loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Để tưởng nhớ người đã khuất, những người còn sống mỗi năm đều làm cúng giỗ. Và vào mỗi dịp năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, đồng bào còn lo sửa sang, thăm viếng mồ mả, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên, người thân của mình.
Lễ Tảo mộ cuối năm hay còn gọi là Lễ Chạp thường được tổ chức vào cuối tháng Chạp hằng năm, trước khi các gia đình sửa soạn làm mâm cơm Tất niên vào 30 Tết.
Sửa sang nấm mồ cũng là một trong những việc hiếu đạo của con cái, thể hiện lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất.
Lễ Tảo mộ cuối năm hay còn gọi là Lễ Chạp thường được tổ chức vào cuối tháng Chạp hằng năm, trước khi các gia đình sửa soạn làm mâm cơm Tất niên vào 30 Tết.
Tảo mộ cuối năm, ngoài là một phong tục phổ biến của người dân Việt khắp mọi miền đất nước, còn là một hoạt động mang tính dòng tộc rõ nét. Có những dòng tộc lớn thường có những ngày tảo mộ được quy định rất cụ thể, thường ghi trong gia phả như một truyền thống của dòng tộc để con cháu ở các thế hệ sau tiếp tục thực hiện, cũng để thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết đồng thời cũng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Về quê tảo mộ mỗi dịp xuân về đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đó cũng là thể hiện của tình cảm hướng về với nguồn cội. Người ta ví: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu” là vậy. Ca dao xưa cũng có câu: “Con người có tổ có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn”.
Thời gian cụ thể do mọi người tự chọn, thống nhất và thường là vào ngày nghỉ để sự có mặt của mọi người thêm đông đúc hơn. Tuy nhiên, như nói ở trên, Lễ Chạp thường được tổ chức vào cuối tháng Chạp hằng năm, trước khi các gia đình sửa soạn làm mâm cơm Tất niên vào 30 Tết. Trong những ngày này, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ.
Cứ mỗi dịp cuối năm, khi sắp đến Tết Nguyên đán, người thành thị cũng luôn sắp xếp thời gian để đi thăm viếng, chăm sóc phần mộ ông bà, cha mẹ, người thân của mình để tỏ lòng hiếu thuận.
Thăm viếng phần mộ tổ tiên cũng là nét đặc trưng của văn hóa cổ truyền, một tục lệ trong “đạo thờ ông bà” của dân tộc ta vốn từ lâu đã trở thành truyền thống. Dù tất bật thế nào đi chăng nữa trong cuộc mưu sinh, dù cả năm bôn ba làm ăn ở nơi xa, nhưng chốn quay về vẫn là gia đình. Nhiều gia đình cho rằng mỗi dịp tảo mộ cũng là một dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm với cả gia đình, dòng họ, cũng là để thành tâm mời ông bà tổ tiên.
Do đó, theo sau phong tục này ta có tục rước ông bà vào trưa ngày 30 âm lịch và đưa ông bà tổ tiên, thường là vào trưa mùng 3 hoặc mùng 4, tùy theo tập quán ở mỗi địa phương và nếp sống của mỗi gia đình. Thường thì ngày tiễn đưa ông bà cũng là ngày cuối cùng của những ngày nghỉ ngơi vui Tết, mọi người trong gia đình lại quay trở về với cuộc sống thường nhật, với những công việc phải làm, cùng với lòng tin là sẽ được tổ tiên phù hộ cho những ngày tiếp sau đó.
Những lưu ý khi đi tảo mộ
Không nên đi tảo mộ khi trời đã tối: Thời gian tốt nhất khi đi tảo mộ là những ngày ấm áp, tạnh ráo. Bạn không nên đi quá sớm khi sương chưa tan hay quá muộn khi trời đã tối. Bởi khi này không khí nặng nề, không tốt cho sức khỏe của người đi tảo mộ.
Không nên đi cúng tế ở nơi hẻo lánh tốt nhất nên đi những con đường mà mọi người hay đi để tránh gặp nguy hiểm. Hơn nữa, theo quan niệm phong thủy, đi đến những nơi như vậy sẽ dễ nhiễm khí lạnh, nếu như thật sự cần đi thì nên đi cùng nhiều người.
Khi đi cúng tế và tảo mộ cần phải chân thành trên đường đi nếu có mộ, dù đi hay đứng lại đều cần phải lễ độ cung kính. Trong quá trình tảo mộ không nên làm lộn xộn quá nhiều các mảnh đất vụn đá vụn để tránh ảnh hưởng đến xung quanh.
