A+ A A- Kiểu đọc sách

Thúc đẩy, vận hành điện ảnh như một ngành kinh tế, công nghiệp văn hóa

17:20 27/08/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Cần phải coi điện ảnh là một phần của ngành công nghiệp văn hóa, đòi hỏi có cơ chế thúc đẩy, vận hành điện ảnh như một ngành kinh tế, tuân theo các quy luật thị trường, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

'Vaccine' cho điện ảnh Việt Nam: Vượt khó bằng thích nghi và sáng tạo

'Vaccine' cho điện ảnh Việt Nam: Vượt khó bằng thích nghi và sáng tạo

Ở thời điểm dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, rạp chiếu phim chưa thể mở cửa, đội ngũ những người làm phim cần nỗ lực tìm cách thích nghi, không ngừng lao động và sáng tạo…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh như trên trong phát biểu tại Phiên họp mở rộng Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), diễn ra sáng 27/8.

Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội hoan nghênh Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến kết luận tại cuộc làm việc ngày 13/8 của lãnh đạo Quốc hội với với các cơ quan chủ trì thẩm tra để cho ý kiến về công tác chuẩn bị 7 dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, trong đó có dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tinh thần chung là phải nâng cao chất lượng công tác xây dựng Luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chuẩn bị từ sớm, từ xa và đặt ra yêu cầu nhất định phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, chất lượng các dự án, dự thảo, nội dung trước khi trình Quốc hội.

Chú thích ảnh
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chủ trì phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc của cơ quan soạn thảo là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Văn phòng Quốc hội; Viện Nghiên cứu lập pháp; Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, người có kinh nghiệm, các cộng tác viên…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, trong tháng 9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội.

Để chuẩn bị tốt cho dự án Luật trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu dự Phiên họp thẩm tra quan tâm, tiếp tục thảo luận và lưu ý về một số vấn đề. Theo đó, cần nhìn nhận điện ảnh ở 2 góc độ: là một loại hình nghệ thuật, phải bảo đảm các yêu cầu về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; và là một phần của ngành công nghiệp văn hóa, đòi hỏi phải có cơ chế thúc đẩy, vận hành điện ảnh như một ngành kinh tế, tuân theo các quy luật thị trường, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

"Luật khi ban hành phải phục vụ tốt yêu cầu về sự tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền sáng tạo, hưởng thụ giá trị văn hóa, nghệ thuật của người dân và cộng đồng", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý.

Dự án Luật cũng đặt ra vấn đề xây dựng nền điện ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế cũng như khuyến khích phát triển thị trường điện ảnh trong nước. Xem xét các quy định về điện ảnh trong bối cảnh khoa học, công nghệ đang phát triển mạnh mẽ và tác động trực tiếp, làm thay đổi thị hiếu người xem. Cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách phát triển điện ảnh, xây dựng hệ sinh thái sản xuất phim, khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài cho phát triển điện ảnh; các quy định về sở hữu trí tuệ và quảng cáo trong tác phẩm điện ảnh.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh đến việc khắc phục tình trạng "luật khung", "luật ống", những vẫn đề đã rõ, có tính ổn định cao cần quy định rõ, chi tiết tại Luật để thực hiện. Cụ thể hóa tối đa các quy định, đưa vào Luật những nội dung ở các văn bản dưới luật đã được kiểm chứng, có tính ổn định cao. Chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết những vấn đề có tính linh hoạt, nhiều biến động trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, rà soát các quy định thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước, nhất là liên quan đến thẩm định, cấp phép phân loại phim, xuất khẩu phim, nhập khẩu phim, phát hành phim; cấp phép đối với liên hoan, giải thưởng, cuộc thi phim… trên tinh thần phải đổi mới, thông thoáng hơn, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh, khuyến khích toàn xã hội tham gia phát triển điện ảnh.

Để hoàn thiện dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các cơ quan tổ chức về điện ảnh, tham khảo kinh nghiệm của các nước có nền điện ảnh phát triển… Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục nghiên cứu sâu, tiếp thu các góp ý; thực hiện việc thẩm tra dự án Luật đúng quy trình, quy định với chất lượng cao nhất, đồng thời, tiếp tục tổ chức xin ý kiến góp ý trên tinh thần "xin ý kiến càng rộng, càng sâu càng tốt", nhất là ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu tác động trực tiếp của Luật để có đầy đủ cơ sở lý luận, thực tiễn trong việc chuẩn bị báo cáo thẩm tra, báo cáo thiếp thu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua đạt chất lượng, tiến độ đề ra.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, sau 15 năm thi hành, Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm  2009) cho thấy nhiều quy định hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, không tương thích với hệ thống pháp luật liên quan; việc áp dụng một số quy định còn khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và mạng xã hội đã tác động, làm thay đổi cả về quy trình, phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim và cách tiếp cận, thụ hưởng tác phẩm điện ảnh của người dân, đòi hỏi cần phải sửa đổi Luật.

Về tổng thể, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 52 điều; kế thừa các quy định hiện hành hợp lý; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới, trong đó bổ sung 1 chương về quảng bá, xúc tiến, phát triển điện ảnh; bổ sung mới 19 điều; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của Luật hiện hành để khắc phục bất cập trong thực tiễn.

Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu xây dựng Luật nhằm phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, xây dựng thị trường điện ảnh theo tinh thần của Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Thường trực Ủy ban cho rằng dự thảo Luật cần bổ sung các cơ chế, chính sách có tính đột phá đổi với hoạt động điện ảnh.

Việt Đức/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...