“Sức sống S Việt Nam” của Bùi Mai Hiên
(TT&VH) - Bùi Mai Hiên (SN 1957) là một trong các họa sĩ thành công ở chất liệu sơn mài. Chị đang có bước ngoặt trong sáng tạo: chuyển tải trách nhiệm và ý thức công dân vào tác phẩm.
Nhà riêng - gallery của Mai Hiên tại 99 Nguyễn Thái Học, Hà Nội là địa chỉ quen thuộc của những người yêu hội hoạ trong và ngoài nước. Sơn mài là chất liệu truyền thống mà người vẽ phải đổ nhiều sức lực, không dễ dàng với nữ hoạ sĩ (HS), song chị đã theo đuổi hơn 20 năm.
Từ đầu 2012, sự bất an biển đảo Tổ quốc và nạn ô nhiễm môi trường đeo đuổi tâm thế của chị. “Nghệ sĩ phải thể hiện trách nhiệm trước các vấn đề ấy bằng nghệ thuật” - Mai Hiên khẳng định. Đây là dịp để chị bộc lộ tình yêu đất nước, yêu sự sống.
1. Là con cả trong gia đình 4 chị em, dù có 2 em trai, song trưởng nữ Mai Hiên hiếu thảo luôn cáng đáng phần phụng dưỡng bố mẹ. Mấy tháng qua, người cha tuổi 80 đau ốm, chị vừa chăm lo, vừa vẽ.
Tranh sơn mài Sức sống S Việt Nam của Bùi Mai Hiên
Nhân kỷ niệm 37 năm giải phóng Đà Nẵng, nhận lời mời của thành phố bên sông Hàn, 14 nữ HS của Đà Nẵng và Hà Nội làm triển lãm Cảm xúc thời gian (đang diễn ra tại Bảo tàng Quản lý di sản văn hoá, 78 Lê Duẩn, Đà Nẵng). Đoàn HS đi ô tô từ Hà Nội vào gồm: Lê Thư, Nguyễn Thị Lan Hương, Trần Thanh Thục, Trần Thị Chiến, Nguyễn Thị Nguyên Hà, Nguyễn Thị Hà, Đỗ Kim Đoan, Bùi Thị Mỹ Hương; còn Đà Nẵng có: Nguyễn Thị Mĩ Nhung (cao tuổi nhất 74 tuổi), Nguyễn Thị Dư Dư, Nguyễn Thị Cúc, Tôn Nữ Tâm Hảo, Đinh Thị Mỹ Hương. HS Bùi Mai Hiên có 5 tác phẩm tham dự triển lãm này: Sức sống S Việt Nam (sơn dầu, 1mx1m) và 4 bức sơn mài 35 x 45cm được vẽ tinh xảo: Điệu ru hồn, Hội làng, Sắc Xuân, Mùa Hạ nhưng chị không thể vào Đà Nẵng. Người cha - cụ Bùi Gia Lưu (1932 - 2012) linh cảm mệnh không qua khỏi, đã giữ con gái lại. Cụ qua đời đêm 25/3 và 29/3, ngày khai mạc triển lãm tại Đà Nẵng là tang lễ.
Sức sống S Việt Nam vẽ con phượng lửa đang tung mình chữ S đầy sinh lực, mắt phượng là thủ đô Hà Nội nhìn ra biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
Sau mất mát lớn, HS Mai Hiên đang cố gắng lấy lại nghị lực bằng tiết tấu sống gắn với công việc. Chiều nào chị cũng dạo quanh vườn hoa Lê Nin, tối đi bộ ven hồ Tây.
2. Khát khao sự thanh khiết của tâm hồn, bức bối vì môi trường Hà Nội ngày một bị ô nhiễm, HS thể hiện qua tác phẩm CO2 – sự huỷ diệt thầm lặng (sơn mài, 80 x 100cm) như tiếng “kêu cứu”, sự phẫn nộ trước những kẻ bàng quan tàn phá môi trường. Người bạn thân của HS Mai Hiên - nữ HS Lê Thư luôn đồng hành với chị trong các triển lãm nhóm. Tác phẩm Cầu an (sơn dầu 1x1,1m) của Lê Thư đang được treo khắp Đà Nẵng, hình ảnh người đàn bà xoã tóc hướng về mặt trời, cầu an cho mình và mọi người, in trên các băng rôn.
HS Bùi Mai Hiên và HS Đào Anh Khánh có hai con. Đào Anh Thơ (1989) vừa tốt nghiệp hai bằng Tài chính, Quan hệ quốc tế tại Đại học Colgate (Mỹ), đỗ vào với điểm tiếng Anh cao tuyệt đối, được nhận học bổng toàn phần. Cô bé rất hãnh diện đón bố sang trình diễn tại sân vận động của trường trước 3.000 khán giả tác phẩm “Đông – Tây” tối 6/4. Giỏi tiếng Anh như bố mẹ, Anh Thơ còn thông thạo tiếng Trung và Nhật sau 1 năm học tiếng tại Bắc Kinh trước khi sang Mỹ và nửa năm thực tập tại Kyoto.
Con trai của họ cũng theo nghiệp vẽ. Đào Hoàng Linh (1996) đang học năm thứ nhất trung cấp mỹ thuật, Cao đẳng VHNT Hà Nội. Con, đó là “sức sống” của nữ HS Mai Hiên.
VIVI