Thành lập Trung tâm Giám định mỹ thuật: Đủ mắt xích để hình thành thị trường mỹ thuật
(Thethaovanhoa.vn) - Cuối năm 2018, Bộ VH,TT&DL quyết định cho thành lập Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Đây là đơn vị đầu tiên đóng vai trò “trọng tài” trong việc thẩm định tranh, giúp minh bạch thị trường mỹ thuật Việt.
Trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH,TT&DL) cho biết: “Nếu nói đến luật pháp, chúng ta có Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Dân sự, Nghị định đấu giá tài sản,Nghị định 113 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật. Nếu nói về một bộ luật, một văn bản hoàn chỉnh thì chúng ta cần một số văn bản cần hướng dẫn cụ thể hơn, sát với thực tế hơn. Nghĩa là khung thì đã có, vấn đề còn lại là nằm ở việc vận hành.
* Vậy trong thời gian qua, thị trường mỹ thuật theo ông đã vận hành như thế nào?
- Thời gian vừa qua, chúng ta có thị trường mỹ thuật nhưng thị trường còn non trẻ, mới bắt đầu vận hành theo hướng chuyên nghiệp, cũng có thiết chế, mắt xích tương đối hoàn chỉnh. Muốn có thị trường, chúng ta cần có cácyếu tố hợp thành thị trường, ví dụ có đào tạo tốt, nên có lực lượng nghệ sĩ; những người làm mỹ thuật đã có những gallery ở các thành phố lớn; có các triển lãm và hội chợ nghệ thuật; có các nhà đấu giá như Lạc Việt, Chọn (ở Hà Nội), Lý Thị và một số nhà đấu giá khác ở TP.HCM…
* Một thị trường mỹ thuật đang có những tín hiệu vui như thế thì vì sao lại cần phải có “trọng tài” trong vấn đề này, thưa ông?
- Trong thời gian vừa qua, vấn đề nóng hổi là tranh đạo, tranh nhái phong cách, tranh mạo danh, tranh giả gây ý kiến trái chiều. Chúng ta có quy định về tranh sao chép nhưng thiếu mắt xích quan trọng là giám định.
Nếu có trung tâm giám định, chúng ta sẽ có đủ mắt xích để hình thành thị trường mỹ thuật, vấn đề nằm ở sựvận hành củangười trong cuộc, xã hội chấp hành nghiêm túc, công khai minh bạch các quy định là có thể nói chúng ta đã có đủ các yếu tố hợp thành một thị trường mỹ thuật rồi.
Đầu tháng 12 vừa qua, chúng ta đã có Trung tâm Giám định và Triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước, điều này cũng là đặc biệt bởi trên thế giới không có trung tâm nào thuộc chính phủ hoàn toàn mà hầu hết các trung tâm giám định là phi chính phủ do tư nhân vận hành.
* Vậy vì sao Bộ VH,TT&DL lại cho phép thành lập Trung tâm, thưa ông?
- Bộ xác định trong lúc mà không ai muốn làm, không ai chịu làm thì Bộ giao cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm quản lý và vận hành một thời gian để góp phần chấn chỉnh và đưa hoạt động đi vào nề nếp, công khai minh bạch để thị trường vận hành đúng định hướng, chủ trương và quy luật phát triển của thị trường nghệ thuật.
Khi có một cá nhân, tổ chức phi chính phủ nào đó có khả năng làm thì sẽ giao cho họlàm.
Cũng phải nói lại cho rõ để những người hoạt động trong nghề hiểu rằng không có trung tâm giám định nào thuộc nhà nước kiểu như chúng ta vừa thành lập ở các quốc gia trên thế giới. Và tôi phải nhấn mạnh thêm để không bị hiểu lầm rằng Trung tâm hoạt động với sự can thiệp của nhà nước.Chúng tôi cũng đã nghiên cứu mô hình hoạt động các trung tâm ở các quốc gia trên thế giới rồi, tất cả trung tâm này đều vận hành theo cơ chế thị trường, quy luật cạnh tranh.
