Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển ngành nhiếp ảnh
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 2/1, Sở Văn hóa và Thể thao cùng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Đánh giá thực trạng, dự báo xu hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành nhiếp ảnh đến năm 2030”.
Đây là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, nghệ sĩ nhiếp ảnh trao đổi, thảo luận tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành nhiếp ảnh, khai thác đúng giá trị, định hướng đáp ứng nhu cầu của xã hội trong giai đoạn mới.
Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiếp ảnh Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh trước đây được sử dụng như công cụ tuyên truyền hiệu quả trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây cũng là giai đoạn thành công rực rỡ nhất của nhiếp ảnh, trong đó phải kể đến các nhà nhiếp ảnh Sài Gòn, Chợ Lớn, các phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam như: nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài, Lâm Hồng Long...
“Cũng nhờ có vai trò lưu giữ hình ảnh lịch sử của nhiếp ảnh nên các thế hệ trẻ hôm nay mới hình dung, hiểu và biết những chiến tích hào hùng của quân và dân Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và công cuộc xây dựng đất nước”, ông Tâm chia sẻ.
Sau ngày thống nhất đất nước, nhiếp ảnh thành phố tiếp tục phát triển mạnh cả về số lượng nghệ sĩ nhiếp ảnh; nội dung, chất lượng tác phẩm ảnh; đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Với tính phản ánh hiện thực một cách khách quan và sự hỗ trợ của các thiết bị kỹ thuật hiện đại, nghệ thuật nhiếp ảnh ngày nay dễ dàng đi vào đời sống xã hội và trở thành nhu cầu cấp thiết; nhiếp ảnh Thành phố đã khẳng định vị thế không thể thiếu của mình trong đời sống xã hội và càng ngày càng phát triển.
- Công bố các sự kiện mỹ thuật, nhiếp ảnh tiêu biểu và hạn chế năm 2019
- Thu 120 triệu đồng từ triển lãm ảnh 3D của nhiếp ảnh Thái Ngọc Sơn, Lữ Đắc Long
- Nhiếp ảnh gia Joseph Gobin: Kể chuyện 'trà đá vỉa hè' Hà Nội
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố nhận định: Nhiếp ảnh thành phố đóng vai trò quan trọng trong quá khứ thông qua việc tuyên truyền, ghi lại những khoảnh khắc lịch sử và cùng cả nước đưa hình ảnh Việt Nam ra khắp thế giới.
“Nhiếp ảnh thành phố đã có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc đổi mới của đất nước, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người mới trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong phát triển và hội nhập sâu rộng quốc tế”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình khẳng định.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, nhiếp ảnh là một trong những ngành mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp Văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược phát triển ngành nhiếp ảnh thành phố trong thời gian tới cần phải đảm bảo về chất và lượng; từng bước đóng góp vào phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, góp phần phát triển các sản phẩm dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ sáng tạo của người dân trong nước và xuất khẩu, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Cùng quan điểm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Quốc Dũng cho rằng, nhiếp ảnh trong tương lai tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước. Nhiếp ảnh là nguồn cung cấp thông tin, số liệu, thống kê; nhiếp ảnh là minh chứng sống, phản ánh chân thật, khách quan, là công trình nghệ thuật sáng tạo, là công cụ thiết thực trong tuyên truyền, phản ánh đầy đủ các hoạt động trên các lĩnh vực đời sống xã hội, kinh tế, chính trị.
Nhiếp ảnh thành phố không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với nhiếp ảnh Việt Nam trong quá khứ, mà hiện tiếp tục là cầu nối giữa nhiếp ảnh Việt Nam và thế giới. Điển hình trong thời gian gần đây là các hoạt động hợp tác giao lưu quốc tế giữa thành phố với Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA), Hội Nhiếp ảnh Hàn Quốc… Đây cũng là cơ hội để các nhiếp ảnh gia thành phố giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, xu hướng sáng tác mới, hướng đến hoạt động nghệ thuật nhiếp ảnh thành phố hội nhập cùng với nhiếp ảnh thế giới.
Theo Thạc sĩ Trần Thị Lệ, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố, một trong những trọng tâm mà nhiếp ảnh thành phố cần làm trong giai đoạn tới là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về hoạt động nhiếp ảnh; hoàn thiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại; xây dựng và phát triển thị trường nhiếp ảnh và công chúng tiêu dùng nhiếp ảnh.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần phát triển ngành nhiếp ảnh dựa trên sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa; phát triển ngành nhiếp ảnh có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình; gắn liền với việc quảng bá hình ảnh con người thành phố, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế...
Thanh Vũ - TTXVN