Phim 'Chơi thì chịu': Lỡ đi xem thì ráng chịu!
(Thethaovanhoa.vn) - Phim Việt ra rạp ngày càng nhiều nhưng thau nhiều hơn vàng, trong đó có nhiều phim không khác gì một tác phẩm truyền hình mang ra chiếu màn ảnh rộng. Với những bộ phim kiểu này, khán giả lỡ bỏ tiền mua vé vào xem rồi thì chỉ biết bỏ về lập tức, hoặc đành chịu trận. Phim Chơi thì chịu của đạo diễn Nguyễn Lâm là một “ca” như vậy, với nội dung “nhạt như nước ốc”.
- Sau khi bị hủy ra rạp, phim ‘Số nhọ’ đổi tên cho đỡ 'nhọ'
- 'Số nhọ' hủy ra rạp đúng giờ chiếu, nhà làm phim mặc khán giả 'leo cây'
1. Phim có tựa ban đầu là Lỡ, hàm ý nói về tình huống và cách xử lý của Anh Thy - cô gái ngoan trong một gia đình gia giáo - khi lỡ mang thai ngoài ý muốn, sau một lần say xỉn vào nhầm phòng. Mà “thủ phạm” là Minh Trường, bạn của anh trai cô, người lúc đó cũng say khướt.
Nếu tin rằng cái tên ít nhiều “vận” vào phim (như dạo phim Số nhọ bất ngờ bị cấm chiếu vào lúc cận kề giờ họp báo ra mắt, đành lùi lịch phát hành một tháng và đổi tên thành Hay không bằng hên) thì với phim này, từ “lỡ” quá phù hợp. Theo lời đạo diễn Nguyễn Lâm thì đoàn phim phải dừng giữa chừng do nhà đầu tư bất đồng rút lui, tí nữa là lỡ nhịp hoàn thành. “Lỡ” còn là cảm giác mà khán giả nhận được sau khi trót bỏ tiền, bỏ gần 100 phút để xem. Thật khó chịu khi thưởng thức một phim mà từ tình huống cho đến cách xử lý của nhân vật cứ đi theo sắp đặt chủ quan của biên kịch, không tuân thủ một logic nào.
Những điểm phi logic dễ nhận thấy: Minh Trường lỡ làm Anh Thy có thai, vẫn chưa đủ thuyết phục, vì khán giả không hiểu tại sao có hai người tỉnh táo là chú rể và cô dâu nhìn thấy nhưng lại để cho hai người say khướt như Anh Thy và Minh Trường đi vào phòng nằm chung một phòng.
Phản ứng của gia đình Anh Thy sau đó còn gây ngạc nhiên hơn. Hai giáo viên về hưu bất ngờ nghe tin cô con gái ngoan báo có thai, đòi làm mẹ đơn thân thì liền rất hào hứng chấp nhận, và chỉ yêu cầu được gặp mặt cha đứa bé.
Khi Minh Trường đến nhà Anh Thy trong bộ dạng quần áo tóc tai luộm thuộm và khai làm nghề phụ hồ, ba mẹ Anh Thy không những không thất vọng mà ngược lại còn vui vẻ, hối Minh Trường mau về kêu ba mẹ mang trầu cau đến hỏi cưới Anh Thy.
Rồi khi đám cưới diễn ra, Anh Thy lại chấp nhận luôn việc Minh Trường đưa người yêu về sống chung căn hộ, đó là món quà cưới mà ba mẹ Anh Thy vừa cho.
2. Cứ thế xuyên suốt phim, người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác vì những tình tiết hoặc sắp đặt vụng về, ngớ ngẩn, hoặc thừa thãi. Minh Trường lúc về thăm nhà thì gọi điện tuyên bố với cô bồ Diễm My là “sẽ không có đám cưới nào diễn ra vì nhà anh rất nghèo, ba mẹ không đủ tiền cưới”. Nhưng thật ra anh chàng là thiếu gia phố núi. Rồi khi vừa trở lại thành phố lại dẫn Diễm My đi thử áo cưới.
Đoạn Minh Trường ra tay nghĩa hiệp đánh đuổi bọn trấn lột trên xe đò chẳng hiểu xuất hiện trong phim để làm gì. Trong khi phim lại không tập trung phát triển những tình huống miêu tả cho diễn tiến tình cảm giữa Anh Thy và Minh Trường. Càng không diễn tả sự lột xác của Minh Trường từ một tay chơi sang một người đàn ông có trách nhiệm. Chính vì vậy, khi kết phim, lúc Minh Trường bỏ cô người yêu lâu năm để đến với Anh Thy, khán giả thấy chưng hửng, vì quá đột ngột.
Nếu bỏ qua hết những hạt sạn lớn về nội dung như vậy, thì hạt sạn lớn nhất của phim này hoàn toàn thiếu yếu tố “điện ảnh”. Đặc trưng của phim truyền hình thể hiện rõ qua góc máy, đầu tư bối cảnh, diễn xuất, thoại dày đặc, nó hoàn toàn thiếu những đặc tả bằng hình ảnh.
Chọn ra rạp vào ngày 20/10 - Ngày Phụ nữ Việt Nam - có thể hiểu người làm phim Chơi thì chịu cũng có ý muốn tôn vinh bản lĩnh người phụ nữ trước nghịch cảnh và kêu gọi ý thức trách nhiệm của các bạn trẻ, nhất là nam giới. Nhưng rất tiếc, thông điệp tốt đẹp này chưa được chuyển tải một cách trọn vẹn, bởi cốt truyện còn lủng củng, tay nghề của đạo diễn còn quá nhiều hạn chế.
Dương Ngọc