* Vậy dưới quan sát của ông, thị trường mỹ thuật Việt Nam đang đi theo hướng nào?
- Tôi nghĩ thị trường mỹ thuật Việt Nam đang đi theo hướng chuyên nghiệp.Đó là tín hiệu rất tốt dù rằng một vàiđơn vị đấu giá còn có nhiều chuyện này, chuyện kia khi đấu giá các tác phẩm chưa được giám định, chưa xác định được nguồn gốc, hoặc tác giả chưa đúng.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì đó vẫn là tín hiệu tốt vì đấu giá thể hiện là việc hướng đến thị trường công khai minh bạch. Có điều chúng ta phải làm bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn khi hướng đi của chúng ta đang đúng.
Trong năm 2018 vừa qua, các nhà sưu tập đã hình thành một hệ thống có tiềm năng và có mong muốn đưa tác phẩm mỹ thuật của Việt Nam đi đấu giá ở nước ngoài hoặc đưa tác phẩm nước ngoài để đấu giá ở Việt Nam. Có thời gian chúng ta bị chảy máu chất xám, chảy máu tác phẩm nghệ thuật ra nước ngoài thì đến bây giờ các nhà sưu tập của Việt Nam đã tham gia vào thị trường quốc tế, tham gia đấu giá quốc tế, tham gia mua bán các tác phẩm quốc tế để đưa lại thị trường Việt Nam. Đó chính là tín hiệu đáng mừng.
Các tập đoàn kinh tế lớn trong nước cũng đã tổ chức các sự kiện nghệ thuật, đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, cho thấy sự quan tâm của các tập đoàn kinh tế đến nghệ thuật, sự quan tâm của xã hội tới mỹ thuật theo hướng chuyên nghiệp hóa.
* Vậy Cục có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy thị trường mỹ thuật luôn đi theo hướng chuyên nghiệp hóa như ông vừa nói ở trên?
- Nhiệm vụ của Cục là tham mưu cho Bộ để xây dựng các văn bản để quản lý và vận hành hoạt động mỹ thuật từ sáng tác, công bố đến tiêu thụ phổ biến tác phẩm, nên cần có văn bản sát với thực tế và thúc đẩy sự phát triển của ngành mỹ thuật,tiến đến xây dựng Luật Mỹ thuật và tôi cho đây là nội dung cần thực hiện tốt trong thời gian tới.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Vài nét về Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh Hội đồng giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh sẽ gồm: Hội đồng giám định tác phẩm hội họa - đồ họa do họa sĩ Lương Xuân Đoàn làm Chủ tịch; Hội đồng giám định tác phẩm điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt sẽ do PGS-TS Vương Học Báu làm Chủ tịch; Hội đồng giám định tác phẩm nhiếp ảnh sẽ do nhà nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh làm Chủ tịch. Mức giá trả cho hội đồng thẩm định trong việc giám định 1 đến 3 tác phẩm là 35 triệu đồng. Mức giá trả cho hội đồng thẩm định trong việc giám định từ 4 đến 10 tác phẩm là 70 triệu đồng. Mức giá trả cho hội đồng thẩm định trong việc giám định từ 11 đến 20 tác phẩm là 140 triệu đồng. Mức giá trả cho hội đồng thẩm định trong việc giám định từ 21 đến 50 tác phẩm là 140 triệu đồng. Mức giá trả cho hội đồng thẩm định trong việc giám định từ trên 50 tác phẩm là 281 triệu đồng. Bên cạnh đó, nếu tác phẩm giám định có thêm sự thẩm định của công nghệ với sự giúp sức của Viện Khoa học Kỹ thuật Hình sự (Bộ Công an), người yêu cầu được thẩm định sẽ phải trả thêm một khoản phí nữa, bên cạnh mức phí phải trả cho hội đồng nghệ thuật. Để đi tới quyết định cuối cùng về tranh giả, tranh thật cần đạt tới sự đồng thuận của 100% hội đồng. |
Thể thao & Văn hóa