loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Trong lễ ra mắt Sàn giao dịch tác phẩm nghệ thuật trực tuyến sáng nay (24/3) tại Hà Nội, những người sáng lập hứa hẹn sẽ góp phần hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền về tranh đang rất nhức nhối hiện nay.
Đại diện nhà sáng lập sàn giao dịch là Công ty Tầm nhìn Mỹ thuật Đông Dương (Indochine Art) cho biết: Sàn giao dịch tại địa chỉ www.indochineartdeco.vn và www.indochineart.vn sẽ là nơi cung cấp thông tin hoạt động nghệ thuật, giới thiệu tác giả, tác phẩm mỹ thuật Việt Nam đương đại.
Mỗi tác giả sẽ được xây dựng một “hồ sơ nghệ sĩ” với những tác phẩm của mình. Các tác phẩm được đăng tải trong một thời hạn nhất định, trong thời hạn này, nếu có giao dịch mua bán, dù trực tiếp với họa sĩ hay thông qua sàn giao dịch thì tỷ lệ chia sẽ là 60-40 cho nghệ sĩ- sàn giao dịch.
Các tác phẩm khi được giới thiệu trên sàn giao dịch đều có “xác nhận tác quyền” có chữ ký của đại diện sàn giao dịch và nghệ sĩ. Theo đại diện Indochine Art, với việc cung cấp đầy đủ thông tin của nghệ sĩ và tác phẩm đều có xác nhận bản quyền, sàn giao dịch sẽ giúp “thúc đẩy hình thành thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp, uy tín, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền còn khá phổ biến”.
Cũng theo Indochine Art, sàn giao dịch sẽ là thị trường đúng nghĩa khi nó không chỉ dành cho những người yêu nghệ thuật mà dành cho cả những nhà đầu tư, giúp thúc đẩy hình thành thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp với sự xuất hiện của các nhà đầu tư tác phẩm nghệ thuật bên cạnh các nhà đầu tư bất động sản...
Được mời phát biểu tại lễ ra mắt, họa sĩ Lý Trực Sơn bày tỏ vui mừng trước sự ra đời của sàn giao dịch này, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu minh bạch với nghệ sĩ của các galery truyền thống như hiện tại. “Nay thì nghệ sĩ nào cũng có thể giới thiệu về bản thân mình, tác phẩm của mình để bán. Đây là một mô hình hiện đại và lành mạnh” – Lý Trực Sơn nói.
Họa sĩ Lý Trực Sơn là một trong số những nghệ sĩ đầu tiên tham gia sàn giao dịch tác phẩm nghệ thuật trực tuyến này. Ông nằm trong Hội đồng cố cấn của sàn giao dịch.
Chứng kiến lễ ra mắt sàn giao dịch tác phẩm nghệ thuật trực tuyến, họa sĩ Trần Nhật Thăng tỏ ra rất háo hức. Anh đánh giá sàn giao dịch này “quy mô và nghiêm chỉnh”.
“Các nghệ sĩ được tự xây dựng hồ sơ của mình, tự lựa chọn giới thiệu tác phẩm của mình tới công chúng, khách hàng. Họ lo hết cho nghệ sĩ những việc mà nghệ sĩ rất ngại như là hóa đơn, thuế. Giá tranh của họa sĩ cũng sẽ được đánh giá, thẩm định bởi hội đồng uy tín chứ giá không ấm ớ như hiện nay” – Trần Nhật Thăng nói.
Dù thừa nhận tranh của anh không thuộc loại kén người mua, Trần Nhật Thăng cho biết anh cũng sẽ sớm tham gia vào sàn giao dịch này.
Không bất ngờ khi hầu hết những nghệ sĩ đầu tiên tham gia vào sàn giao dịch tác phẩm nghệ thuật trực tuyến hầu hết đều là những nghệ sĩ trẻ. Thuộc những nghệ sĩ đầu tiên tham gia vào sàn giao dịch tác phẩm nghệ thuật vừa ra mắt này, nghệ sĩ điêu khắc trẻ Lương Đức Hùng chỉ nói giản dị đúng “kiểu” nghệ sĩ khi được hỏi “nghĩ gì về sàn giao dịch này?”- “Nghĩ gì đâu, có nhiều hoạt động thì thị trường mỹ thuật được phát triển và nghệ sĩ có nhiều cơ hội hơn”...
Thị trường mỹ thuật trong nước lại nóng lên câu chuyện tranh giả, tranh nhái gây bức xúc cả người trong nghề và giới sưu tầm. Sự việc này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng vì chưa có chế tài xử lý nên việc dẹp nạn tranh giả không hề đơn giản.
Hương Thương
loading...