A+ A A- Kiểu đọc sách

Phát huy văn hóa địa phương để xây dựng con người Việt Nam toàn diện

12:30 24/11/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khuôn khổ Hội nghị Văn hóa 2021, sáng 24/11, lãnh đạo một số địa phương đã có tham luận phát biểu, thống nhất tinh thần phát huy các giá trị truyền thống tiêu biểu của từng địa phương để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Phát huy vai trò của trụ cột văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng phát triển bền vững

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Phát huy vai trò của trụ cột văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng phát triển bền vững

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh nhiệm vụ triển khai Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.

Bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa lịch sử Hà Nội

Phát biểu với nội dung “Đảng bộ Hà Nội quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo đường lối phát triển văn hóa của Đảng”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị và sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc trọng trách của mình trong xây dựng và phát huy sức mạnh văn hóa dân tộc trong tiến trình hội nhập, phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Theo đó, để cụ thể hóa các quan điểm mới về phát triển văn hóa, con người Việt Nam được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thành phố Hà Nội tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp vừa đảm bảo đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa có tính căn cơ, lâu dài trên tinh thần đổi mới sáng tạo, có tính đột phá.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam của toàn xã hội; đồng thời thấu suốt quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người là sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, thận trọng, trong đó, con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là mục tiêu và trung tâm trong chính sách phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô.

Chú thích ảnh
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tham luận trực tuyến. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội Định vị tầm nhìn rộng để hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; đảm bảo bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp, tạo cơ chế thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển, để Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn của cả nước.

Cùng với nhiệm vụ chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nhân văn trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn làng, khu dân cư, tổ dân phố, trường học, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi gia đình, thành phố Hà Nội tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa lịch sử Hà Nội bắt kịp xu thế phát triển của thời đại.

Bên cạnh đó, phát huy tối đa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô các nước, quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; những “thương hiệu” quốc tế được vinh danh, cùng với tinh thần chủ động và sáng tạo trong hội nhập quốc tế về văn hóa để đưa Hà Nội trở thành địa điểm hấp dẫn về giao lưu, hợp tác, quảng bá và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao có uy tín trong nước và quốc tế.

Gìn giữ các giá trị văn hóa để phát triển bền vững

Phát biểu tham luận với chủ đề “Thừa Thiên Huế gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa để phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho biết, địa phương là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang; là nơi hội tụ, giao thoa và lan toả những giá trị văn hoá phong phú đa dạng, đặc sắc trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.

Với nền tảng vốn quý đó, những năm qua, Thừa Thiên Huế luôn ý thức sâu sắc trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa; luôn xem văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững. Tỉnh đã ban hành nhiều đề án, chương trình, nghị quyết cụ thể trong từng giai đoạn, trong đó, nỗ lực, quyết tâm để đưa du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở bảo tồn, phát huy và khai thác hiệu quả các di tích lịch sử, các giá trị văn hóa giàu bản sắc truyền thống.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Để thực hiện mục tiêu “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế”, thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; nghiên cứu, triển khai cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp mà Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đề ra phù hợp với thực tiễn địa phương; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững. Triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Tập trung huy động nguồn lực để giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống và di sản một cách nguyên bản, đồng bộ, Thừa Thiên Huế ưu tiên bảo tồn, trùng tu các di tích thuộc Quần thể di tích cố đô Huế; di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; bảo tồn phố cổ, làng cổ; bảo vệ và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, vịnh biển Lăng Cô, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Vườn quốc gia Bạch Mã...; đồng thời, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, đặc biệt Nhã nhạc cung đình Huế, ca Huế; các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian gắn với nghiên cứu phát triển các loại hình nghệ thuật hiện đại.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ; phát triển công nghiệp văn hóa trên cơ sở khai thác phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản; giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa bảo tồn và phát triển; tập trung thực hiện chuyển đổi số trong phát triển du lịch; chủ động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt để phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế trong tình hình mới.

Đưa giáo dục bản sắc văn hóa Huế vào trong đời sống xã hội, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho biết, triển khai có hiệu quả Đề án "Văn hóa Huế - con người Huế: Bảo tồn và phát triển"; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn; phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người tử tế, khoan dung, chân thành, trọng đạo lý.

