loading...
(Thethaovanhoa.vn) - “Mục đích của chúng tôi là một sân khấu biểu diễn để các ban nhạc hòa nhập cùng nhau, chơi sòng phẳng bên cạnh nhau, không ai có nghĩa vụ hay trách nhiệm phải làm nền cho ai. Đã từ lâu, yếu tố ban nhạc bị xem nhẹ và chúng tôi cũng muốn giúp công chúng hiểu rõ hơn tầm quan trọng của những nghệ sĩ luôn phải lùi ra phía sau ánh đèn”, đó là những chia sẻ đầy tâm huyết của nhạc sĩ Anh Quân về The BandFest 2018 – ngày hội giao lưu các ban nhạc, lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam.
Thời nào cũng vậy, vai trò của người ca sĩ được đẩy lên cao hơn so với ban nhạc đệm thường được xem như điều hiển nhiên, một thứ luật ngầm bất thành văn mà ai cũng hiểu. Tuy nhiên, làng nhạc Việt hiện đang phải chứng kiến sự mất cân bằng khá nặng nề giữa ca sĩ và ban nhạc: số lượng ca sĩ nổi tiếng quá đông, số lương ban nhạc nổi tiếng quá ít, không có bất kỳ sự gắn kết chặt chẽ và dài hơi nào giữa hai nhóm đối tượng này ngoại trừ một trường hợp được xem như “cá biệt”: Mỹ Linh và ban nhạc Anh Em, tính ra cũng đã gần 30 năm.
Từ khi nền âm nhạc đại chúng ra đời cách đây khoảng một thế kỷ, cả thế giới đã phải ghi nhận những công lao to lớn của các ban nhạc trong việc định hướng, cách tân và mở ra những xu hướng mới – đặc biệt trong hai thể loại jazz và rock. Lợi thế của ban nhạc nằm ở việc có thể phát huy tối đa sức mạnh của tập thể, phân chia đồng đều trách nhiệm và lợi ích. Các thành viên trong ban nhạc cũng có thể đảm nhận luôn việc sáng tác, phối khí, sản xuất. Cho tới nay, The Beatles vẫn đứng đầu danh sách những ban nhóm/nghệ sĩ ăn khách nhất mọi thời và nhìn vào đó, chúng ta còn thấy vô số cái tên nổi bật khác như Led Zeppelin, Pink Floyd, Queen, AC/DC, The Rolling Stone, ABBA, Eagles, U2, Aerosmith, Metallica, Bon Jovi, Fleetwood Mac, Guns & Roses…
Công chúng Việt Nam cũng đã hơn một lần chứng kiến sự thăng hoa của các ban nhóm, và đó đều là những giai đoạn cực kỳ đáng nhớ, có thể nói là cột mốc lớn của nền âm nhạc nước nhà. Lần thứ nhất là ở miền Nam những năm trước 1975, khi nhạc phương Tây tràn vào làm dấy lên làn sóng nhạc trẻ và các đại nhạc hội diễn ra khắp nơi để từ đó xuất hiện những vô số ban nhạc tài danh như Strawberry Four, The Blue Jets, The Dreamers, The Rocking Stars, Phượng Hoàng, Mây Trắng, The Enterprise… Vô số ca sĩ lừng danh của nền tân nhạc Việt Nam đều bước ra từ những ban nhóm này, có thể kể đến ba anh em Tuấn Ngọc – Anh Tú – Khánh Hà, ba anh em Duy Quang – Thái Hiền – Thái Thảo, Elvis Phương, Bích Loan, Julie Quang, Trung Hành, Billy Shane…
Lần thứ hai là những năm 1990 đến giữa 2000, khi trào lưu nghe rock trở lại với giới trẻ Việt và các ban nhạc cũng theo đó mọc lên. Ban đầu họ chuyên cover các bài “hit” nổi tiếng thế giới nhưng sau đó bắt đầu tự sáng tác, hòa âm, tìm tòi và phát triển một lối đi riêng cho mình. Cũng không ngoa khi nói đây là thời điểm trăm hoa đua nở, từ Nam chí Bắc với những cánh chim đầu đàn đã trở thành biểu tượng như Da Vàng, Đen Trắng, Buổi Sáng, Đại Bàng Trắng, Atomega, rồi đến các lứa sau như Bậc Thang, Bức Tường, Coming Late, Desire, Gạt Tàn Đầy, Buratinox cho tới gần đây là Microwave hay Ngũ Cung… Dù hầu hết là dân tay ngang nhưng bằng đam mê, nhiệt huyết, họ đã tạo ra cả một xu hướng thưởng thức rock Việt mà cho đến bây giờ vẫn còn chưa nhạt phai trong lòng cả những người đã bước sang tuổi tứ tuần.
