Tập truyện ngắn 'Bóng chiều quê': Đọc để thấm 'tục hay, nếp cũ' Nam Bộ
(Thethaovanhoa.vn) - Đọc Bóng chiều quê (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2018) của Trần Bảo Định đáng để nâng niu, trân trọng. Và biết đâu đấy, là sự gợi mở cho những người tiếp bước con đường ông đang đi, cũng là để lưu giữ, bảo tồn “Nam Bộ tính” qua văn chương trong nhịp bước vội của cuộc sống đô thị hóa hiện nay!
- Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Nếu bán không được 5.000 bản tôi sẽ dừng ra sách
- Nhà văn hóa Hữu Ngọc ra sách ở tuổi 96: 'Xuống thang' nhưng vẫn không ngừng lãng du
1. Bén duyên với văn chương khá muộn, nhưng nhà văn Trần Bảo Định lại có sức viết dồi dào, và nhanh chóng trở nên quen thuộc với độc giả qua những tác phẩm văn học lấy đề tài xuyên suốt về đất và người Nam Bộ như Chim phương Nam, Đất phương Nam ngày cũ, Ông già Nam Bộ nhiều chuyện: Dấu chưn lưu dân... Cứ như bấy lâu, ông tích lũy ấp ủ cho chín, để nay đến kỳ mật ngọt tuôn tràn, ông chắt lọc ra qua từng trang viết, rất đỗi dung dị, mà thấm, mà đằm.
Với tập truyện ngắn Bóng chiều quê, ta lại bắt gặp nét chấm phá riêng, một thể tài mới đáng quý của cây bút cao niên khi truyền tải “tục hay nếp cũ” trên mảnh đất chín rồng. Bấy nay, tìm hiểu về phong tục, tập quán đất Nam Bộ, hẳn độc giả đã quen thuộc với những khảo cứu của các nhà nghiên cứu về Lục tỉnh xưa… Nhưng, dùng văn học để gửi đến bạn đọc những thông tin về phong tục, tập quán miệt đất phương Nam, lại không có nhiều, nhất là những tục lệ tốt đẹp, đã ăn sâu bén rễ vào đất và người phương Nam.
Viết về phong tục Nam Bộ thông qua văn chương, đó là thứ “ẩm thực” dễ “ăn”, dễ ngấm nhứt bởi nó không hàn lâm như những chuyên luận nghiên cứu. Này đây tục “gái đưa” gần như đã thất truyền, là tấm lòng cảm nghĩa của người dân Nam Bộ, cốt ăn ở với nhau vì nghĩa, vì tình hơn là vật chất; này đây hoạt động tâm linh “xác căn” nơi xứ lụa Tân Châu đầy chất mê hoặc mà không dễ gì giải thích nổi…
Ở Bóng chiều quê, ta cảm nhận được, đó không chỉ là hồn cốt, nết ăn nết ở, là những nếp cũ, tục hay làm nên riêng chất Nam Bộ, mà xen kẽ qua từng câu chuyện, tác giả đã hết sức tự nhiên lồng vào đó bao hiểu biết về lịch sử vùng đất như Gò Tháp, Gò Trụi, Bình Cách… những nhân vật như Phan Ngọc Tòng, Thiên Hộ Dương, Tán Kế… để từ đây, những thông điệp về lối sống, cách cư xử làm nên tính cách Nam Bộ cũng được truyền tải nhẹ nhàng mà thấm sâu.
2. Ngồi tiếp chuyện ông, ta sẽ cảm nhận được sự từng trải cuộc đời, sự chiêm nghiệm nhân văn, sâu sắc cũng như tình yêu của nhà văn Nam Bộ với mảnh đất phương Nam ở cái tuổi ngoài “thất thập”.
Đối tượng trong những truyện ngắn, tản văn của Trần Bảo Định đa dạng, phong phú và gần gũi, thân quen. Đó có thể chỉ là muông thú, côn trùng, chim chóc, nhưng những câu chuyện về tập tính, đời sống của chúng, đáng để ta suy ngẫm; đó có thể là những người nông dân chân chất thật thà, là anh hùng nghĩa sĩ hy sinh vì nước… nhưng chất chứa cả một hồn cốt của người phương Nam.
Sinh ra, lớn lên từ đất miền Tây sông nước, giọng văn rặt Nam Bộ, nhưng không vì thế mà độc giả phải lo cái sự khó hiểu. Chất Nam Bộ qua ngôn ngữ ấy, cùng cốt truyện hấp dẫn tự nhiên, giúp cho nghệ thuật ngôn từ của Trần Bảo Định trở nên mượt mà, không trúc trắc, không nghịch nhĩ.
Như trong bài Tu thiếp liên quan đến thiện tính, Phật đạo có đoạn: “Cảnh giới trầm mặc, chỉ một chiếc lá rơi hay một cánh bông sao rụng, cũng đủ gây chấn động chao nghiêng bước chưn thiền. Tưởng dì tu thiếp là tự nhốt mình chốn tịch liêu, nào dè dì thích thú bởi đang đối diện với chính mình trong tiền kiếp. Và, niềm hạnh phúc nhứt, là dì từng bước trục cái ác ra khỏi tâm mình, liệng cái tham lam bá đạo ra khỏi hồn mình...”.
Đi nhiều, quan sát nhiều, ghi chép nhiều. Sự trải nghiệm, hòa mình vào đời sống đã là chất liệu sống động để lại xuất hiện “Ông già Nam Bộ nhiều chuyện” Trần Bảo Định. Tưởng như, ông đang hồi tưởng, đang kể lại, không gồng mình, không đao to búa lớn, trau chuốt lời văn bóng bẩy mần chi, mà mạch truyện, cứ như nước Cửu Long xuôi dòng chảy.
Trần Đình Ba