Cùng với đó, tỉnh tăng cường các giải pháp quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa; bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong phát triển văn hóa, du lịch; nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ văn hóa; xây dựng cơ chế khuyến khích nhân tài, nhất là chế độ đãi ngộ thỏa đáng để thu hút nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch.

 “Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa và di sản là một trong những yếu tố nội sinh quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định; đồng thời bày tỏ tin tưởng, các nội dung tham luận và ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị sẽ góp phần quan trọng để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra những quyết sách, thông điệp quan trọng nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Quảng bá các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho biết, An Giang giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, đa dân tộc, đa tôn giáo. Tính đa dạng về văn hóa là một trong những thế mạnh của hệ giá trị sinh thái nhân văn, tạo nên nét đẹp rất riêng của nền văn hóa tâm linh địa phương và của từng dân tộc tại An Giang.

Trong những năm qua, tỉnh An Giang luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực, mục tiêu của phát triển; phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh, giữ vững ổn định biên giới. Trong những năm qua, An Giang đã tích cực triển khai quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, đồng thời thực hiện một số giải pháp bảo tồn và phát huy thế mạnh, đặc trưng văn hóa của tỉnh.

Chú thích ảnh

Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang cho biết, tỉnh đã tập trung trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa; lập kế hoạch trùng tu di tích cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025; đề xuất Trung ương hỗ trợ trùng tu các di tích cấp quốc gia. Đặc biệt, nhân dân đã đóng góp kinh phí cùng với nhà nước trùng tu 69 đình làng, nhằm bảo tồn, gìn giữ các thiết chế văn hóa truyền thống làng xã của địa phương.

Bên cạnh đó, địa phương tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nhất là di sản văn hóa và văn hóa truyền thống các dân tộc, thông qua nghiên cứu, đề nghị xếp hạng di tích, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và thế giới; tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Chăm, Khmer hàng năm; chú trọng quản lý, tổ chức lễ hội trang trọng, tiết kiệm, phù hợp thuần phong mỹ tục. Một số lễ hội lớn như: Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Lễ hội Kỳ Yên đình Thoại Ngọc Hầu, lễ giỗ Đức Quản cơ Trần Văn Thành… được tổ chức chu đáo, quy mô, trang trọng; phần hội diễn ra phong phú, hấp dẫn, tạo được sức lan tỏa, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống.

Để phát huy nguồn lực văn hóa, An Giang đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua các hoạt động văn hóa đối ngoại, kết hợp tổ chức các sự kiện văn hóa; tham gia giao lưu nghệ thuật, triển lãm thương mại, văn hóa-du lịch trong nước và quốc tế. Đặc biệt, An Giang đẩy mạnh phong trào văn hóa-văn nghệ vùng biên giới để cải thiện, phát huy đời sống văn hóa trong đồng bào dân tộc, tăng cường quan hệ hữu nghị với Vương quốc Camphuchia, đồng thời giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo các dân tộc của địa phương ra thế giới.

Tỉnh An Giang đã tận dụng nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng với nhiều danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật, nơi ghi lại dấu ấn, chiến tích hào hùng của dân tộc như: Núi Sam, Núi Cấm, Khu di tích Miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Hang, chùa Tây An, Đồi Tức Dụp, Khu di tích Nhà mồ Ba Chúc... Tỉnh đã đẩy mạnh khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa để quảng bá, thu hút du khách đến địa phương thông qua các tour, tuyến du lịch, tổ chức các lễ hội, góp phần quãng bá các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, giải quyết việc làm và phát triển bền vững.

Thêm vào đó, An Giang đã lập quy hoạch, đề án phát triển dài hạn các loại hình văn hóa, nghệ thuật như: Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Đề án bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021…; đồng thời, ban hành nhiều quy định, quy chế quản lý di sản văn hóa và tổ chức lễ hội, từng bước đưa hoạt động quản lý và bảo vệ di sản văn hóa đi vào nền nếp.

Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển vùng đất miền biên viễn, An Giang đang chuẩn bị kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng của nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang quyết tâm phấn đấu, đoàn kết một lòng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Diệp Trương - Trần Phương (TTXVN)

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...