Sẽ di dời 523 hộ dân thuộc di tích Kinh thành Huế
(Thethaovanhoa.vn) - UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành kế hoạch triển khai chương trình trọng điểm năm 2019 về di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I Kinh thành Huế.
Theo đó, trong năm 2019 tỉnh phải hoàn thành di dời cho 523 hộ dân đang sinh sống tại khu vực Thượng thành, Eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ thuộc di tích Kinh thành Huế, nhằm đẩy nhanh công tác chỉnh trang đô thị di sản Huế và ổn định cuộc sống cho người dân.
Mục tiêu cụ thể của kế hoạch là hoàn thành di dời, giải phóng mặt bằng, tái định cư các hộ dân nói trên bao gồm hoàn thành việc giải phóng mặt bằng diện tích 9,98 ha khu tái định cư trước ngày 30/3/2019; đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư (khu vực 1 và khu vực 2) khởi công xây dựng trước ngày 1/4/2019; đầu tư hoàn thành khu tái định cư trước ngày 1/8/2019 để giao đất tái định cư cho các hộ xây dựng nhà ở; hoàn thành thủ tục về đầu tư, xây dựng và đất đai đối với dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư giai đoạn 3 để kịp thời đầu tư trong tháng 9/ 2019, chuẩn bị quỹ đất tái định cư phục vụ di dời dân cư giai đoạn 2020-2021.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Thừa Thiên - Huế đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp triển khai thực hiện; trong đó, tăng cường công tác chỉ đạo, thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, công tác thu hồi đất; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện; huy động nguồn lực tài chính, tập trung nhân lực đảm bảo cho việc thực hiện đúng tiến độ.
Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp để người dân chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đồng thời tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng, chính quyền địa phương; công khai, minh bạch phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định...
Theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bên cạnh di dời, giải phóng giải phóng mặt bằng, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, bảo tồn kho tài nguyên văn hoá vật thể đặc sắc tiêu biểu của văn hoá dân tộc Việt Nam, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn phục vụ du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Việc di dời dân phải được thực hiện đi đôi với cải tạo cảnh quan môi trường thiên nhiên vùng di tích, tôn tạo cảnh quan văn hóa, kiến trúc di sản đô thị Huế, góp phần thực hiện chủ trương giãn dân, giảm thiểu áp lực gia tăng mật độ tham gia giao thông và ùn tắc tại khu vực Kinh thành Huế...
TTXVN