Mộ phần của tổ tiên cần phải được quét dọn cỏ dại thêm đất mới và hoa tươi, đừng quên quét dọn cả phía sau mộ. Khi làm mới lại diện mạo của mộ phần, trong lòng nhất thiết phải thật cung kính.
Không nên dẫm đạp lên mộ của nhà khác hoặc đá vào đồ cúng trên mộ của người khác, nếu không sẽ đem lại điều không may cho bản thân. Đặc biệt trẻ em khi đi tảo mộ cùng người lớn cần được lưu ý nhắc nhở.
Tất cả mọi người trong nhà đều có thể đi tảo mộ. Thông thường, tảo mộ là dịp để mọi người quây quần bên nhau, cùng nhớ về người đã khuất với lòng thành kính. Chính vì vậy, tất cả mọi người trong gia đình đều có thể tham gia hoạt động này. Tuy nhiên, riêng với trẻ nhỏ và bà bầu thì nên hạn chế. Bởi nghĩa trang là nơi có rất nhiều khí lạnh, các loại vi khuẩn sinh sôi từ thân thể những người đã mất. Chính vì vậy, đối với những bà bầu ở tháng cuối hay con trẻ dưới 1 -2 tuổi hoặc người đang ốm nên hạn chế đến đây. Bởi khi này, cơ thể bạn khá yếu, rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập, ảnh hưởng đến sức khỏe. Hoặc khi về nhà dễ bị nhiễm phong hàn hoặc một số bệnh thời khí. Nếu như con gái đi tảo mộ, tốt nhất là tránh trong thời kỳ hành kinh, sức khỏa không tốt.
Những bạn có khí trường yếu hay yếu bóng vía tốt nhất là về nhà bước qua chậu lửa hoặc rắc nước lá bưởi để xóa bỏ năng lượng xấu. Trong cuộc sống thường ngày chúng ta rất hay thấy có người đi tảo mộ về bị sốt hoặc cảm thấy không khỏe, cũng có thể dùng cách này để tránh.
Không chụp ảnh. Bởi vì tảo mộ cũng thường là khoảng thời gian người thân tụ tập lại với nhau, lúc này cần chú ý không được chụp ảnh tập thể ở xung quanh mộ.
Khi tảo mộ, cần chú ý sửa sang bốn phía của ngôi mộ. Thứ nhất là để tỏ lòng kính trọng với những người đã khuất, thứ hai là để xem xét tình hình của mộ. Nếu như xung quanh mộ có nước nước có thể vào bên trong hoặc vũng nước rất sát mộ sẽ có ảnh hưởng không tốt.
Nên mang hoa cúc, hoa lay ơn ra mộ: Bó hoa cúc/hoa lay ơn hoặc cây hoa cúc để cắm hoặc trồng cảnh phần mộ. Cũng có nơi người ta trồng cây xương rồng để bảo vệ mộ khỏi những tác nhân từ con người, động vật. Tuy nhiên, nó lại gây trở ngại khá nhiều khi bạn muốn dọn dẹp, thắp hương ở phần mộ nhà mình.
Mang theo lễ cúng: Khi ra tảo mộ cuối năm, bạn nên mang theo lễ cúng gòm 1 bộ tam sinh, giấy ngũ sắc, hương/nhang, đèn, quần áo mã, nước lọc sạch, rượu, trầu cau cùng hoa quả, bánh kẹo tùy gia chủ. Nếu kết hợp tảo mộ với hành lễ cúng “hàn long mạch” thì cần dùng nước ngũ vị, hàng the tưới xung quanh mộ và tạ lễ như khi mới an táng người mất.
Tảo mộ cuối năm khác tảo mộ tiết Thanh Minh
Nhân ngày Thanh minh, người dân có tục đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau cuộc tảo mộ.
Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Nhân ngày Thanh minh, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất.
Trong ngày Thanh minh, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người đi viếng mộ thường cũng cắm cho các ngôi mộ này một nén hương.
Theo quy ước, tiết thanh minh là khoảng thời gian bắt đầu từ khoảng ngày 4 hay 5 tháng 4 khi kết thúc tiết xuân phân và kết thúc vào khoảng ngày 20 hay 21 tháng 4 trong lịch Gregory theo các múi giờ Đông Á khi tiết cốc vũ bắt đầu. Tiết Thanh minh thực tế được tính theo cách tính của dương lịch hiện đại và nó thông thường bắt đầu vào ngày 4 hoặc 5 tháng 4 dương lịch tùy theo từng năm.
|
Nhi Thảo
loading...