'Respect' của Aretha Franklin: Từ một ca khúc ngổ ngáo thành 'thánh ca' thời đại
(Thethaovanhoa.vn) - Hơn nửa thế kỷ trước, ca khúc “xấc xược” của Aretha Franklin đã chiếm gọn vị trí No.1 trên BXH Billboard Hot 100 và trong suốt hơn nửa thế kỷ đó, nó vẫn luôn thời sự và hơn thế, được ưa chuộng hát mọi nơi. Màn tái hiện Respect (Tôn trọng) của "nữ hoàng nhạc soul" Aretha Franklin là một trong những bản thu âm có ảnh hưởng nhất lịch sử nhạc pop và là một trong những ca khúc không thể mờ nhạt dù ra đời từ kỷ nguyên rock ‘n’ roll. Đĩa đơn và album chứa nó đã là bệ phóng cho cô gái 25 tuổi khi đó lừng danh toàn cầu.
Như một vại rượu quý, thời gian đóng vai trò quan trọng ở đây. Respect lảnh lót trong âm nền đau đớn và vinh quang của thập niên 1960. Rồi nó thành “thánh ca” của phong trào dân quyền và nhất là phụ nữ trên khắp thế giới.
Các cô gái nhỏ
“Aretha Franklin phát hành Respect ở thời điểm có rất nhiều những phân biệt trong ngành công nghiệp âm nhạc. Nhưng bất chấp những phân biệt tồn tại, bà vẫn vượt lên trên chúng. Respect chạm vào mọi đời sống đang thở và đập rộn ràng” - theo tiến sĩ Lyn Lewis, giáo sư xã hội học tại Đại học Detroit-Mercy. “Không quan trọng bạn là nam hay nữ, trắng hay đen. Mọi người đều muốn được tôn trọng”.
Franklin bắt đầu bước vào làng nhạc vào năm 1960 nhưng phải tới năm 1967 mới thật sự bay cao. Đó là năm bà ghi âm và phát hành I Never Loved A Man the Way I Love You - album chứa Respect. Album được coi là một kiệt tác nhạc soul.
Franklin cộng tác với Jerry Wexler, một nhà sản xuất của hãng Atlantic - người được cho là đã đặt ra thuật ngữ “rhythm và blues”. Bà tới phòng thu của Atlantic vào ngày Valentine năm 1967 để thu âm ca khúc, dù đang bị cảm lạnh.
Trước khi buổi thu kết thúc, Franklin đã ghi âm 4 đĩa đơn cho album, bao gồm Respect. Bà vốn đã quen thuộc với ca khúc khi biểu diễn nó gần nửa năm trong các buổi hòa nhạc, mang tới không khí funk của riêng bà, khiến nó gần như không thể nhận ra khi so với bản gốc, viết và ghi âm bởi Otis Redding 2 năm trước.
“Các chị em và tôi quyết định phải thêm vào cụm sock-it-to-me (làm một cú, thường ẩn ý về tình dục)” - Franklin chia sẻ, gần như hạ thấp vai trò của mình trong bản thu. Wexler nói rằng chính Franklin đã mang ca khúc tới chỗ ông, nói muốn thu âm. Theo ông, chính bà đã sản xuất ca khúc - bà đã làm 60% phần việc họ cộng tác - còn em gái Carolyn Franklin làm phối âm.
Wexler cực kỳ ấn tượng trước sự tỉ mẩn của Aretha. Bà đã cải biên hầu hết ca khúc từ lâu trước khi tới phòng thu, chỉnh trang các hợp âm và nghiên cứu xem nhịp điệu sẽ được làm ra sao. Có lẽ điểm nổi bật của Respect là cái cách Franklin đánh vần R-E-S-P-E-C-T bằng chất giọng có nội lực “thâm hậu” của mình. Wexler chỉ thêm vào phần chuyển tiếp - thứ duy nhất ông nghĩ bản cover của Franklin còn thiếu.
Khi Wexler ngồi trong phòng thu làm Respect, Redding cũng tới và lập tức hiểu ca khúc này vĩ đại vô cùng so với phiên bản của mình. “Các cô gái nhỏ đã đánh cắp ca khúc của tôi” - Redding thốt lên bực bội.
Nghe lại bản audio 'Respect' của Aretha Franklin:
Một chút sự tôn trọng
Sự đánh cắp này không chỉ đến từ mặt âm nhạc mà cả nội dung. Khi Redding phát hành Respect- từng leo đến No.4 - vào năm 1965, đó là một bản ballad dễ chịu về những giá trị gia đình truyền thống của thập niên 1950, 1960: Đàn ông đi làm cả ngày, về nhà dùng bữa tối, đưa hết tiền cho vợ và chỉ yêu cầu một chút tôn trọng từ nàng.
Franklin đã lật một cú nữ quyền ngoạn mục trong Respect. Thoạt đầu, nó cũng là về các mối quan hệ nam nữ: “Điều anh muốn/ Anh yêu, em đã có đây/ Điều anh cần/ Anh biết là em đã có đây/ Tất cả những gì em yêu cầu/ Chỉ là một chút tôn trọng khi anh về nhà”. Nhưng sau đó là những chi tiết có thể coi là rất ngổ ngáo thời đó, khi sau nhiều lần yêu cầu bất thành, người vợ đã bảo chồng là sắp ngu hết thuốc chữa và nếu cứ như vậy thì khi về nhà sẽ chẳng thấy ai nữa bởi người phụ nữ đã ra đi và phải có được chút tự trọng.
