A+ A A- Kiểu đọc sách

Sách Mỹ thuật ở Sài Gòn TP.HCM: Một số phần bị cho là đạo văn!

11:33 07/01/2012
loading...

(TT&VH) - Quyển sách Mỹ thuật ở Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh (Mỹ thuật ở SG TP.HCM) (NXB Văn hóa - Văn nghệ, quý 4/2011) do Uyên Huy, Trương Phi Đức, Lê Bá Thanh soạn thuộc bộ sách 100 câu hỏi đáp về Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM (khoảng 30 quyển), được đầu tư công phu, do Cao Tự Thanh, Hoàng Mai, Hồng Duệ… chủ biên. Bộ sách này có vài quyển đã trở thành cẩm nang tra cứu cho các độc giả không chuyên; có nhiều quyển chỉ hỏi đáp những gì mà người viết biết, nên khá bó hẹp và manh mún; có quyển bị cho là đạo văn như Mỹ thuật ở SG TP.HCM vừa đề cập.

Trong quyển sách này, phần hỏi đáp về mỹ thuật người Hoa có thể xem là bản chép từ Hội họa và thư pháp của người Hoa tại TP.HCM do Phạm Hoàng Quân viết, từng in trong cuốn Văn hóa và nghệ thuật người Hoa TP.HCM (Trung tâm Văn hóa TP.HCM, tháng 10/2006), với nhóm tác giả Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Đại Phúc, Trương Ngọc Tường, Lý Lược Tam, Lê Hải Đăng và Phạm Hoàng Quân.

Giống cả chi tiết sai

Tại câu hỏi số 59 trong quyển Mỹ thuật ở SG TP.HCM (từ trang 198 đến 202), với nội dung: “Xin cho biết tổng quan về sự hình thành và phát triển hội họa của người Hoa ở thành phố đến 1975”, phần viết về các họa sĩ như Lưu Khúc Tiều, Đới Ngoan Quân, Tả Bạch Đào, Hà Lãng Hùng, Chiêm Quốc Hùng, Triệu Thiếu Ngang, Lương Thiếu Hàng… có thể nói là chép gần như 90% từ Những họa gia tiên phong và quá trình truyền thụ của Phạm Hoàng Quân trong cuốn Văn hóa và nghệ thuật người Hoa TP.HCM (từ trang 233 cho đến 237).

Tại câu hỏi số 61 với nội dung: “Xin cho biết về hoạt động hội họa của người Hoa từ lúc hình thành đến 1975” (từ trang 206 đến 209) thì gần như chép nguyên văn phần Hoạt động hội họa của người Hoa từ lúc hình thành đến 1975 trong phần nghiên cứu của Phạm Hoàng Quân (từ trang 237 đến 240), tất nhiên có cắt bỏ một hai ý ngắn.

Tại câu hỏi số 63 với nội dung: “Xin cho biết về nghệ thuật thư pháp của người Hoa” (từ trang 216 đến 219) thì chép từ phần Thư pháp Việt Nam và thư pháp của người Hoa ở Nam bộ của Phạm Hoàng Quân (từ trang 246 đến 250).

Chắc chắn sẽ có những thắc mắc kiểu như: Liệu có phải nhóm tác giả Uyên Huy, Trương Phi Đức, Lê Bá Thanh và Phạm Hoàng Quân cùng tham khảo từ một tài liệu tiếng Hoa nào đó nên có sự giống nhau về thông tin?

Thế nhưng, ở đây có những biểu hiện để thấy rằng không phải như thế. Thứ nhất, về tài liệu tham khảo, quyển Mỹ thuật ở SG TP.HCM không cho thấy có tham khảo tài liệu tiếng Hoa hay các tài liệu liên quan trực tiếp đến mỹ thuật người Hoa. Ngay cả cuốn Văn hóa và nghệ thuật người Hoa TP.HCM của nhóm Phạm Hoàng Quân cũng không có trong danh mục tham khảo của quyển này.

Thứ hai, tất cả những sai sót trong quá trình phiên âm và đánh máy của Phạm Hoàng Quân đều được quyển Mỹ thuật ở SG TP.HCM sao chép nguyên, ví dụ Đới Ngoạn Quân (đúng phải là Ngoan), Hạ Tú Duyên (đúng phải là Tú Duyên), Triệu Thiếu Ngan (đúng phải là Ngang), Huỳnh Tuấn Bá (đúng phải là Tuần), Phổ Tâm Tư (đúng phải là Dư), Hoàng Quân Bính (đúng phải là Bích)… Cho nên, nếu có tham khảo chung một tài liệu thì cách phiên âm tên họa sĩ phải khác nhau ở những điểm sai này.

Phạm Hoàng Quân lên tiếng

Chúng tôi có liên hệ vài lần qua điện thoại với Uyên Huy và Trương Phi Đức để hỏi về điều này, nhưng đến nay vẫn chưa kết nối được. Riêng Phạm Hoàng Quân thì cho biết các nghiên cứu này của anh phần lớn dựa vào tài liệu tiếng Hoa, bản tiếng Việt này đã công bố một số nơi như báo Sài Gòn Tiếp thị, bản tiếng Anh đã in trên tạp chí hàng không của Singapore từ 3-4 năm trước.

Phạm Hoàng Quân nói rằng giữa người làm nghiên cứu với nhau, tham khảo, trích lục là điều cần thiết, nhưng nên ghi nguồn hoặc chú thích cụ thể để độc giả tránh hiểu lầm. Bởi nếu không tôn trọng nguyên tắc này, về sau sẽ có nhiều thị phi đáng tiếc, làm ảnh hưởng đến phẩm giá của nhau.

“Tôi chẳng muốn làm rùm beng chuyện này, thậm chí không đòi tiền tác quyền, mà đáng ra tôi phải được hưởng. Tôi chỉ muốn nhóm tác giả Mỹ thuật ở SG TP.HCM phải có lời đính chính hoặc chú thích để mọi người được rõ; trong những lần tái bản sau, nếu không tiện chú thích nguồn thì xin bỏ phần nghiên cứu của tôi ra khỏi quyển sách”, Phạm Hoàng Quân nói.

Tham vọng của bộ sách 100 câu hỏi đáp về Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM là dựng lên một địa chí văn hóa, một tiểu từ điển bách khoa về thành phố có bề dày và rất đa diện. Đáng lý, với tiêu chí như vậy, những người biên soạn phải hết sức nghiêm túc trong việc thực hiện để bộ sách đạt đến độ xác tín. Rất tiếc, vẫn còn những con sâu làm rầu nồi canh.

Như Hà


loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...