A+ A A- Kiểu đọc sách

Tết của các nghệ nhân hò Cửa Đình, múa hát Bài Bông

11:30 07/02/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Tết Kỷ Hợi này, những nghệ nhân hò Cửa Đình, múa hát Bài Bông thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội có rất nhiều niềm vui. Niềm vui lớn nhất với họ có lẽ là khép lại năm Mậu Tuất, tập thể Câu lạc bộ hò Cửa Đình, múa hát Bài Bông tiếp tục được nhận Bằng khen của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vì đóng góp tích cực trong việc truyền dạy, gìn giữ hò Cửa Đình và múa hát Bài Bông. Hai thành viên của Câu lạc bộ được Hội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian năm 2018 đợt 1.

'Tái sinh' nghi thức hát cửa đình sau nửa thế kỷ: Khi đào nương khóc...

'Tái sinh' nghi thức hát cửa đình sau nửa thế kỷ: Khi đào nương khóc...

Chầu hát cửa đình chiều 14/1 tại đình Hàng Kênh có thể coi là lần "tái sinh" bài bản và quy mô nhất của hình thức biểu diễn này sau hơn nửa thế kỷ qua.

 Những người làm nên mùa Xuân

Thôn Phú Nhiêu xưa có tên cổ là Bất Nạo thuộc xã Bất Nạo, tổng Lương Xá, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông nay là thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Nơi đây đã và đang lưu giữ vốn văn hóa quý của cha ông bao đời nay - những câu hò Cử­a Đình, điệu múa hát Bài Bông. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử­, hò Cử­a Đình và múa hát Bài Bông vẫn giữ được sức sống mạnh mẽ, góp phần làm nên những mùa Xuân tươi đẹp cho vùng quê này.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hò Cửa Đình, múa hát Bài Bông cho biết: Hò Cửa Đình và múa hát Bài Bông thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội là loại hình văn hóa dân gian mang tính tâm linh, văn hóa của làng đã có hàng trăm năm nay, được sử dụng diễn xướng để tế lễ thành hoàng làng trong những ngày làng mở hội vào rằm tháng Tám âm lịch hàng năm.

Chú thích ảnh
Một tiết mục hò Cửa Đình (ảnh mang tính minh họa)

Trong những năm đất nước chiến tranh, làng Phú Nhiêu không mở hội được, hò Cửa Đình, múa hát Bài Bông không được diễn xướng. Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, đình làng được tu sửa lại và từ đó hò Cửa Đình, múa hát Bài Bông được các bô lão trong làng phục dựng lại như truyền thống vốn có.

Cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã về khảo sát, thẩm định, nghiên cứu và kết luận loại hình văn hóa này là di sản văn hóa quý báu của cả nước. Năm 2003, câu lạc bộ Cửa Đình, múa hát Bài Bông được Hội Văn nghệ dân gian công nhận là "Địa chỉ văn hóa dân gian" của cả nước. 

Chú thích ảnh
Các tác giả đoạt Giải thưởng Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2018. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, hò Cửa Đình và múa hát Bài Bông đã có từ rất lâu, riêng múa hát Bài Bông do một người làng vốn là ca nữ chuyên múa hát trong triều đình Huế dạy cho dân làng. Vì thế, múa hát Bài Bông ở Phú Nhiêu mang đậm phong cách cung đình.

Múa hát Bài Bông vừa mang tính nghi lễ vừa mang tính diễn xướng, phục vụ các chầu tế lễ và múa hát thờ thánh. Đội múa hát Bài Bông gồm 8 thiếu nữ 13-18 tuổi, chưa chồng, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Họ ăn mặc lộng lẫy gần giống trang phục của những đội hát trong cung đình. Nội dung các bài hát thường ca ngợi người có công với đất nước và phản ánh cuộc sống lao động của người dân nơi thôn dã. Người múa không sử dụng dùng bất cứ nhạc cụ nào, không nhạc đệm, nhạc nền, từ đầu đến cuối bài chỉ có miệng hát tay múa nhưng mọi động tác vẫn đều tăm tắp.

Giống như múa hát Bài Bông, hò Cửa Đình vừa mang tính nghi lễ vừa mang tính diễn xướng. Những điệu hò kể về công đức vị thành hoàng làng, có phần diễn xướng kèm sênh phách. Những người chức sắc tham gia Hội Quan viên, những người bạch đinh cũng có hội, thường được gọi là Hội Giai hò. Thời phong kiến, Hội Giai hò chủ yếu là người nghèo, không có chức sắc gì trong làng. Họ được chọn đi hò từ năm 16 tuổi, đến tầm 40 tuổi sẽ thành những “ông trùm”, chuyên tham gia sắp xếp tổ chức trong Hội để những chầu hò được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.

Chú thích ảnh
Một tiết mục múa hát Bài Bông (ảnh mang tính minh họa)

Đi nhận danh hiệu Nghệ nhân Dân gian và Kỷ niệm chương Vì sự  nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam lần này, ông Lương Văn Tạo rất chỉn chu với áo the khăn xếp. Đã 68 tuổi, ông Tạo hầu như vẫn giữ được dáng dấp như thời trai trẻ cùng chất giọng trầm ấm. Bộ trang phục đang mặc trên người ông cũng là bộ ông vẫn mặc từ khi bắt đầu đi hò. 

