
Là một họa sĩ nổi tiếng song ở Tuman người ta không cảm thấy sự xa cách. Ông rất gần gũi, chân thành và giản dị. Quãng thời gian ở Việt Nam, Tuman đi đến đâu ai cũng quý mến.
“Tuman chẳng câu nệ, ăn ở đâu cũng được, ngủ ở đâu cũng được, không quan trọng… Gặp ông, không ai nghĩ ông là một họa sĩ thiên tài, nổi tiếng. Tuman ở đây (Lilac Gallery) một tháng và vẽ. Ông đi khắp nơi và mọi người mời ông ấy ăn, uống không lấy tiền đâu, vì quý ông”.
Trong những câu chuyện về Tuman, bà Hoàng Lan nhắc đi nhắc lại một đức tính ẩn sâu ở ông là tình thương người. “Có lần Tuman đi đổi tiền lẻ, nhất quyết phải đổi được tiền lẻ, không phải để tiêu vặt mà để cho ăn xin. Tuman vẫn thường đi xung quanh hồ Hoàn Kiếm, để ngắm nghía cảnh vật, khi thấy trẻ con ăn xin dọc phố, cứ phát tiền lẻ cho chúng như thế thôi. Tuman bảo: Thấy bọn trẻ thương quá, không chịu được, phải đổi tiền lẻ cho chúng”.
Lòng nhân hậu của Tuman còn nằm ở những bức họa mà ông vẽ. “Tuman vẽ một người nông dân cho trâu ăn chẳng hạn, ông chú thích ở dưới là “Hai người bạn”. Nếu không có lòng nhân hậu thì có lẽ Tuman không thể nhìn được những điều như thế. Tài năng của Tuman là ở chỗ chuyển từ suy nghĩ, cảm xúc ra thành tranh”.
Tiếc thương vì sự ra đi quá sớm
Trang thông tin của thành phố Saint Peteburg khi đưa tin về sự ra đi của họa sĩ Tuman Zhumabaev đã có những đánh giá đầy trân trọng: “Cả cuộc đời ông đã cống hiến cho nghệ thuật, bút pháp tuyệt vời của ông đã hơn một lần được so sánh với họa sĩ người Hà Lan - Rembrant, cha đẻ hội họa thế giới. Tuman là họa sĩ nhân dân, ông yêu con người, đất nước và tình yêu đó đã được đưa vào những bức tranh để đời…”.
Qua đời ở tuổi 58, đương độ chín của tài năng, sự ra đi của Tuman là một mất mát lớn với nền hội họa Nga và thế giới. Những tiếc thương cứ kéo dài, kéo dài mãi, từ xứ sở Bạch Dương xa xôi sang đến tận Việt Nam - nơi mà Tuman có những người bạn thân tình và trân quý. Ai nấy cũng đều bàng hoàng, xót thương.
Họa sĩ trẻ người Nga Plotnikov Evgraf Evgenievich bày tỏ: “Tuman là một nghệ sĩ tuyệt vời có tâm hồn rộng lớn và trải nghiệm cuộc sống đáng kinh ngạc. Tôi hạnh phúc khi được gặp ông ấy! Những người như Tuman không bao giờ ngừng truyền cảm hứng bằng suy nghĩ, hành động và câu chuyện của họ. Hãy nhớ rằng chúng ta không phải là vĩnh cửu, hãy trân trọng cuộc sống mà chúng ta đang có. Không quan trọng cuộc sống kéo dài bao lâu, quan trọng hơn là làm được gì trong cuộc sống của mình. Yêu nó! Nhẫn nại! Hãy thành thật với bản thân! Làm điều mình yêu thích! Đừng sợ khó khăn! Hãy cởi mở và tử tế! Tuman đã dạy tôi điều này. Và tôi ước gì mọi người đều may mắn gặp được ít nhất một người sẽ mang đến cho bạn sức mạnh tuyệt vời này”.
Ngày biết tin Tuman ra đi, một người bạn thân thiết của họa sĩ Tuman Zhumabaev tại Việt Nam, nhà văn Lê Thanh Minh xúc động viết trên trang cá nhân của mình: “Thế là bạn tôi, họa sĩ Tuman Zhumabaev đã bỏ chúng ta đi rồi. Vội vã đến mức không ai tin đấy là sự thật. Hồi tháng 4 anh còn gọi điện cho tôi nói anh sẽ sang Việt Nam vào tháng 5 nếu dịch Covid-19 qua đi… Tôi đã khuyên anh đừng sang, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, ở Việt Nam và cả thế giới hiện không có chỗ nào là an toàn. Tuman bảo, anh đã quyết rồi. Khuyên anh vậy nhưng tôi vẫn chờ điện thoại, chờ chuyến thăm của anh. Thế rồi hôm qua... tôi nhận được tin anh mất đột ngột ở tuổi 58. Sao lại thế hả Tuman? Anh còn nhiều việc phải làm, nhiều dự định chưa hoàn thành. Vội vã gì chứ, cái nơi anh đến ấy trước sau gì chúng ta cũng đến thôi...”.
Trưng bày 30 tranh "Việt Nam - Tiếng gọi từ tâm hồn" Như một cách để tưởng nhớ và tri ân họa sĩ Tuman Zhumabaev với tình cảm đặc biệt thân thiết dành cho Việt Nam, từ ngày 15/8, Lilac Gallery trưng bày khoảng 30 bức tranh vẽ về Việt Nam của họa sĩ Tuman Zhumabaev với chủ đề Việt Nam - Tiếng gọi từ tâm hồn. Trong số những bức tranh của Tuman được trưng bày tại Lilac Gallery có cả những bức tranh ông đang vẽ dở vào những ngày cuối cùng ở Việt Nam. Theo chia sẻ của chủ nhân Lilac Gallery, thời gian tới, khi điều kiện cho phép, những bức tranh mà họa sĩ Tuman Zhumabaev vẽ thời gian qua tại Nga cũng sẽ được chuyển đến Việt Nam và trưng bày tại Lilac Gallery, với mục đích tôn vinh, làm phong phú và sinh động thêm không gian tưởng nhớ về ông tại Việt Nam. |
Vài nét về họa sĩ Tuman Zhumabaev Họa sĩ Tuman Zhumabaev sinh ngày 10/3/1962 tại làng Kyzyl-Tuu, gần Hồ Sary - Chelek của Kyrgyzstan, có tài năng hội họa từ nhỏ. Từ năm 1980 - 1991, Tuman từng học 4 năm ở Trường Đại học nghệ thuật Serov và học tiếp 5 năm ở Viện Hàn lâm nghệ thuật Repin của Nga. Ông là học trò của Nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô, Viện sĩ Yuri Neprintsev. Ông đã 2 lần nhận được Giải thưởng lớn tại Cuộc thi hội họa quốc tế Poppy Prairie được tổ chức tại Paris (Pháp). Từ năm 2006, ông là thành viên của Hiệp hội Họa sĩ vẽ chân dung Mỹ. Triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của Họa sĩ Tuman Zhumabaev diễn ra tại Áo vào năm 1996. Từ đó đến nay, ông đã tổ chức trên 30 triển lãm tranh cá nhân tại các thành phố lớn của Nga, Trung Quốc, Áo, Ba Lan, Hungary, Pháp, Nhật, Iran, Việt Nam, Australia… Bức chân dung Tổng thống Putin do ông vẽ đã được chính quyền Saint Petersburg lựa chọn để tặng nhân ngày sinh nhật như món quà từ thành phố quê hương của Tổng thống. Ông mất ngày 7/8/2020. |
(Còn tiếp)
Công Bắc