loading...
(Thethaovanhoa.vn) - UBND thành phố cần tăng cường nguồn lực đầu tư, cân đối tỷ lệ vốn ngân sách phù hợp, đồng thời thu hút, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa cho phát triển văn hóa.
Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, người dân Hà Nội lại ngập tràn cảm xúc hào hùng về truyền thống lịch sử.
Đó là đề nghị của Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội với UBND thành phố về kết quả thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 diễn ra vào sáng 5/11.
Theo đó, việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, trùng lặp; đồng thời cần ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở trọng điểm văn hóa với những công trình văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị lớn tạo thành những không gian văn hóa đặc sắc gắn với phát triển du lịch Thủ đô. Thành phố cần đầu tư sáng tạo những công trình, tác phẩm, sản phẩm văn hóa độc đáo, có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ cao, phản ánh được bản sắc và phù hợp với thế mạnh của văn hóa Thủ đô.
UBND thành phố rà soát, bổ sung danh mục đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để hoàn thiện các thiết chế văn hóa các cấp: Đầu tư xây dựng mới Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ; đầu tư các dự án chuyển tiếp như: Khu Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Cung Thiếu nhi Hà Nội, Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, Cung Văn hóa Thể thao Thanh niên Hà Nội,…
Theo bà Phùng Thị Hồng Hà, UBND thành phố cần quan tâm dành quỹ đất cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao; không điều chỉnh quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao sang mục đích khác. Ưu tiên dành quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao khi di chuyển các cơ quan, đơn vị thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô. Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương trình UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chỉ tiết 1/500: Bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); làng Lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khoanh vùng bảo vệ Di tích Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây).
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm đầu tư, bố trí nguồn kinh phí cho công tác phát triển văn hóa, tỷ lệ đầu tư cho phát triển văn hóa ngày càng tăng, chiếm 1,9% tổng chi thường xuyên ngân sách thành phố. Cùng với đó, thành phố thực hiện đa dạng hóa các hình thức huy động vốn xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực văn hóa. Từ năm 2013 đến nay, thành phố có 10 dự án văn hóa lớn được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách với tổng vốn khoảng 700 tỷ đồng, trong đó có 1 dự án hoàn thành, 9 dự án đang triển khai.
Đoàn giám sát của HĐND thành phố cũng chỉ ra, đầu tư nguồn lực phát triển văn hóa dàn trải, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Tỷ lệ đầu tư cho văn hóa còn rất thấp, chưa đáp ứng các yêu cầu phát triển của ngành. Tỷ lệ ngân sách thành phố đầu tư cho các thiết chế văn hóa trên địa bàn đạt 0,83% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố; nguồn lực chi thường xuyên cho lĩnh vực văn hóa chiếm 1,9% tổng chi thường xuyên ngân sách thành phố. Định mức chi cho hoạt động sự nghiệp văn hóa của cấp thành phố và cấp huyện còn hạn chế. Việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển văn hóa, còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Quy trình thủ tục đầu tư cho các dự án xã hội hóa phức tạp, kéo dài trong khi tỷ suất lợi nhuận thấp nên chưa thu hút được các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động văn hóa.
Tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, UBND thành phố sẽ hoàn thiện đánh giá, khắc phục hạn chế trong thời gian tới. Liên quan đến quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các công trình di tích văn hóa; quy hoạch, xây dựng các công trình văn hóa để tiến tới thực hiện công nghiệp văn hóa trên địa bàn, thành phố đã giao Sở Văn hóa và Thể thao, chậm nhất trong tháng 12, chủ trì phối hợp các đơn vị sở, ngành xây dựng nội dung này.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị việc sử dụng các thiết chế, công trình văn hóa trên địa bàn cần được các địa phương, đơn vị thực hiện hiệu quả, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Tài chính tham mưu thành phố nội dung này; có cơ chế chính sách phù hợp cho công tác đầu tư cho phát triển văn hóa, nhất là tu sửa những nhóm công trình thiết chế văn hóa đã xuống cấp.
Thu Hằng
loading...