Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: 'Ngành du lịch cần biết chớp thời cơ'
(Thethaovanhoa.vn) - Cho rằng, ngành du lịch nước ta vẫn còn nhiều yếu kém Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn nói: Ngành du lịch cần phải biết chớp thời cơ, nhân sự kiện Festival Di sản Unesco Việt Nam - Asean để quảng bá hình ảnh đất nước.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đồng thời cũng là Trưởng Ban chỉ đạo sự kiện lớn này, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12-2013 tại Lâm Đồng.
Cơ hội quảng bá
* Thưa Thứ trưởng, ông từng có nhiều phát biểu rất tâm huyết về thực trạng ngành du lịch nước nhà. Sắp tới lại là trưởng ban chỉ đạo một sự kiện lớn liên quan đến di sản. Vậy ông kỳ vọng gì ở sự kiện này?
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Festival Di sản Unesco Việt Nam - Asean lần thứ nhất là sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế. Tổ chức Festival này không chỉ có ý nghĩa với đất nước chúng ta, mà còn là để các nước trong khu vực giới thiệu cho nhau, vinh danh lẫn nhau các di sản của nước mình. Tôi cũng mong, sau sự kiện này, hình ảnh của nước ta sẽ được cải thiện đáng kể. Nó rất hữu ích đối với ngành du lịch.
* Hữu ích với ngành du lịch, ông có thể nói rõ hơn?
- Đã nhiều lần tôi nói đến sự yếu kém của ngành du lịch, lần này tôi vẫn bảo lưu quan điểm ngành du lịch của chúng ta còn rất nhiều yếu kém, chúng ta chưa có những hoạt động tích cực để chúng ta làm cho hình ảnh đất nước con người Việt Nam rõ nét hơn, thu hút hơn để làm cho bạn bè, du khách thế giới thấy được tầm giá trị, dáng vóc của đất nước chúng ta, từ đó đến với nước ta nhiều hơn. Với hoạt động này, tôi nghĩ nếu ngành du lịch biết chớp thời cơ, nương theo sự kiện thì sẽ làm rất hiệu quả.
* Song hành cùng với Festival Di sản Unesco Việt Nam - Asean còn có các hoạt động như: Công bố năm du lịch Quốc gia Tây Nguyên - Đà lạt năm 2014, Festival hoa Đà Lạt lần thứ V... đều diễn ra cùng thời điểm và địa điểm, vậy điểm nhấn chủ yếu là gì, thưa ông ?
- Điểm nhấn, hình ảnh thông suốt của chương trình đó chính là di sản. Festival Di sản Unesco Việt Nam - Asean cũng sẽ là hoạt động chủ đạo, có tính chất bao trùm hơn các hoạt động khác. Bởi như tôi đã nói, sự kiện này xét về quy mô và ý nghĩa đều có ảnh hưởng ở tầm cỡ khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu sự kiện như Công bố năm du lịch Quốc gia Tây Nguyên - Đà lạt được lui lại ở một thời điểm khác thì sẽ có lợi hơn.
Festival di sản Unesco Việt Nam - Asean diễn ra từ ngày 27 đến 31-12 do Bộ Ngoại giao chủ trì với sự tham gia của 10 quốc gia Asean và bốn nước đối tác của Asean (Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản). Festival sẽ có bốn nội dung chính, gồm: Trình diễn di sản phi vật thể Unesco - Asean; Hội thảo quốc tế “Mạng lưới di sản Unesco tại Đông - Nam Á: bảo tồn gắn với phát triển bền vững”; Vườn di sản và nghệ thuật sắp đặt di sản văn hóa, thiên nhiên Unesco - Asean; Carnaval di sản Unesco Việt Nam - Asean và hoa Đà Lạt. |
* Chọn di sản để tổ chức Festival, vậy ông có thể cho biết vai trò của di sản đối với nước ta, và rộng ra là mỗi quốc gia như thế nào?
- Di sản văn hóa là kết tinh nền văn hóa đặc sắc của mỗi nước. Di sản văn hóa dù ở lĩnh vực nào cũng là kết tinh tinh hóa của dân tộc đó. Vinh danh di sản của nhau sẽ tạo sự đoàn kết rất lớn trong các nước Asean và từ đó chúng ta thực hiện một trong ba mục tiêu cơ bản của hợp tác Asean đó là liên kết các quốc gia Asean bằng con đường truyền thống, góp phần thúc đẩy hợp tác an ninh chính trị và kinh tế của các nước Asean sẽ gắn bó và phát triển.
* Lần đầu tiên tổ chức một sự kiện lớn như thế, công tác tổ chức đã được chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
- Đúng như tầm vóc và quy mô của Festival công tác tổ chức đã được chúng tôi chuẩn bị hết sức chu đáo. Kịch bản của từng chương trình, từng thời điểm đều được tính toán kỹ, do những người ưu tú trong lĩnh vực Văn hóa- nghệ thuật đảm nhận. Chính các quốc gia được mời tham dự cũng đánh giá rất cao về điều này và khẳng định sự tham gia của họ. Nếu chúng ta tổ chức thành công, đây sẽ là một tiền đề tốt đẹp để các nước trong khu vực luân phiên nhau tổ chức. Dự kiến, vào khoảng tháng 10 sẽ có một cuộc họp báo quốc tế về sự kiện này.
* Cảm ơn Thứ trưởng!
Thực hiện Cao Tùng