Một trong những nguyên nhân quan trọng để nhạc sĩ Anh Quân quyết tâm “bỏ tiền túi” ra làm The BandFest 2018 chính là “lâu lắm rồi chúng ta mới có một lứa ban nhạc trẻ đủ tài năng, đủ độ chuyên nghiệp để dần dần chiếm lĩnh được thị trường trong tương lai không xa”. Nghệ sĩ Nguyên Lê cũng tỏ thái độ ủng hộ nhiệt tình bằng cách tham gia The BandFest 2018 “như một ban nhạc bình thường chứ không phải cái đinh của cả đêm diễn” và người sẽ chơi trống trong nhóm tứ tấu của ông là Minh Hiếu, tay trống của Jazz Glory Band. Với riêng Nguyên Lê, ông cũng coi đây là một dịp may để có thể truyền tải thêm nhiều kinh nghiệm cho các bạn trẻ - những người say mê dòng nhạc đầy ngẫu hứng, giàu cá tính nhưng còn chưa phổ biến ở Việt Nam.
Nói thêm về việc lựa chọn jazz là chất liệu chính trong The BandFest 2018, nhạc sĩ Anh Quân cho biết, “vì khách mời là anh Nguyên Lê và ban nhạc nên chúng tôi cần tạo ra sự đồng điệu và xuyên suốt trong chương trình. Bên cạnh đó, jazz cũng là một trong vài dòng nhạc cực kỳ đề cao ban nhạc và yếu tố hòa hợp giữa các thành viên. Jazz luôn mới mẻ do tính ngẫu hứng khi biểu diễn”. Mặc dù có sự góp mặt của ca sĩ Mỹ Linh và ca sĩ Anna Hogberg nhưng chương trình vẫn thiên về hòa tấu hơn. Người yêu jazz ở Hà Nội thì đông nhưng cơ hội thưởng thức một đêm nhạc dài hơi với nhiều ban nhạc thế này không có nhiều, vì ở thủ đô cũng chỉ có vài nơi chuyên về jazz mà thôi. Ngoài nhóm tứ tấu của Nguyên Lê và Jazz Glory Band, trong chương trình còn có sự tham gia của Yellow Star Big Band với 17 thành viên và PB Nation (feat Màu Nước Band).
Với nhạc sĩ Anh Quân, người đảm nhiệm vị trí giám đốc âm nhạc, The BandFest 2018 có nhiều ý nghĩa hơn một buổi diễn thuần túy. Anh muốn qua đó dấy lên một tiếng nói từ các ban nhạc, muốn thị trường và cả những người làm nghề có cái nhìn công tâm hơn nữa về các nhạc công, những người đã và đang góp phần công sức không nhỏ vào thành công của bất kỳ ca sĩ nào. Bên cạnh đó, việc để các bạn trẻ “sống được và làm được những gì họ yêu thích cũng quan trọng không kém. Như thế tương lai nền âm nhạc của chúng ta mới có thể vững bền”, nhạc sĩ Anh Quân kết luận.
The BandFest 2018 được tổ chức một đêm duy nhất 30/4 tại Nhà hát lớn Hà Nội, là dự án khởi nguồn bởi “Cảm hứng trẻ - Tầm nhìn trẻ” xuyên suốt và nhiệt huyết của cặp đôi nghệ sĩ Anh Quân – Mỹ Linh trong nỗ lực thúc đẩy và làm bệ đỡ cho các tài năng âm nhạc trẻ Việt Nam. |
The BandFest 2018 (Ngày hội Giao lưu các ban nhạc 2018) là "phát súng" mở màn cho dự án âm nhạc dài hơi của nhạc sĩ Anh Quân với kỳ vọng góp phần làm "sống lại" thời kỳ hoàng kim của các ban nhạc Việt Nam.
Hoài Điệp
loading...