Tuy yêu thích nếp ăn mặc, phong tục xưa cũ nhưng ông Tạo cũng phải thừa nhận: Ngày nay ở Phú Nhiêu không còn theo lệ cũ nhưng các gia đình đều tự nguyện cử một người tham gia vào Hội Giai hò và coi đó là trách nhiệm trong ngày hội làng. Khi hò, các trai đinh ăn mặc chỉnh tề, áo the thâm, quần trúc trắng, khăn xếp. Người hò không kể số lượng, chia làm 3 nhóm. Nhóm lĩnh xướng (đứng giữa đình) là những người có giọng hò tốt, thuộc bài, mỗi tay cầm một sênh bằng tre, dài 20cm để gõ nhịp theo câu hò. Hai nhóm còn lại, mỗi người cầm dầm bơi trải, tất cả cùng quay mặt về phía trong đình và hát phụ họa những điệp khúc trong bài hò...

Giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống

Nhạc sĩ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm Phát triển âm nhạc Việt Nam ghi nhận: Hò Cử­a Đình và múa hát Bài Bông đã có từ rất lâu. Hiện nay, Việt Nam chỉ còn có 3 loại hình âm nhạc dân gian diễn xướng bằng ba âm điệu cổ, một trong số đó là hò Cửa Đình ở Phú Nhiêu.

"Trong thời kỳ phong kiến, phụ nữ thường bị cấm ra đình và những người nghèo luôn bị coi là tầng lớp thấp nhất trong xã hội. Thế nhưng ngay từ buổi sơ khai, múa hát Bài Bông và hò Cửa Đình của Phú Nhiêu có những quy tắc, sắc thái riêng, người nghèo và phụ nữ được tôn trọng. Đây là một cách ứng xử­ thể hiện sự văn minh, bình đẳng của dân làng, là nét đặc trưng văn hóa của Phú Nhiêu. Điều này đã góp phần làm nên sức sống mãnh liệt của hò Cửa Đình và múa hát Bài Bông cũng như trở thành sinh hoạt văn hóa đặc biệt thu hút đông đảo người dân tham gia nhất”- Nhạc sĩ Thao Giang ghi nhận.

Góp phần duy trì nét văn hóa đẹp ấy của người dân Phú Nhiêu cũng phải kể đến việc cụ Lương Đức Nghi và một số người có tâm huyết với hai loại hình nghệ thuật trên đã dành nhiều tâm sức ghi chép cẩn thận, giúp những lời ca, câu hát còn được lưu truyền tới bây giờ. Đến nay, trải qua bao thăng trầm, hò Cửa Đình và múa hát Bài Bông ở Phú Nhiêu vẫn có sức lan tỏa mãnh liệt. 

Nâng niu trên tay tấm Bằng khen của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hò Cửa Đình, múa hát Bài Bông Nguyễn Văn Lộc hào hứng: Ban đầu, Câu lạc bộ chỉ có hơn 30 hội viên; đến nay đã có 117 hội viên, hội viên cao tuổi nhất là 88 tuổi, trẻ nhất là 10 tuổi. Câu lạc bộ đã mở được 9 lớp truyền dạy cho trên 100 lượt con em trong làng. Thành viên Câu lạc bộ sinh hoạt quanh năm nhưng đông nhất là dịp hè, vì đó là lúc các bạn trẻ có nhiều thời gian để tập luyện nhất.

Qua hơn 15 năm thành lập, cái được lớn nhất của Câu lạc bộ là đã phục vụ 5 lễ hội làng đúng như truyền thống. Những năm làng không mở hội. Thành viên Câu lạc bộ đã được mời tham gia biểu diễn tại các sự kiện lớn của địa phương, thành phồ Hà Nội như: Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội; kỷ niệm 50 năm giải phóng Thủ đô; kỷ niệm 10 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội và rất nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội khác. 

Câu lạc bộ đã được tặng nhiều giải thưởng, bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành, trong đó có 3 Bằng khen của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, giữ vững và truyền dạy hò Cửa Đình, múa hát Bài Bông. Đặc biệt, Nhà nước phong tặng hai Nghệ nhân Ưu tú, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng 7 danh hiệu Nghệ nhân Dân gian cho thành viên câu lạc bộ có nhiều đóng góp trong truyền dạy, phát huy giá trị của hò Cửa Đình, múa hát Bài Bông.

Tuy nhiên, với tư cách là Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn Phú Nhiêu, Chủ tịch Câu lạc bộ hò Cửa Đình, múa hát Bài Bông, ông Nguyễn Văn Lộc cũng chia sẻ: Câu lạc bộ hiện đang gặp khá nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là kinh phí để hoạt động. Nhân dịp năm mới, ông hy vọng Câu lạc bộ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, động viên hơn nữa của các ngành, các cấp, nhân dân cả nước để phong trào hò Cửa Đình và múa hát Bài Bông ở địa phương ngày càng phát triển. 

Chia vui với tập thể, các nghệ nhân Câu lạc bộ hò Cửa Đình, múa hát Bài Bông dịp Xuân mới này, Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: Những năm qua, Hội đã tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ, các hoạt động văn hóa dân gian phát triển. Nguồn hỗ trợ của Quỹ Ford (Hoa Kỳ) đã đầu tư, khuyến khích hơn 100 câu lạc bộ văn nghệ dân gian trong đó có Câu lạc bộ hò Cửa đình, múa hát Bài Bông thôn Phú Nhiêu.

Hiện tại, nguồn quỹ này đã không còn, Hội đang liên hệ tìm kiếm, huy động nguồn lực hỗ trợ. Bên cạnh đó, Hội khuyến khích các nghệ nhân cao tuổi truyền nghề theo kiểu "cha truyền con nối" cho lớp nghệ nhân mới (tuổi khoảng 50-60) để thôn Phú Nhiêu tiếp tục gìn giữ và phát huy nét văn hóa đặc sắc của cha ông.

  Mỹ Bình

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...