Ra mắt sách ‘Tháng ngày ê a’: Hồi ức của một nhà giáo tận tâm
(Thethaovanhoa.vn) - Dù không có chủ ý đề cập đến những bất cập trong giáo dục hôm nay nhưng người đọc sẽ không khó khăn lắm để nhận ra những phép so sánh ngầm. Và nhận ra một thứ triết lí giáo dục nhân bản thật đơn giản, như giáo sư Hồ Ngọc Đại từng nói “Trẻ con phải được học và học được”.
- Soobin Hoàng Sơn nối dài danh sách sao Việt 'chiếm sóng' báo Hàn
- Ra mắt bộ sách 'Đông Chu liệt quốc liên hoàn họa'
Đó là một trong những nhận xét của nhà văn Đỗ Phấn về tác phẩm mới nhất của nhà văn Lê Minh Hà – Tháng ngày ê a. Cuốn sách vừa được NXB Kim Đồng giới thiệu đến độc giả trong buổi tọa đàm sáng 14/7.
Cuốn hồi ký không chủ đích
Tháng ngày ê a được xây dựng dựa trên hồi ức của chính tác giả. Từ tuổi thơ sơ tán ở vùng quê nghèo sông Đáy, gặp người thầy đầu tiên, đến những năm tháng tuổi trẻ ngồi trên ghế nhà trường và cuối cùng trở thành người thầy, với những câu chuyện “bập bênh giữa buồn giữa vui, giữa khổ và sướng, giữa không thích và thích” của nghề giáo.
Sách có kết cấu liền mạch, không chia chương mục rõ ràng, cũng không có mục lục, song tác giả lại chủ ý đan cài nhiều khoảng trống, trang trắng không tuân theo quy tắc thông thường. Chủ ý ở đây là để tạo những “khoảng lặng” để bạn đọc tạm dừng, suy tưởng trước khi tiếp tục hành trình với câu chữ.
Tháng ngày ê a tiếp tục là giọng văn đặc trưng của Lê Minh Hà: tự nhiên, nhẹ nhàng và có chút “giễu”. Khả năng tự “giễu” mình ấy được xem là thành công lớn nhất, theo TS văn học Nguyễn Thị Diệu Linh thì “nó tạo cho tác phẩm những chi tiết rất nhỏ nhưng đầy ấn tượng, những chi tiết ấy dễ bị chìm đi nếu người đọc tiếp cận cuốn sách bằng những tư tưởng lớn”.
Đây cũng không phải lần đầu tiên Lê Minh Hà viết về ký ức quá khứ. Trước đó mạch hoài niệm về quá khứ đã nhiều lần được chị trải bày một cách tinh tế trong Phố vẫn gió, Còn nhớ nhau không hay Những gặp gỡ không ngờ, Thương thế ngày xưa.
Nhà văn Thuận nhận xét: “Trong các tác phẩm của chị Hà, một Hà Nội của thời bao cấp trở đi trở lại như một sự ám ảnh đặc biệt và làm nên một chất liệu giá trị cho tác phẩm”.
Nhưng cái khác biệt của Tháng ngày ê a là nó mang dáng dấp của một cuốn hồi ký, không hề có sự hư cấu với nhân vật chính là tác giả, những nhân vật sự việc cũng là “người thật, việc thật”.
“Tôi chưa đến tuổi của 'người giời' để viết hồi ký. Tôi cũng không có tài cán hay vị thế xã hội gì để nghĩ rằng mọi người muốn biết về mình. Đây chỉ đơn giản là những câu chuyện rất thật, là những suy nghĩ của 1 cô gái, 1 người đàn bà. Bởi thế tôi không ngần ngại viết về những lầm lỗi, điều mà tôi biết nhiều người viết hồi ký thường 'có ý thức' tránh né”, nhà văn Lê Minh Hà thẳng thắn.
Nền giáo dục và cách ứng xử với những “cá tính”
Cũng không thể không nhắc đến một đề tài nổi trội trong sáng tác này của Lê Minh Hà, dù bản thân tác giả vốn không có ý định “động chạm” vào nó một cách trực diện: giáo dục. Gắn bó nhiều năm với nghề giáo và cũng có đủ thời gian để tách khỏi những khuôn phép sư phạm, Lê Minh Hà có một cách “nhìn ngắm” thoải mái về giáo dục.
“Theo tôi, giáo dục cần đào tạo nên những cá tính hoặc tính cách chấp nhận được. Nhưng là một người làm nghề, tôi nghĩ nếu đào tạo ra quá nhiều cá tính thì hơi gay go, nhất là khi bản thân người giáo viên lại không có cá tính” - nhà văn Lê Minh Hà nói - “Sản phẩm của giáo dục là con người, một con người bình thường. Giáo dục bắt buộc phải cho phép con người khi đã hoàn thiện tính cách xã hội rồi thì được quyền phát triển tối đa tính cách cá nhân. Nhưng cá tính không phải hiểu theo nghĩa muốn làm gì thì làm”.
“Tính cách xã hội lẫn tính cách cá nhân đều cần được định hướng và tạo không gian để phát triển”, nhà văn Lê Minh Hà kết luận.
Để nói về cuốn sách của Lê Minh Hà, lời bình của nhà văn Đỗ Phấn xem ra khá chính xác: “Hơn 200 trang sách cũng là ngần ấy câu chuyện nhỏ được kể một cách nhuần nhị duyên dáng và hết sức tự nhiên như nó phải thế. Nó vừa đúng thời điểm, địa điểm và cả tên tuổi nữa. Nhưng quan trọng nhất vẫn là cách viết cuốn hút người đọc. Giản dị câu chữ, giản dị cốt truyện thật đấy, nhưng đã đưa được người đọc theo mạch hồi ức liên miên không dứt”.
Nhà văn Lê Minh Hà sinh năm 1962 tại Hà Nội, từng là giáo viên dạy văn tại trường PTTH Hà Nội – Amsterdam. Từ năm 1994, sống và làm việc tại Đức. Chị là tác giả của nhiều cuốn sách về Hà Nội và từng được đề cử vào hạng mục Tác phẩm tại Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội của báo TT&VH năm 2016. |
Hà My