A+ A A- Kiểu đọc sách

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề xuất khẩn cấp 'cứu' di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối

21:56 12/11/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 12/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có công văn gửi UBND thành phố Hà Nội báo cáo kết quả sơ bộ thăm dò, khai quật di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức và đề xuất giải pháp bảo tồn khi di chỉ đang bị xâm phạm nghiêm trọng.

Vụ xâm phạm di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối: Ai phải chịu trách nhiệm?

Vụ xâm phạm di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối: Ai phải chịu trách nhiệm?

Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (xã Kim Chung, Hoài Đức-Hà Nội) đang “trên đường” được các nhà khảo cổ, lịch sử, văn hóa kiến nghị cấp thiết với cấp có thẩm quyền để xem xét phương án bảo vệ, bảo tồn tiến tới xếp hạng là di sản văn hóa quốc gia... thì đã bị những kẻ vô tâm đào phá, san ủi một cách không thương tiếc.

Hiện nay, khu vực Vườn Chuối gồm ba gò: Vườn Chuối, Dền Rắn và Mỏ Phượng nằm trong phạm vi dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch của thành phố Hà Nội do Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex là chủ đầu tư. Phía Tây gò Vườn Chuối nằm trong phạm vi mở đường quy hoạch vành đai 3,5 của thành phố.

Chú thích ảnh
Khai quật nghiên cứu khảo cổ học cụm di chỉ Vườn Chuối

Trong tháng 10/2019, Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex tiến hành xây dựng đường nội bộ và san nền khu đô thị đã xâm phạm vào khu vực di tích phân bố ở các gò Mỏ Phượng (san lấp toàn bộ di tích), Dền Rắn (diện tích san lấp vào phạm vi di tích khoảng 50%) và làm đường nội bộ vận chuyển vật liệu ở phía Nam gò Vườn Chuối. Hiện tượng đào trộm cổ vật xảy ra ở di chỉ Vườn Chuối diễn ra một cách công khai sau khi đoàn khai quật khảo cổ vừa dừng khai quật.

Viện Khảo cổ học đã đề nghị bảo tồn 6.000 m2 nửa phía Đông di chỉ, khoanh vùng bảo vệ và xây dựng hồ sơ xếp hạng và bảo vệ di tích theo quy định pháp luật về di sản văn hóa. Một mặt, tiến hành khai quật nghiên cứu di dời 6.000 m2 nửa phía Tây di chỉ Vườn Chuối. Sau khi kết thúc nghiên cứu, giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến đường vành đai 3,5 của thành phố Hà Nội.

Đối với các di chỉ Dền Rắn và Mỏ Phượng, Viện Khảo cổ học đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và các cơ quan chuyên môn tiến hành khai quật di dời khu vực phân bố di tích khảo cổ trước khi thực hiện xây dựng khu đô thị.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng thống nhất về đề nghị của Viện Khảo cổ học về việc nghiên cứu khảo cổ di chỉ Vườn Chuối. Sở sẽ phối hợp với Viện Khảo cổ học có văn bản gửi UBND huyện Hoài Đức có ý kiến về việc đưa nửa phía Đông di chi (bảo tồn 6.000 m2) vào khu vực bảo vệ di chỉ khảo cổ, làm cơ sở triển khai các công việc tiếp theo của việc đưa dị chỉ vào danh mục kiểm kê di tích của thành phố. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ có văn bản báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Cục Di sản Văn hóa về các nội dung khác có liên quan đến việc khai quật khảo cổ tại nửa phía Tây di chỉ Vườn Chuối và việc tiến hành khai quật di dời khu vực phân bổ di tích khảo cổ đối với các di chỉ Dền Rắn và Mỏ Phượng trước khi có văn bản tham mưu, xin ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị UBND thành phố có văn bản gửi Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex về việc bảo vệ di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối theo pháp luật về di sản văn hóa; đồng thời, đề nghị thành phố chỉ đạo UBND huyện Hoài Đức có phương án phân công các đơn vị thường xuyên bảo vệ, ngăn chặn vả xử lý kịp thời các hành vi đào trộm cổ vật tại khu vực di chỉ Vườn Chuối.

Trường hợp thấy có khả năng có di tích hoặc di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho UBND huyện Hoài Đức, Ban Quản lý di tích danh thắng thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội để có biện pháp xử lý kịp thời.

Vườn Chuối là một địa điểm khảo cổ học thời tiền sơ sử phân bố trên các gò đất ở thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức. Từ sau phát hiện lần đầu tiên vào năm 1969 đến nay, tại khu vực Vườn Chuối đã có 9 cuộc khai quật nghiên cứu khảo cổ và đã xác định đây là một phức hệ di chỉ cư trú - mộ táng phát triển liên tục qua các thời kỳ văn hóa Đồng Đậu - Gỗ Mun - Đông Sơn thuộc giai đoạn tiền sử và sơ sử ở miền Bắc nước ta.

Đinh Thuận

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...