Nhiều người coi đây chỉ như một lời kêu gọi nổi dậy, một cơ hội để sửa sai, một cú xem có ai trầm trồ! Nhưng kéo theo sau nó là cả một câu chuyện về thời đại.
“Chúng ta luôn hát những ca khúc về những điều mình không có. Chúng ta nói: Chúng ta sẽ vượt qua. Không vượt qua nhưng vẫn hát thế” - theo Ben Chavis, một nhà hoạt động dân quyền từng làm việc cùng Martin Luther King Jr. tại Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu. “Và khi Aretha tung Respect, chúng tôi không nhận được chút tôn trọng nào. Những người da đen bị coi thường, bị đánh gục, bị giết khi đòi quyền bầu cử. Bị đánh gục và giết khi đòi dân quyền. Vì vậy, khi bà ấy ra ca khúc Respect, bà không chỉ đáp ứng sự cấp bách của phong trào thời đó, mà còn qua đó nói rằng chúng tôi sẽ giành được sự tôn trọng”.
Ngay lập tức, Respect đi vào lòng những người mỗi ngày phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc.
“Thời điểm đó, người Mỹ gốc Phi - đặc biệt là phụ nữ người Mỹ gốc Phi - đang tìm kiếm điều gì đó như là “thánh ca” cho thời đại này. Và Aretha đã hát Respect theo cách thật sự khiến người da đen muốn vẫy lá cờ giải phóng, lá cờ tự do của mình. Đây là bài hát xuyên suốt mọi khía cạnh của đời sống phụ nữ da đen” - theo Lewis.
Âm nhạc đã đến rất đúng lúc. Người da đen ở Detroit quê bà đang đặt những câu hỏi về các vấn đề bất công trong nhà ở, đặc biệt khi chỉ có 8% người trong lực lượng cảnh sát là da đen. Martin Luther King Jr. vừa có bài phát biểu về chiến tranh Việt Nam ở New York. Khi mọi thứ đang nóng lên thì Respect ra đời, không chỉ hát về sự tôn trọng mà còn đánh vần rõ ràng nó ra từng chữ.
Vào thời điểm năm 1967, khi có cuộc nổi dậy ở Detroit, mọi người đã nghĩ tới những ca khúc như Dancing In The Street hay Heat Way để kêu gọi hành động nhưng ở Respect có giọng tenor khác biệt khiến mọi người phải chú ý và do đó, là sự lựa chọn cuối cùng.
Duke Fakir, thành viên gốc của nhóm Four Tops lừng danh và là bạn của Franklin, tin rằng Respect chính là đại diện cho âm nhạc thập niên 1960 khi nó song hành với phong trào dân quyền:“Ca khúc đã mở ra những cánh cửa theo cách nhẹ nhàng, tuyệt vời, bằng tình yêu, bằng tâm hồn ngập tràn cảm xúc tốt đẹp. Chúng khiến mọi người nhìn chúng tôi theo cách khác, cách tốt hơn và Respect rõ ràng nằm trong số những ca khúc đó”.
Bản thân Franklin, từ rất lâu trước khi nghe ca khúc của Redding, đã chuẩn bị tinh thần để thành một nhà hoạt động dân quyền khi thường xuyên đi tour với Martin Luther King Jr.. Khi đó, không ai biết King sẽ có ý nghĩa với lịch sử như thế nào nhưng mọi người đều biết ông đang đấu tranh vì điều gì. Franklin luôn ngưỡng mộ King và khi nghe Respect của Redding, bà biết ngay mình phải làm gì.
Khi được hỏi liệu có thấy Respect quá táo bạo trong thời điểm đó, Franklin phủ nhận: “Tôi không thấy nó táo bạo chút nào. Tôi thấy hoàn toàn tự nhiên khi tất cả chúng ta muốn được tôn trọng và nên có được điều đó”.
Hành trình đến vinh quang của “Respect” Ban đầu, Respect được Speedo Sims mang tới cho Redding, người định thu nó với ban nhạc Singing Demons. Không ai rõ người viết phiên bản gốc là ai, chỉ biết đó là một tay guitar ở phòng thu của Bobby Smith. Redding cầm bản của Sims, sửa lại lời và tăng tốc độ bản nhạc. Sims cùng ban nhạc tới phòng thu nhưng không làm được phiên bản hay nên đã nhường cho Redding hát. Tuy bản của Redding đã giành được những thành công nhất định nhưng nó sẽ dễ dàng bị trôi vào quên lãng nếu không có bản của Franklin. Giai điệu mạnh mẽ, giọng hát khiêu khích và nội dung nữ quyền trong Respect của Franklin khiến nó luôn là một trong những ca khúc hay nhất thời đại R&B. Ca khúc cũng mang về cho Franklin 2 giải Grammy năm 1968 cho Bản thu Rhythm & Blues hay nhất và Màn biểu diễn Rhythm & Blues hay nhất (của nghệ sĩ nữ), được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Grammy năm 1987. Nó đứng thứ 5 trong danh sách 500 ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại theo bình chọn của Rolling Stone và nằm trong danh sách Ca khúc của thế kỷ của Công nghiệp Thu âm Mỹ và Quỹ Quốc gia về Nghệ thuật. Franklin còn có một bản thu hát sống Respect trong album Aretha In Paris (1968). |
Thư Vĩ (Tổng hợp)