Seoul: Nghệ thuật đương đại trong chợ cá
(TT&VH Cuối tuần) - Ai từng đến khu chợ Jungang gần nhà ga Sindang ở Seoul, Hàn Quốc, đều không thể hình dung được rằng có hơn 30 nghệ sĩ đang làm việc tại các studio nghệ thuật của họ ngay giữa chợ. Và một số người sống luôn ở đó.
Khu vực này nổi tiếng bởi giao thông lộn xộn. Bước qua cổng chợ, bạn sẽ choáng ngợp bởi những đồ ăn thức uống điển hình của Hàn Quốc: cá khô, bánh đậu, bánh gạo và một hàng dài những cửa hàng ăn uống khác. Giữa cảnh tượng hỗn loạn ấy hiện lên một tấm biển nhỏ cùng hàng chữ: Không gian nghệ thuật Sindang, Seoul.
Nhưng ngay cả khi nhìn thấy tấm biển ấy, nhiều người cũng không dám bước vào. Nhưng mạnh dạn đi tiếp, sau ba phút đi bộ, trước mắt bạn xuất hiện các gian trưng bày nghệ thuật, có tên nghệ sĩ ngoài cửa, còn bên trong là tác phẩm đủ kiểu: tranh vẽ, nghệ thuật sắp đặt, điêu khắc, trang trí... Tất cả 36 cư dân ở đây đều làm nghệ thuật, với đủ phong cách và chất liệu.
Khu nghệ thuật nằm giữa chợ này được chính quyền Seoul và Quỹ văn hóa nghệ thuật Seoul thành lập năm 2009, là một trong 9 “không gian nghệ thuật Seoul” để các nghệ sĩ thỏa sức thể hiện mình. Ngoài ra Seoul còn có một số khu khác, như khu dành riêng cho nhà văn ở Yeonhui-dong, khu chuyên về thiết kế công nghiệp ở Mullae-dong, và một trung tâm nghệ thuật đương đại ở Seogyo-dong. Những nghệ sĩ cần không gian để trưng bày tác phẩm của mình sẽ gửi đơn đăng ký. Mỗi năm, các nhóm quản trị của những không gian nghệ thuật sẽ chọn ra khoảng 30 người trong số này và cung cấp miễn phí một năm sử dụng không gian trưng bày.
Khu chợ Jungang, được xây dựng vào năm 1971, từng kinh doanh phát đạt với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhà hàng ăn và đồ trang trí. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990, hơn một nửa trong 99 gian hàng ở đây phải đóng cửa. Và chúng được tận dụng làm các studio nghệ thuật. Tuy nhiên, chợ vẫn còn khoảng 30 cửa hàng, chủ yếu bán sashimi, vô tình tạo ra một không khí lạ lẫm: những studio nghệ thuật đương đại bên cạnh những miếng cá sống và nồi lẩu nghi ngút khói!
Yoon Hye Rim là một nghệ sĩ được cung cấp studio miễn phí ở chợ (trong số hơn 600 đơn đăng ký năm 2010). Studio của Yoon được trang trí như một cửa tiệm cà phê nhỏ với các tác phẩm bằng kim loại. Yoon có cả một chiếc giường có rèm che ở studio, nơi cô ngủ lại khi làm việc qua đêm. Nghệ sĩ 27 tuổi cho biết studio này đã giúp cô có thể tập trung hết tinh thần vào tác phẩm khi không phải lo lắng thuê chỗ trưng bày. Ở bên cạnh những bạn đồng nghiệp và những cửa hàng sashimi, cũng mang tới nhiều cảm hứng. “Thị trường nghệ thuật đương đại còn rất nhỏ ở Hàn Quốc và rất khó cho các nghệ sĩ sống bằng tác phẩm của họ. Nhưng được ở bên cạnh các nghệ sĩ khác, trò chuyện với họ giúp tôi nhận ra rằng mình không đơn độc, và có không ít cơ hội kiếm tiền”, Yoon Hye Rim cho biết.
Noh Ji Hun, một nghệ sĩ khác, đã bỏ việc ở một công ty thiết kế sau khi đơn đăng ký một studio của anh ở Jungan được chấp thuận, tỏ ra rất hài lòng với không gian mới: “Trước đây, tôi ở cùng bạn và không thể nào sáng tạo hết mình, nhưng nhận được chỗ này giúp tôi có thể tự do làm gì mình thích”.
Không chỉ quản lý các studio, ban quản trị còn rất tích cực tìm kiếm thị trường cho các nghệ sĩ ở đây, qua nguồn khách tham quan và những gallery lớn bên ngoài. Và ngay cả các chủ cửa hàng sashimi suốt ngày thịt cá cũng hài lòng. “Chỗ này trước kia rất ảm đạm, cho tới khi các nghệ sĩ có mặt”, Lee Hyang Ja, đã làm chủ một tiệm sashimi được 20 năm, nói. “Chúng tôi có thêm khách, và khu này nhìn cũng đẹp mắt hơn”.
Loan Phương