(Thethaovanhoa.vn) - Loạt phim Goblin (Yêu tinh) được phát sóng trên kênh tvN từ ngày 2/12/2016 và lập kỷ lục về lượng khán giả theo dõi (12,7%). Tuy nhiên, bộ phim này đang gây nhiều tranh cãi với cách mô tả nhân vật và cách quảng cáo sản phẩm quá “lố”.
Phim Goblin được dàn dựng theo câu chuyện dân gian về “dokkaebi”, một sinh vật bí ẩn trong dân gian Hàn Quốc, có thể triệu hồi bất cứ thứ gì nó muốn, kể về chiến binh Kim Shin (Gong Yoo) từ cách đây nhiều thế kỷ, sau khi bị đâm bằng một thanh kiếm phép thuật đã trở thành một dokkaebi bất tử.
Nhiều khán giả nữ tìm thấy nguồn an ủi từ những nhân vật nam toàn năng như Kim Shin (Gong Yoo) trong phim "Goblin"
Ở thời hiện đại, anh cực kỳ giàu có và vô tình gặp gỡ Wang Yeo (Lee Dong Wook), một thần chết mắc chứng mất trí nhớ. Cả 2 dọn về ở cùng nhau và gây ra đủ chuyện dở khóc dở cười. Tiếp đó, anh gặp Ji Eun Tak (Kim Go Eun), một học sinh trung học có khả năng dị biệt nhìn thấy linh hồn và từ đó họ phát triển tình cảm...
Các nhà phê bình truyền hình cho rằng với phim Goblin, ê-kíp làm phim đã “mạnh tay” hơn trong việc thay đổi hình tượng.
“Chúng ta đã có cách phát triển nhân vật khác hẳn đi, mô tả nhân vật là những vị thần thực thụ với ngoại hình trông giống con người hơn và các khả năng của họ đã vượt qua cả sức mạnh con người chứ không đơn thuần là chỉ mô tả những nhân vật trông giống các vị thần nữa” – nhà phê bình văn hóa Jung Duk Hyun nói.
Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ loạt loạt này thu hút được lượng khá giả cao như vậy là bởi nhiều người hâm mộ nữ đang cực kỳ say mê các nhân vật nam toàn năng, những người có thể giải quyết được mọi vấn đề trong cuộc sống ngày càng căng thẳng của người phụ nữ hiện đại.
Vài năm trở lại đây, các nhân vật nam sở hữu các sức mạnh siêu nhiên xuất hiện ngày càng nhiều trong phim truyền hình. Cụ thể, trong loạt phim I Can See Your Voice (2013), nhân vật nam chính có khả năng đọc được suy nghĩ của con người.
Tiếp đó, phim Vì sao đưa anh tới (My Love from the Stars) kể về một người ngoài hành tinh có sức mạnh siêu nhiên về thị giác, thính giác và tốc độ. Còn nhân vật chính trong phim Another Oh Hae Young, được phát sóng hồi tháng 5/2016, có thể nhìn được tương lại.
"Nhiều khán giả nữ coi những nhân vật nam có những khả năng ấy là cứu tinh của họ” – nhà phê bình văn hóa Ha Jae Geun nhận định. "Khán giả nữ tìm được sự an ủi trong những tuýp nhân vật nam hư vậy. Có điều, sự ủng hộ của họ cho những nhân vật như thế sẽ khiến cho vị thế của phụ nữ trong xã hội bị suy giảm”.
Mối tình lãng mạn của hai nhân vật chính trong phim lôi cuối người xem song cũng gây tranh cãi
Trong khi đó, các nhân vật nữ độc lập, thực tế cũng chiếm vị thế nổi trội các nhiều phim truyền hình. Điều đó cho thấy những tuýp nhân vật nữ như kiểu nàng Lọ Lem không còn chỗ đứng trong phim truyền hình Hàn Quốc.
Phim Another Oh Hae Young đã nhận được nhiều sự ca ngợi với nhân vật nữ chính dù không hoàn thiện nhưng cô sống thực với cảm xúc của mình. Còn phim I Can See Your Voice lại kể về một nữ công tố viên có năng lực, thẩm quyền.
Tuy nhiên trong phim Goblin, nhân vật nữ chính lại là người bị áp bức, ngây thơ và cách mô tả như vậy khiến người xem nghĩ đến tuýp phụ nữ đang gặp nạn.
Ji mồ côi mẹ và sống cùng những người họ hàng. Họ coi cô như gánh nặng trong gia đình và cô bị tẩy chay ở trường học. Dokkaebi Kim tới và an ủi, động viên cô.
Khán giả khó chịu với cách quảng cáo cho thương hiệu Subway quá "lố", khiến họ mất tập trung xem phim
Nhiều người thấy tiếc khi không mô tả Ji là một nhân vật hoạt bát, lạc quan sống dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
“Tiếc là Ji vẫn không thể thoát khỏi khuôn mẫu nàng Lọ Lem, khi đối tác của cô là người toàn năng, giàu có” – nhà phê bình Kim Sun Young nói.
Nhiều người còn tranh cãi khi tạo dựng nhân vật Ji là một học sinh trung học, trong khi Dokkaebi Kim là người đã 934 tuổi, dù chiến binh này có ngoại hình của một người 30 tuổi.
Khán giả còn thấy khó chịu với cách quảng cáo sản phẩm công khai và hết sức vụng về trong phim. Trong tập phim thứ 8, được phát sóng hôm 24/12/2016, hai nhân vật chính ngồi trong một cửa hàng ở Subway và bàn chi tiết nên lựa chọn các thành phần nào và làm thế nào để làm to các chiếc bánh sandwiches. Dokkaebi và cô bạn gái chỉ ăn gà rán của thương hiệu này trong nhiều ngày và camera thì luôn chĩa vào tên của thương hiệu.
Cảnh quay ở biển Jumunjin, Gangneung, trong phim "Goblin" đã hút nhiều du khách tới đây sau khi họ xem phim
Dù vẫn biết rằng nhiều phim truyền hình sử dụng các sản phẩm thay thế để trang trải cho các chi phí sản xuất, song khán giả cho rằng các nhà sản xuất phim
Goblin đã tận dụng cách ấy một cách quá mức khiến họ mất tập trung khi xem phim.
Cạnh tranh để giới thiệu các sản phẩm giữa các thương hiệu đang đang khốc liệt hơn bao giờ hết bởi nếu phim chiếm tỷ lệ khán giả cao, lập tức những sản phẩm ấy “bán đắt như tôm tươi” cả ở Hàn Quốc và khắp châu Á.
Chẳng hạn, thương hiệu mỹ phẩm Laneige đã thu được 1,2 tỷ won từ loại son mà nữ diễn viên Song Hye Kyo sử dụng trong loạt phim ăn khách Hậu duệ mặt trời.
“Sau khi xem phim, nhiều khán giả đã đặt mua các sản phẩm mà họ thích qua mạng” – một nguồn tin cho biết.
Cũng nhờ vậy mà bãi biển Jumunjin ở Gangneung đã đón được lượng du khách đáng kể sau khi một cảnh quay trong phim Goblin được quay tại điểm du lịch này, nhiều người tới đây xếp hàng chụp ảnh, trong khi một số người đã mở cửa hàng bán khăn và cho thuê ô với giá 1.000 won/chiếc để du khách có thể chụp những bức ảnh giống các nhân vật trong phim.
Tuấn Vĩ
Theo Korea Herald